.

Nghĩa nặng tình sâu

.

Với trên 103 nghìn quân nhân xuất ngũ từ các chiến trường, trong đó chủ yếu là từ chiến trường Campuchia, lãnh đạo Quân khu 5 (QK5) xác định, có rất nhiều trường hợp khó khăn cần giúp đỡ. Khi chưa thể đến với từng đồng chí, đồng đội, thì sẽ cố gắng đưa đời sống của hàng nghìn cựu quân nhân trở về từ các chiến trường có cuộc sống ngang bằng với cuộc sống của người dân trên cùng địa bàn.

Thiếu tướng Lê Chiêm Ủy viên TW Đảng, Tư lệnh QK5 thăm, tặng quà cho thương binh tại  TT  Điều dưỡng Thương binh nặng Hội An nhân ngày 27-7. Đây là một trong những hoạt động thường xuyên trong công tác đền ơn đáp nghĩa của Quân khu.
Thiếu tướng Lê Chiêm, Ủy viên TW Đảng, Tư lệnh QK5 thăm, tặng quà cho thương binh tại TT Điều dưỡng Thương binh nặng Hội An nhân ngày 27-7. Đây là một trong những hoạt động thường xuyên trong công tác đền ơn đáp nghĩa của Quân khu.

Hơn 6 tháng, sau ngày ba bị tai nạn, nằm một chỗ, em Võ Thị Thanh Thúy, con gái anh Võ Duy Ngân (quê ở Thăng Bình, Quảng Nam) vẫn chưa hết xúc động khi nhắc đến tấm lòng của các bác, các chú bộ đội ở QK5. Một ngày sau khi báo Đà Nẵng đăng tin ở mục “địa chỉ cần giúp đỡ” về ba mình đang cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng, có hoàn cảnh hết sức khó khăn, đại diện Bộ Tư lệnh QK5 đã trực tiếp đến Khoa Hồi sức của bệnh viện để thăm hỏi, trao gia đình anh 50 triệu đồng… Thúy nói rằng, những người đã từng chiến đấu với ba mình ở chiến trường Campuchia và rất nhiều người em chưa một lần gặp mặt, đã giúp đỡ gia đình em ngay trong lúc khó khăn tưởng như bế tắc. Đã qua giai đoạn đỉnh điểm khó khăn, giờ Thanh Thúy ngoài một buổi lên giảng đường, một buổi vào bệnh viện chăm sóc ba.

Hai cha con anh Ngân giờ lấy bệnh viện làm nhà, bởi cũng chưa biết bao giờ anh Ngân lấy lại được sức khỏe như trước kia, gồng gánh nuôi các con ăn học. Hiện anh Ngân đang tiến hành điều trị ở Bệnh viện Chỉnh hình & Phục hồi chức năng Đà Nẵng. Được biết anh Ngân là quân nhân xuất ngũ, đã từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Campuchia từ tháng 6-1983 đến tháng 5-1987, vợ lâm bệnh mất năm 2011, có 3 con, trong đó con gái thứ 2 đang học năm thứ 4, ĐH Sư phạm Đà Nẵng và con gái út đang học lớp 11 Trường THPT Thái Phiên, Thăng Bình, Quảng Nam.

Cách đây vừa tròn một tuần, gia đình Thiếu tá Lê Tấn Đức ở tổ 36 Hòa Mỹ, phường Hòa Minh, Liên Chiểu được Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố trao tặng căn nhà tình nghĩa trị giá 70 triệu đồng và một chiếc ti-vi mới. Hai cô con gái anh chạy vô chạy ra giữa ngôi nhà mới và cả gia đình thì “mừng quá, thành ra đêm khó ngủ”. Ngày “cắt băng khánh thành”, anh em trong đơn vị và cả xóm kéo đến chúc mừng anh Đức. Từ nay anh không còn lo trời mưa là vợ chồng con cái xấp xãi chạy đi kiếm chậu hứng nước mưa, trời nắng thì  ướt đẫm mồ hôi dưới mái tôn nóng hừng hực. Anh Đức hiện là trợ lý thông tin thuộc Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, vợ anh làm công nhân may. Tiền lương của anh ngoài chi phí cho cả gia đình, còn dành một khoản lớn chữa bệnh cho con gái thứ 2 bị bệnh thiếu máu huyết tán, tháng nào cũng đến bệnh viện chuyền máu 1-2 lần, nhưng lại phải thường xuyên uống thuốc thải chất sắt. Mới đây, bác sĩ còn báo cho anh biết lá lách cháu đang lớn bất thường, sắp tới cần phải cắt bỏ. Những khó khăn như thế vẫn chồng chất trên vai anh Đức, nên khi được Quân khu 5 thông qua đơn vị anh hỗ trợ tiền sửa nhà, anh như bớt đi một phần gánh nặng.

