.

Khởi đầu cuộc chơi mới

.

Họa sĩ Vũ Trọng Thuấn quê quán Hải Phòng. Học mỹ thuật và trưởng thành tại TP. Hồ Chí Minh. Sau nhiều năm sống và làm việc tại Paris (Pháp), ngày 23-12-2012, Vũ Trọng Thuấn chính thức khai mạc phòng tranh La tour Eiffel của ông tại lô Z 32-33 đường Trần Hưng Đạo, Đà Nẵng - như là điểm dừng chân của cuộc rong chơi sắc màu, dằng dặc những biến động nội tâm…

Hoạ sĩ Vũ Trọng Thuấn tại phòng tranh La tour Eiffel.
Hoạ sĩ Vũ Trọng Thuấn tại phòng tranh La tour Eiffel.

Trở lại quê nhà lần đầu vào năm 1999, đến năm 2003, Vũ Trọng Thuấn có cuộc triển lãm “Những tác phẩm mới 2003” tại Nhà triển lãm TP. Hồ Chí Minh với những ấn tượng không chỉ vì kích cỡ của các bức tranh khổ lớn, mà người xem cảm nhận chia sẻ cùng ông những kỷ niệm, ký ức, nỗi ám ảnh của một người nhiều năm tháng tha hương. Theo nhà phê bình mỹ thuật Đặng Trường Lưu: “Xem tranh Vũ Trọng Thuấn, có cảm giác như ông đang mê mải cuộc chơi trốn tìm trong thế giới nội tâm của mình. Nhiều khi cuộc chơi tưởng như vô vọng, ấy là lúc sự tìm kiếm và sự trốn bỡn cợt đổi chỗ cho nhau hoặc cùng nhau lẫn vào hư ảo. Cũng có khi ông nắm được nó, lại buông ra để rồi phấp phỏng với một cuộc chơi dằng dặc mới. Thì ra, cái phóng khoáng giữa những trốn tìm về bản ngã”.

Lần này, trong buổi ra mắt La tour Eiffel, hầu như Vũ Trọng Thuấn giới thiệu khá đầy đủ các tác phẩm tiêu biểu của ông. Nơi đây, một không gian khá lý tưởng để người thưởng ngoạn có dịp tiếp cận với những bức tranh có kích cỡ từ 1,2 mét đến 12 mét. Đó là những chùm tác phẩm ngẫu hứng về thiên nhiên như Sương, Mây… ẩn chứa một ngôn ngữ an nhiên, thư thái và trong trẻo đến hồn nhiên. Đó là Ám ảnh, Giấc mơ, Ấn tượng mùa đông Paris thể hiện sự chuyển hóa của những gam màu lạnh. Hoặc loạt tác phẩm mang tiêu đề “Từ trong ký ức”, như vẫn còn đó những nỗi niềm chấp chới đọng lại trong cuộc chơi kỳ ảo không ngớt gọi mời.

Đặc biệt, ở một vài tác phẩm khổ lớn bằng sơn mài cùng chất liệu tổng hợp thể hiện một thiên nhiên náo nức, hào sảng, và mang đậm bản sắc thâm thúy phương đông. Điển hình như bức Âm vang hoàng thành - một trong những tác phẩm tác giả sáng tác sau thời gian đầu trở lại Hà Nội mang nặng nỗi niềm xúc cảm từ những tháng năm xa xứ. Nơi đó, mỗi khoảng trời, mỗi mảnh vụn gạch ngói chừng đọng lại từ ngàn năm trước... cũng làm ngân vang khúc hoan ca trong trái tim người một thuở hoàng kim.

Mùa đông. (Sơn mài 200cm x 200cm)
Mùa đông. (Sơn mài 200cm x 200cm)

Thế giới nghệ thuật của Vũ Trọng Thuấn là một thế giới nội tâm, gợi mở nhiều suy tưởng, nhưng không vì thế trở nên bí hiểm, phô trương. Hay nói một cách khác, tranh của ông là một thứ trừu tượng mang nhiều yếu tố hiện thực, song người xem dễ gần gũi, bởi có thể nhận ra chiếc chìa khóa giải mã mà tác giả đã vô tình để lại đâu đó trong từng tác phẩm. Tự bạch về mình, họa sĩ Vũ Trọng Thuấn nói: “Khởi đầu bước vào con đường nghệ thuật, tranh của tôi cũng là vẽ thực, nhất là thời gian ở Pháp, chủ yếu phải sống bằng loại tranh thương mại. Tuy nhiên, từ lúc quyết định không vẽ tranh để bán nữa, tôi nhận ra mình phù hợp với khuynh hướng trừu tượng hơn…”.

Nguồn cảm hứng. (Sơn mài 100cm x 100cm)
Nguồn cảm hứng. (Sơn mài 100cm x 100cm)

Dù vậy theo ông, trừu tượng không phải là một hình thức xa lạ mà trái lại, rất gần gũi với con người, đặc biệt với những ai có nội tâm sâu sắc. Kể lại một kỷ niệm trong cuộc triển lãm tại TP. Hồ Chí Minh, ông nói: “Có một cô bé cứ đến nhiều lần xem đi xem lại bức tranh La Famille (Gia đình), tôi ngạc nhiên hỏi thăm, thì cô bé cho biết, vì cô rất cảm xúc trước bức tranh này. Nó thể hiện một gia đình đầm ấm, thương yêu, đùm bọc nhau. Thế rồi tự cô bé phân tích, mảng màu nào là người cha, người mẹ, người con… rất lô-gích. Điều này làm tôi hết sức bất ngờ, vì ngay từ đầu vẽ ra, tôi chỉ nghĩ đến chủ đề La Famille như là cách sắp xếp các mảng màu hài hòa, liên quan chặt chẽ với nhau…”.

 Ấn tượng Hà Nội.  (Sơn dầu 69cm x 89cm)
Ấn tượng Hà Nội. (Sơn dầu 69cm x 89cm)

Rõ ràng, trong tranh trừu tượng, màu sắc, đường nét hòa quyện với nhau tác động tới người xem những cảm xúc hay ấn tượng nào đó một cách rất cụ thể. Trừu tượng vốn chỉ là một trong nhiều hình thức để biểu đạt hiện thực cuộc sống. Nó là phương tiện, chứ không phải cứu cánh.

Trả lời câu hỏi vì sao chọn thành phố Đà Nẵng làm điểm dừng chân, hoạ sĩ Vũ Trọng Thuấn nói vui: “Tôi bỏ Paris để trở về, thì còn chọn nơi nào hơn được thành phố Đà Nẵng…”. Do đó, sự dừng chân nơi đây với ông, cũng có nghĩa sự khởi đầu của một cuộc chơi mới, một giai đoạn sáng tạo mới…

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.