.

Yêu thương biết mấy cho vừa

.

“Không nỗi đau nào bằng nỗi đau lòng, và mình may mắn được làm công việc xoa dịu nỗi đau đó. Hy vọng kiếp này sẽ mãi được nâng niu những thân phận già yếu đơn côi”.

Phút chuyện trò cùng các “ngoại”.
Phút chuyện trò cùng các “ngoại”.

Trong giọng nói lúc nào cũng như nghẹn ngào tiếng khóc, chị Phùng Thị Thu Huệ, hộ lý chăm sóc 30 cụ thuộc khu nhà ở Người bất động, Trung tâm (TT) Bảo trợ Xã hội thành phố trải lòng…

Ông Nguyễn Đức Liên, Giám đốc TT nói: Hiện chúng tôi có 60 người cao tuổi trên tổng số 180 đối tượng. Trong đó, cụ nào còn đi lại được nhưng mất trí, hay vẫn minh mẫn nhưng phải nằm một chỗ không thể tự chủ về sinh hoạt cá nhân thì ở khu nhà do cô Huệ phụ trách. Nói chung, lo cho người già yếu cho đến lúc họ trở về với cát bụi là phần việc cô ấy đảm đương.

“Thương ngoại lắm!”

Khu nhà ở Người bất động có một khoảng sân khá rộng, nơi các cụ thường ngồi hóng mát, nói dăm ba chuyện bâng quơ. Những câu chuyện không đầu, không cuối, chập chờn trong trí nhớ mơ hồ đủ khiến các cụ cười nghiêng ngả, khoe hàm răng đã lung lay. Trong cái không khí thảnh thơi đó, duy nhất có một người phụ nữ cứ tất bật vào ra. Chị vừa làm, vừa… nhảy tưng tưng cho các cụ cười. Miệng cũng chẳng được yên khi cứ liên tù tì “rót mật”. Người già hay dỗi, trái gió trở trời thì chướng lên mấy hồi nên hết dỗ ngọt đến “nịnh đầm” trở thành chiêu của chị. Công việc tưởng quanh đi quẩn lại là cho “ngoại” (cách chị gọi các cụ) ăn cơm, uống nước, tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh, vậy mà chẳng lúc nào chị ngơi tay.

42 tuổi, dáng người tròn trịa, nhanh nhẹn và gương mặt toát lên vẻ đẹp phúc hậu, nhìn chị Phùng Thị Thu Huệ lúc giống một người cháu đang chăm bà, có khi như người chị cả quán xuyến mọi việc trong ngôi nhà đông đúc. Cụ Kiệt (54 tuổi) đi đứng loạng choạng bị té u đầu. Chị lao tới đỡ: “Con dặn chú rồi, đi chơi gần thôi, đi xa nguy hiểm lắm. Giờ được băng lại, nhớ ngồi yên cho con nghe”. Ông Kiệt gật gù: “Hiểu, hiểu”. Tôi thắc mắc sao không để cụ ngồi xe lăn cho tiện. Chị Huệ nói: “Cụ nào còn vận động được phải cố gắng tự đi đứng. Nếu ỷ vào xe lăn, chân sẽ trở nên yếu luôn”. “Mình không chỉ chăm sóc mà còn phục hồi chức năng, vật lý trị liệu cho các cụ nữa”, chị giải thích thêm. Từ xa, một cụ bà nhanh chân bước tới, nói rõ to với vẻ mặt hể hả: “Chào cô Huệ”. Chị nhìn qua tôi: “Trông vậy mà đi vệ sinh lại bôi lung tung phèo. Mình vừa dọn đã đời”.

 Giờ ăn, cụ Mẫn (60 tuổi) bị tai biến co quắp tay chân cứ rơm rớm: “Tôi không ăn cơm cô Huệ ơi!”. Chị lại dỗ dành: “Ráng nuốt cho con nghe. Muỗng ni thôi rồi con cho uống nước”. Cứ “hứa lèo” với bà Mẫn chập hồi cũng hết cả tô cơm to. Bà Mẫn là vậy, không dỗ sẽ không ăn, nhưng ép quá lại ói qua hết. Chỉ có chị Huệ mới thực sự hiểu lúc nào bà no thiệt và lúc nào bà no không thiệt. Giường bên cạnh, bà Năm đòi chèo chẹo đôi dép cũ: “Để đúng chỗ ni cho tôi, cất chỗ nớ con Ki gặm mất”. Chị Huệ lại mang đôi dép đặt… lên giường cho bà vừa lòng. 30 năm đi ở đợ, đến lúc già yếu ngã bệnh, bà Năm được chủ nhà đưa vào TT nhờ nuôi giùm. Thương một đời khốn khổ, chị Huệ chỉ biết dùng lời dịu dàng và sự ân cần để mong bà được chút gì đó gọi là an hưởng trong những ngày còn lại.