Đại tá Phạm Thanh Tài, Trưởng phòng Chính sách, Cục Chính trị  QK5 cho biết, ngoài số tiền 50 triệu đồng hỗ trợ trước mắt cho gia đình anh Võ Duy Ngân, thời gian đến, Bộ Tư Lệnh Quân khu tiếp tục vận động và sẽ xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình anh, trị giá 70 triệu đồng. Ngoài ra, những gia đình khó khăn về nhà ở như anh Đức sẽ được đơn vị tiếp tục rà soát, hỗ trợ trong thời gian đến.

Chỉ riêng trong năm 2012, từ các nguồn quỹ do Quân khu quản lý, đã hỗ trợ xây dựng được 276 căn nhà cho quân nhân, cựu chiến binh… Trong đó, từ Quỹ Tình nghĩa Quân khu do mỗi cán bộ, sĩ quan đóng góp bằng 1 ngày lương xây dựng được 75 nhà; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Bộ Quốc phòng xây dựng 32 nhà, và 38 đơn vị, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn đã vận động xây dựng được 108 căn nhà ở trên khắp 11 tỉnh, thành của Quân khu.

Không chỉ giúp đỡ cho gia đình cựu chiến binh các chiến trường chống Pháp, chống Mỹ và chiến trường Campuchia có hoàn cảnh khó khăn, những quân nhân tại ngũ gia đình khó khăn, con cái bệnh tật cũng được QK5 và các đơn vị liên quan giúp đỡ thường xuyên, lâu dài. Ngoài ra, hơn 5.800 bộ đội xuất ngũ và các đối tượng chính sách khác đã được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm trong suốt 15 năm qua.  

Cũng theo Đại tá Phạm Thanh Tài, rất nhiều hoàn cảnh khó khăn mà các nguồn quỹ của Quân khu chưa thể giúp đỡ, và khi thông tin  đến với các anh, cần xác minh gấp để giúp đỡ, thì chỉ trong vòng 1-2 ngày, các anh sẽ đến với đồng đội của mình. Với trên 103 nghìn quân nhân xuất ngũ từ các chiến trường, trong đó chủ yếu là từ chiến trường Campuchia, lãnh đạo QK5 xác định là có rất nhiều trường hợp khó khăn cần giúp đỡ. Khi chưa thể đến với từng đồng chí, đồng đội, thì sẽ cố gắng đưa đời sống của hàng nghìn cựu quân nhân trở về từ các chiến trường có cuộc sống ngang bằng với cuộc sống của người dân trên cùng địa bàn. Và cũng không biết đến bao giờ kết thúc các chương trình giúp đỡ đột xuất, hỗ trợ xây dựng nhà cho đồng đội, nên quân nhân toàn Quân khu bằng nguồn lực của mình phấn đấu làm sao để đời sống người có công khá lên; phấn đấu trong 5 năm tới sẽ xây dựng được 70 đến 100 căn nhà cho đồng đội, thăm hỏi tặng quà thường xuyên cho gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công…

Quỹ Tình nghĩa Quân khu do QK5 sáng lập gần 10 năm nay trên tinh thần tự nguyện góp 1 ngày lương của mỗi cán bộ, sĩ quan, tương đương 5 tỷ đồng mỗi năm. Trong 5 năm từ 2008-2012, thực hiện chính sách hậu phương quân đội và phong trào đền ơn đáp nghĩa, Quân khu đã xây mới 593 căn nhà trị giá 37,2 tỷ đồng, hỗ trợ sửa chữa 512 nhà trị giá 4,7 tỷ đồng cho gia đình cựu quân nhân và quân nhân đang tại ngũ. Tặng gần 1.600 sổ tiết kiệm trị giá 6 tỷ đồng; tặng gần 20 nghìn công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt cho các gia đình quân nhân, chính sách trị giá 988 triệu đồng…

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.