Cuộc sống không phải là màu hồng như mọi người vẫn thường nghĩ. Với Aya bé nhỏ, 15 tuổi đã phải đối mặt với căn bệnh thoái hóa tiểu não, thì những nghị lực phi thường mà cô bé trải qua luôn là bài học mà chúng ta cần trân quý.
Bước vào tuổi 15, một căn bệnh mang tên Thoái hóa tiểu não (Spinocerebellar Atrophy) bỗng giáng xuống đầu Kito Aya (19-7-1962 – 23-5-1988). Căn bệnh phát triển khiến Aya dần mất đi khả năng kiểm soát cơ thể. Theo thời gian Aya không thể bước đi theo ý muốn, phải ngồi xe lăn, không thể cầm đũa, không phát âm được như ý muốn, rồi cuối cùng là nằm liệt giường. Aya kể lại cuộc chiến dai dẳng hàng năm trời với căn bệnh hiểm nghèo qua những dòng nhật ký đẫm nước mắt.
Bác sĩ Yamamoto Hiroko, người trực tiếp điều trị cho Aya khuyên cô nên viết nhật ký để ghi lại các biến chuyển trong bệnh tật của cô. Hơn 6 năm kiên trì viết nhật ký, Aya kể về những cảm nhận và suy tư của bản thân trong suốt quãng thời gian chứng kiến cơ thể mình suy sụp. Từ trong nước mắt và tật nguyền, cuộc tìm kiếm giá trị bản thân của cô đã làm rơi lệ những người chứng kiến và sau này là đọc về cuộc đời cô. Bởi trong hơn 20 năm cuộc đời, với Aya, tương lai của cô là một con đường hẹp, và càng ngày nó càng trở nên hẹp hơn. Căn bệnh ngăn trở Aya khỏi tất cả những ước mơ và dự định, thậm chí việc tự mình bước ra ngoài phố để đi tới hiệu sách cũng trở thành một khao khát cháy bỏng.
Cuốn sách, đồng thời cũng là cuốn nhật ký của Aya - 1 lít nước mắt chứa đựng rất nhiều thông điệp đáng ngẫm và trân trọng. Đó là câu chuyện về nỗ lực không ngừng nghỉ của Aya, về việc không bỏ cuộc và không đầu hàng trước số phận. Aya muốn học thật chăm, thật giỏi, nhưng thân thể ngày càng yếu đi khiến mong ước rất khó thực hiện. Aya cũng muốn giống người khác, được bước đi bình thường, chạy nhảy, “nổi loạn” một chút, nhưng căn bệnh đã dần cướp đi sự di chuyển, xóa đi ước mơ của cô. “Có những người mà sự tồn tại của họ giống như không khí, êm dịu, nhẹ nhàng, chỉ khi họ mất đi người ta mới nhận ra họ quan trọng nhường nào. Mình muốn trở thành một sự tồn tại như thế”.
Mặc dù mệt mỏi, đau đớn, chạnh lòng vì đôi khi người khác không hiểu mình, Aya vẫn gắng sống, vẫn gắng hít thở và nói những gì mình muốn, dù chỉ là bập bẹ từng từ. Aya đã không chịu thua số phận, dù rằng cô ra đi khi chưa đầy 26 tuổi, nhưng cô đã chiến thắng chính bản thân mình. Và những gì Aya viết trong 1 lít nước mắt chứa đựng cả số phận và cách cô vượt qua nó, để có thể gạt nước mắt mà sống, mà vui tươi; để có thể cười khi biết con đường trước mặt đang ngày càng hẹp hơn, bầu trời thì ngày càng u ám. Và quan trọng hơn hết, ý chí nghị lực sống cực kỳ lớn của Aya là nhờ mẹ tiếp sức: “Trong cuộc sống con người ai cũng phải chịu đựng gánh nặng nào đó, dù ít hay nhiều. Thế nhưng ta vẫn phải sống và chống chọi, cố gắng vượt qua nó. Không được nghĩ rằng mình là kẻ bất hạnh. Nếu nhận thức được rằng, còn có những người bất hạnh hơn mình nhiều, ta sẽ càng thêm bền bỉ”.
Tôi đã không khóc khi xem phim, khi đọc cuốn 1 lít nước mắt, nhưng tôi cảm thấy trái tim mình như bị bóp nghẹt lại bởi nỗi đau mà Aya đã hứng chịu, đã trải qua. Và hơn hết, tôi thấy cảm động, khâm phục, ngộ ra nhiều điều từ cuộc sống của một con người. Thường thì ít người biết đến việc quý trọng cuộc sống hiện tại cũng như nỗ lực hết mình cho những gì mình đang có khi được sống khỏe mạnh. Nếu có người đối diện với một căn bệnh không có thuốc chữa thì việc tỏ ra yếu đuối hay tuyệt vọng là điều dễ hiểu. Nhưng đối mặt với nó, không buông xuôi khi còn một ngày được sống và có thể nói là học cách đối diện với cái chết như thế nào, mới là điều quan trọng. Chính Aya đã làm được điều đó: “Hai năm nay mình liên tục được dạy là: “hãy chấp nhận sự thật rằng mình bị tàn tật và khởi đầu lại mọi thứ từ đầu”. Dù có đau lòng thế nào đi nữa, cũng phải kiên cường mà sống”. Thời gian đầu mắc bệnh, Aya cũng đã khóc rất nhiều và cô còn đặt câu hỏi: “Tại sao lại là con?”; thậm chí cô thắc mắc: “mẹ ơi, con có thể kết hôn được không?”. Nhưng khi đã học cách đối diện với căn bệnh, Aya dù tuyệt vọng, đau khổ nhưng vẫn cảm ơn cuộc đời vì đã cho cô được sống. “Vấp ngã ư, chẳng sao cả nếu bạn có thể đứng dậy”… Tấm gương, nghị lực sống của Aya đã động viên cho biết bao bệnh nhân cùng điều trị với cô; và là nguồn động lực cho những người bệnh, những người chưa nhận ra ý nghĩa cuộc sống của mình khi đọc về cuốn nhật ký 1 lít nước mắt.
Trong hơn 10 năm đối mặt với bệnh thoái hóa tiểu não, Aya đã viết được tổng cộng 46 cuốn nhật ký, trên những cuốn vở học trò. Từ những cuốn vở đầu tiên với nét chữ ngay ngắn đến những cuốn sổ nguệch ngoạc các con chữ khó đọc do giai đoạn cuối cô không thể viết được nữa, Aya đã cám ơn gia đình, bạn bè, người bác sĩ tận tâm và cả bà điều dưỡng già đã hết lòng yêu thương, chăm sóc cô. Năm 1986, 2 năm trước khi Aya mất, người mẹ của cô đã quyết định xuất bản cuốn nhật ký với tên gọi 1 lít nước mắt. Câu chuyện của Aya sau này được dựng thành phim hai lần, đã khiến hàng triệu người xem cảm động rơi lệ. Từ đó đến nay chỉ riêng ở Nhật Bản cuốn sách đã bán được hơn 1,1 triệu bản. Mới đây, đài truyền hình HTV đã trình chiếu bộ phim dài 11 tập 1 lít nước mắt; trước đó cuốn nhật ký đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt, nhận được sự chào đón của đông đảo độc giả Việt Nam…
HOÀNG NHUNG
(*) Đọc 1 lít nước mắt, NXB Văn hóa-văn nghệ TP. Hồ Chí Minh và Nhã Nam liên kết ấn hành năm 2012.