Xin lỗi dân không phải là chuyện mới. Nhưng làm sao để xin lỗi, xin lỗi như thế nào, vì sao công chức vẫn chưa lấy việc xin lỗi dân làm trọng... là những vấn đề mà cả xã hội đều quan tâm. Thạc sĩ Bùi Văn Vân (ảnh), Trưởng khoa Tâm lý-Giáo dục ĐH Sư phạm Đà Nẵng, đã đưa ra những góc nhìn chân thực về văn hóa xin lỗi của công chức.
* P.V: Thưa ông, cho tới nay, xin lỗi dân vẫn mới đối với nhiều cán bộ công chức (CBCC). Có phải vì tâm lý xin-cho còn quá nặng?
- Thạc sĩ Bùi Văn Vân: Thứ nhất, về mặt nguyên tắc, xin lỗi dân không có trong Luật Công chức để làm quy chuẩn cho người làm việc, mà chỉ được đưa vào trong các quy định, và mới đây nhất là quy định xin lỗi dân bằng văn bản của thành phố Đà Nẵng. Thứ hai, về góc độ văn hóa, một số CBCC xem xin lỗi dân là việc hạ thấp mình. Bác Hồ đã nói CBCC là công bộc của dân, nhưng không mấy ai thấm nhuần điều đó, mà luôn cho là mình đứng trên người dân. Quan là do dân đưa lên, bầu lên để thực hiện những giải pháp giúp ích cho đời sống của dân; nhưng khi đã có chức, người ta bắt đầu nghĩ rằng họ là người ban ơn huệ. Ngay cả trong quan hệ thầy trò, lâu nay người ta vẫn luôn nói: “Thầy dạy cho em, thầy trao cho em, thầy cho các em biết...”, chứ không phải là “chúng ta cùng tìm hiểu vấn đề này”. Trong các chương trình giáo dục kỹ năng sống, người ta vẫn luôn dạy các em: Phải lễ phép, kính trọng và xin lỗi người lớn, nhưng không nói tới việc người trên xin lỗi người dưới khi làm sai.
Xin lỗi dân là một lời hứa, và lời hứa đó phải biến thành chương trình hành động. Muốn làm được điều đó, cần giáo dục cho người ta một thói quen. Hãy xem xin lỗi đơn giản là một hành vi ứng xử khi ta gây phiền hà cho ai. Đối với CBCC, hành vi văn hóa phải được xem xét trên cả hai phương diện hành vi bên ngoài và động cơ thúc đẩy từ bên trong. Anh không cố gắng sửa chữa hành vi lầm lỗi thì dù anh có xin lỗi, một hành vi nhìn có vẻ đẹp, nhưng cũng không mang nhiều ý nghĩa. Vì vậy, cái mà chúng ta hướng tới là làm sao cho người ta biết xin lỗi từ lỗi lầm của mình, biết mình sai chỗ nào, gây thiệt hại gì cho người dân, cho khách hàng.
* P.V: Phải chăng xin lỗi dân cũng đồng nghĩa với CBCC thừa nhận sự yếu kém của mình trong giải quyết công việc, nên CBCC không muốn xin lỗi?
- Thạc sĩ Bùi Văn Vân: Có thể có tư tưởng như vậy trong một số CBCC. Vì xin lỗi chưa được hình thành như một thói quen, một nét văn hóa, nên người ta cứ hay nghĩ đó là điều to tát. Nhưng thực tế, đâu phải là một sai lầm nào nghiêm trọng mới phải xin lỗi, mà bất kể một sự phiền hà nào dù nhỏ cũng phải xin lỗi người khác, dần dần mới thành thói quen. Nếu quen rồi, xin lỗi thành câu cửa miệng. Ở Việt Nam mình còn có điều này: Do cơ chế lãnh đạo, cơ chế quản lý không có người trực tiếp chịu trách nhiệm, chẳng hạn như quy hoạch đô thị phụ thuộc vào rất nhiều ngành, lòng vòng, nên khi phát sinh lỗi thì không ai nhận. Có rất nhiều dự án treo từ cấp Trung ương đến địa phương, không thấy ai xin lỗi cả. Muốn người ta xin lỗi, có lẽ cần phải thay đổi nhiều luật chứ không chỉ riêng Luật Công chức.
* P.V: Có vẻ như xin lỗi dân đang rộ lên như một điểm nóng ở một số địa phương dù rằng nó không mới. Liệu điều đó cũng giống như nhiều phong trào khác chỉ nổi lên trong một thời kỳ rồi thôi?
- Thạc sĩ Bùi Văn Vân: Thực ra bản thân phong trào là tốt. Nhưng ta thường có kiểu đẩy điều gì đó lên cao trào trong một thời gian rồi lại quên đi do không thành thói quen văn hóa. Việc giáo dục từ gốc mới là quan trọng nhất, chứ không nên đánh trống bỏ dùi. Giáo dục nhân cách là một quá trình lâu dài, không giống như việc hình thành một định luật, định nghĩa. Cái nền là giáo dục, mà phải giáo dục tới nơi tới chốn, nếu không sẽ như ném đá xuống ao bèo. Trong thiết chế hình thành nhân cách con người phải có nhà trường, gia đình và xã hội, mà nhân cách gốc phải xuất phát từ gia đình. Và để đóng góp cho việc hình thành thói quen xin lỗi, chính các nhà báo phải thực hiện một chuỗi tuyên truyền dài hơi, với nhiều bài viết phân tích sâu sắc để xã hội thấy được vấn đề!
* Xin cảm ơn ông!
HẰNG VANG (thực hiện)