.
ĐỌC SÁCH

Sống chậm với Dũng

.

Tôi biết Đinh Văn Dũng cách đây chừng 4 năm, khi anh về làm cùng cơ quan, phụ trách bộ phận quảng cáo-phát hành; nơi phải thường xuyên duy trì quan hệ với các tổ chức, cơ quan, đơn vị... Anh nhanh nhẹn, hoạt bát và nhất là có tài giao tiếp, dễ thuyết phục người khác... Làm cùng cơ quan, tôi chỉ biết về anh có thế!

Thế nên, khi nghe nói anh ra sách, mà là tản văn, với cái tên rất... ký-ức-quê là “Mùa hoa khế”(*) thì tôi thoáng nghĩ, thôi rồi, cũng là cái kiểu chơi thời thượng.

Thế nhưng, đọc những dòng viết của Đinh Văn Dũng, mới biết rằng đúng là có những sự thật không phải lúc nào cũng hiển hiện ra theo bộ mặt bên ngoài. Như anh tâm sự, đây chỉ là một món quà quê đúng nghĩa “gói gắm tình yêu và lòng biết ơn của tôi đối với quê hương, với hương hồn của cha mẹ tôi, với dì Hai, dì Sáu, dì Lan, người mẹ thứ hai cưu mang, nuôi nấng tôi; với bà con, anh em, bạn bè đã giúp đỡ tôi quãng đời ấu thơ”... Thế nên, tản văn của anh là những dòng hồi ức chảy dài trong cuộc đời cơ cực của một đứa trẻ con lam lũ sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ; là quãng đường đầy ắp đau thương chạy qua thời loạn ly từ quê nhà Hà My (Điện Dương) ra Đà Nẵng rồi ngược vào Hội An...

Có lẽ thấm đậm những bất trắc, khúc mắc trong cuộc đời đó, đã làm những trang viết của anh bắt người đọc sẽ phải sống chậm cùng anh trong những dòng hồi ức. Dầu rằng nhiều khi nó nghiệt ngã, đau thương đến quặn lòng. Trong dòng chảy đó, ta bắt gặp  một Đinh Văn Dũng loắt choắt, đen nhẻm trên một đầu gánh của mẹ ly hương; là một đứa trẻ dù còn nhiều hồn nhiên vui chơi trong vòng tay yêu thương đùm bọc của dì, của ngoại, của quê nhà yêu dấu... nhưng vẫn luôn cô đơn, hụt hẫng khi đối diện sự trống vắng một bàn tay của mẹ, của cha. Để hơn 40 năm sau, thời gian xóa nhòa đi nhiều thứ, trong lòng anh vẫn “quặn thắt nỗi đau mồ côi” (Bông hồng trắng cho mẹ). Dòng ký ức của anh, vì thế, dễ xô người đọc đến sự cảm thông, chia sẻ hơn là để cảm nhận văn chương “Tôi thấy cái gì đang thổn thức, xốn xang trong lồng ngực, xô đẩy nhau như đang lục tìm những năm tháng đã xa” (Mùa hoa khế)... Mà với văn chương, thì có gì lắng đọng hơn sự đồng cảm, sẻ chia!

Với lối viết tản văn theo kiểu kể nhiều hơn là tả, Đinh Văn Dũng đã chiếu bộ phim về cuộc đời mình với những mộc mạc, chân quê nhiều khi không cần đẽo gọt. Sống chậm trong dòng ký ức đó, như ăn một bát mì quê, tôi ước gì anh dụng công trong đó một chút, thì hẳn đã thơm nồng mùi quê hơn. Ví như dầu phụng thoa mì không chỉ là dầu phụng thứ thiệt, mà phải được khử bằng nén để dậy mùi thơm; ví như rau sống lấy từ vườn quê thì cũng phải nhặt bớt những cọng cỏ, những lá cây... rơi mơ hồ trong đó, để những hành, những quế, những cải con... mới không chỉ xanh mà còn đậm mùi của riêng mình.

ANH QUÂN


(*) Mùa hoa khế, tản văn, Đinh Văn Dũng (NXB Hội Nhà văn - 12-2012)

;
.
.
.
.
.