Phụ việc với chị Huệ có hai người là đối tượng của TT còn khỏe mạnh và tự nguyện hỗ trợ. Thế nên, lúc nào rảnh rỗi, chị lại đưa các cụ bất động ra ngoài dạo mát, xoa chân, bóp tay hoặc đơn giản là cùng chuyện trò. Đưa mái tóc dài qua vai, chị nói biết hôm nay có người đến gặp nên mới điệu thế này, bình thường tóc tai phải bới gọn gàng, thẻ cán bộ cũng không dám đeo trước ngực vì sợ bị… túm. Nhất là đến giờ tắm, các cụ không thích là nhè tóc chị ra mà kéo, ghì cả đầu hai bà cháu xuống nước. “Lúc đó chắc tủi lắm phải không chị?”, tôi hỏi. “Không. Các cụ càng bực, mình càng phải cười để ngoại dịu lại mà chịu nghe theo ý mình”, chị trả lời.

Chị Huệ chăm sóc vết thương cho ông Kiệt (trái) và dỗ dành bà Mẫn ăn cơm.
Chị Huệ chăm sóc vết thương cho ông Kiệt (trái) và dỗ dành bà Mẫn ăn cơm.

Chỉ vì thương

Năm 2000, Huệ-cô gái sinh năm 1970, quê Thăng Bình, Quảng Nam ra Đà Nẵng tìm việc. Lúc bấy giờ, cô trú nhờ nhà người bạn trên đường Đống Đa, gần một cơ sở chăm sóc trẻ bại não. Thương những hình hài ngây thơ nằm quặn quẹo, Huệ xin vào chăm sóc. 10 năm sau, cơ sở giải thể sáp nhập vào TT Bảo trợ Xã hội thành phố. Huệ chuyển lên theo và tự nguyện nhận vị trí như hiện nay.

Mọi người vẫn nghĩ phần việc của Huệ là nặng nhọc nhất tại TT, nhưng với chị: “Ở đây không việc nào cực hơn việc nào, mỗi đối tượng đòi hỏi một cách chăm sóc khác nhau”. Niềm vui lớn nhất của chị lúc này là cụ nào cũng ăn hết phần cơm. Niềm mong ước lớn nhất cũng là các cụ được khỏe, bởi phải khỏe mới ăn hết cơm. Và an ủi nhất là được nghe hai tiếng “dì Hai” từ ngoại: “Dì Hai tội ghê! Dì Hai sạch sẽ ghê! Cho tôi ngủ với dì Hai nghe”. Những câu nói ngắn củn đó đủ làm chị thấy lòng hạnh phúc và thương yêu nhen nhóm biết nhường nào. Nhưng có nhiều ngày, chị phải chia xa với những tiếng nói thân thương ấy. Năm 2012, cả TT tiễn biệt 11 người. Riêng khu nhà chị trong một tháng cuối năm đã có 3 người ra đi. Ai đó nói trong nỗi tiếc thương vẫn có điều mừng cho họ được hóa kiếp. Đời trần gian bất hạnh từ đây khép lại. Nhưng với chị, mỗi cuộc chia xa là mỗi lần hụt hẫng không nguôi. Chị cứ nhớ. “Mới đây, khi mình lau vết lở loét ở lưng bà Vượng, bà còn nói: “Tôi lạy cô, tôi cảm ơn cô”. Cụ Rô thì trào đờm khủng khiếp. Mình lau cho cụ rồi lao ra ngoài nôn thốc… Nhưng giờ các cụ đã đi rồi…”, chị cố ngăn cho mắt không nhòe lệ.

Ngày cuối tuần không lên trực, lòng chị lại thắc thỏm dù biết cán bộ nào cũng tận tâm, tận lực như nhau. Tính chị là vậy, lúc cha bị ung thư nằm viện, chị tuyệt đối không để ai chăm ngoài mình. Cho nên khi làm công việc này, nhất là lúc các cụ tỏ ra quá yếu, có thể không còn trụ được, chị là người túc trực luôn luôn. Nhìn họ lại nhớ cha hấp hối trên cánh tay mình ngày ấy.

Ngoài công việc, chị Huệ còn niềm vui bé nhỏ khác là có một cậu con trai hơn 2 tuổi. Một bà mẹ đơn thân cáng đáng nuôi con, khiến chị không ít lần nhường phần ăn của mình cho con được uống sữa. Tuy vậy, nếu giả sử có một nghề khác đem lại thu nhập tốt hơn, chị cũng quyết không đổi, bởi “Nguyện ước và hy vọng của tôi là mãi mãi được làm công việc này. Tôi chỉ sợ mình không được làm nữa thôi. Vật chất biết đủ là đủ, còn yêu thương biết mấy cho vừa”. Nói rồi, chị lại chỉ tay ra khoảng sân phía trước, nơi một anh lưng còng, chân cong đang ân cần dẫn một anh mù bước lên bậc thềm: “Nếu ai đó nói cuộc đời này đang nhiều lên sự vô cảm, thiếu dần tình thương, thì hãy đến đây sẽ thấy giữa con người vẫn còn hồn nhiên và ngập tràn lòng nhân ái”.

Ghi chép của THU HOA
 

;
.
.
.
.
.