Khó có thể quên những câu thơ trữ tình xuất thần trong bài thơ viết về sông Vu Gia của Thanh Quế ngay trong những năm chiến tranh ác liệt, những câu thơ đạt đến sự hoàn thiện của vẻ bình dị để hóa thành cái đẹp muôn đời của cảnh, của tình, của lòng người trong mối rung cảm tột cùng với thiên nhiên: “Trước nhà em sông Vu Gia/ Sau nhà em cũng lại là dòng sông...” (Trước nhà em sông Vu Gia).
Chiến tranh trong thơ Thanh Quế không phải là một cuộc chiến tranh trực diện của khói lửa chiến trường, của những đoàn quân xông trận, những cuộc giao tranh đẫm máu mà là cuộc chiến tranh thuộc về chiều sâu của những ám ảnh, trong anh hầu như không có nỗi buồn chiến tranh mà tràn ngập nỗi đau chiến tranh. Dù khốc liệt, nhưng chiến tranh không hề hủy diệt được niềm tin và lòng hy vọng vào sự tươi sáng đẹp đẽ của cuộc đời trong thơ Thanh Quế.
Ký ức quê hương trong tuổi thơ dù ngắn ngủi nhưng luôn sâu đậm trong tâm hồn đã đem lại cho Thanh Quế nhiều bài thơ xúc động, có sức ám ảnh: Làng Phú Thạnh, Mình má ngôi nhà hoang, Bức ảnh em gái tôi, Ngày tôi còn thơ trẻ... Quê hương trong thơ Thanh Quế cũng là một quê hương thân yêu nhưng đã xa khuất, đã cách biệt từ rất lâu rồi, một quê hương quặn thắt trong nhớ thương, trong hoài niệm, trong lo âu với cảm giác của một người cảm thấy mình vô tình có lỗi trong sự nuối tiếc muộn mằn bởi điều xa cách không thể nào khác được: “Làng Phú Thạnh nơi anh sinh ra/ dăm gốc bàng/ một cây đa/ nhiều đụn cát... đêm anh thường giật mình thức dậy/ nhớ nôn nao cái làng nhỏ sinh mình/ như chiếc lá vẫn muốn bay về cội/ bao cơn bão đời đau anh vẫn nhớ về nguồn” (Làng Phú Thạnh). Trong tâm hồn nhà thơ của Thanh Quế, quê hương không chỉ hạn hẹp ở nghĩa nơi chốn sinh thành. Anh viết về Phan Thiết, về Hải Phòng, về Hà Nội... với những câu thơ đằm thắm, đong đầy yêu thương: Phan Thiết, Đi trong đêm mưa Huế, Trở lại Hải Phòng, Hà Nội ơi... Tình cảm yêu thương ấy đã đem lại cho Thanh Quế những câu thơ thật hay về Hà Nội: “Nơi không xa cách được/ Mà mình xa cách rồi/ Trái tim luôn se thắt/ Hà Nội, Hà Nội ơi” (Hà Nội ơi).
Trong mạch thơ trữ tình của mình, Thanh Quế có nhiều bài thơ xúc động với những tứ thơ chắt lọc, kiệm ý nhưng lai láng tình về những người thân của mình. Mỗi người thân hiện lên trong thơ anh với một góc độ khác nhau, ở những hình ảnh đặc trưng có sức gợi nhớ gợi cảm mạnh mẽ nhất tương ứng với từng mối quan hệ: Ba đã ra đi, Mình má ngôi nhà hoang, Bức ảnh em gái tôi... Trong thơ Thanh Quế, những lúc bày tỏ lời yêu thương nhất là những lúc anh thường nói về sự xa cách, sự ly biệt và cái chết… Dường như anh luôn lo sợ mình không có đủ thời gian để sống, để yêu thương, để viết lách; trong anh luôn tiềm ẩn một nỗi khắc khoải mơ hồ nhưng mạnh mẽ bắt anh phải suy tư, lo âu. Lúc tuổi đã cao, nỗi lo âu kia vẫn còn nguyên vẹn trong anh, và hình như còn lớn hơn, mênh mông hơn trước cái hư vô bất định của thời gian, của đời người: “Tôi ngồi bên này/ Sát bờ rào thời gian ... Tôi nghe những tiếng lào xào/ Của những gì không rõ, đã cận kề/ Như bầy chim lo âu/ Vỗ cánh ngập ngừng bay qua bờ rào thời gian” (Tôi ngồi bên này bờ rào thời gian).
Dòng thơ suy tư - chiêm nghiệm về sự sống và cái chết, về con người và cuộc đời, những trăn trở với nỗi niềm nhân thế, với duyên nghiệp văn chương… được Thanh Quế thể hiện rõ trong giai đoạn sau, đặc biệt khi anh bước vào tuổi “tri thiên mệnh”. Rút từ sổ tay, Hành trang, Sự chuyển động, Thời gian, Một gạch… là những bài thơ mang đầy đủ tinh thần nghệ thuật “cách tân trong im lặng”, tìm đến sự thể hiện cô đọng nhất, chắc gọn nhất và có tính gợi mở nhất ở dưới những lớp vỏ ngôn từ tưởng chừng mộc mạc nhưng thực sự đã được chọn lọc rất kỹ và cân nhắc rất sâu, sử dụng rất đúng chỗ của Thanh Quế. Ngôn từ thơ Thanh Quế đã đạt đến vẻ đẹp của sự giản dị được tinh chọn, từ và ý luôn gắn nhau chắc nịch, kết cùng tiết tấu mạnh để toát lên tứ thơ và tỏa sáng sức gợi cảm.
Dù là một nhà văn luôn khiêm tốn “Không dám nghĩ tác phẩm của mình sống lâu với thời gian”, vẫn thường “xé bỏ những trang mình viết” (Giãi bày), nhưng Thanh Quế là người kiên quyết đổi mới thơ ca. “Tôi muốn đổi thơ tôi/ Khác trước/ Dù một từ, một dấu phẩy” dù rất có thể “Chẳng để làm gì/ Chẳng mong ai biết đến”. Đối với anh, đổi mới trong viết lách chính là sự sống, sự tồn tại của đời mình: “Tôi tự chuyển động/ Chỉ để báo rằng mình còn sống” (Sự chuyển động). 72 bài thơ chọn chắc chắn chưa phải đã khép lại một đời thơ, và thiết nghĩ bạn đọc vẫn còn hy vọng và chờ đợi những trang viết mới của nhà thơ Thanh Quế.
NGUYỄN KIM HUY