.

Những chiếc cầu trên sông Thạch Hãn

.

Chiều cuối thu qua sông trên chiếc cầu phao Triệu Thuận, tôi thấy người bán vé qua cầu đang ngồi trầm tư, mới hỏi: Bữa mô cầu mới thông xe thì cầu phao ni có định bán cho ai chưa? Anh ta lắc đầu: Chẳng ai mua, bởi giờ trên sông Thạch Hãn chỗ nào không có xây cầu…

Nghe người bán vé nói, tự dưng thấy buồn buồn. Hai cây cầu phao ở Triệu Thuận và Triệu Độ được các cơ quan thông tấn mấy năm trước hết lời ca ngợi, nào là sáng kiến, nào là người dân tự bỏ tiền ra đầu tư trong lúc Nhà nước chưa có kinh phí, người dân đôi bờ đã bớt lo nghĩ về sông nước… Thế mà bây giờ chỉ là đống sắt vụn chẳng biết làm chi, có chăng là ký ức một thời.

Làng tôi bên bờ nam sông Thạch Hãn, chỉ cách một con sông mà mỗi lần muốn qua Đông Hà đi đường bộ dài tới gần 30km, còn đường thủy phải đón đò dọc, đò ngang rất ư là khó nhọc, mùa mưa bão thì người dân quê chỉ biết nẫu ruột nằm nhà. Mạ kể, thời mới về làm dâu, cả đêm ngồi dệt vải, 3 giờ sáng phải thức dậy để đón đò ngược qua sông Hiếu để lên chợ Phiên Cam Lộ mà giao hàng, túi thui mới về tới làng, ngồi trên đò mà ngủ gà ngủ gật, cực chi là cực... Vâng, cái nỗi cực khổ của thời mạ cũng như người miệt quê mình dọc bên sông, sau ngày thống nhất, Đông Hà trở thành thủ phủ của tỉnh, không đi chợ tỉnh nữa mà phải gồng gánh qua sông, thế thôi. Mạ khổ nhưng giờ cũng chưa hết khổ vì đò giang. Huyện Triệu Phong là một vựa lúa của Quảng Trị, người nông dân muốn bán trực tiếp cho người mua nên sáng nào cũng có một đoàn chị em gồng gánh mang vác qua sông rất khó nhọc. Hình ảnh các chị đi bộ thồ gạo, gia cầm bằng chiếc xe đạp chống 2 thanh sắt loi ngoi đến bến đò qua sông mới thấy xót ruột làm sao. Đàn bà ở quê thời mô cũng cực.

Thời nhỏ, tôi có mấy người bạn ở bên Lai Phước đi học qua về nơi bến đò ông Đội ở chợ Sãi (chỗ Nhà lưu niệm Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn bây giờ) bất kể mưa nắng, nhiều khi thấy bạn chỉ bới theo mấy củ khoai lang để ăn trưa. Những ngày mưa lũ, con thuyền chở đám học sinh nghèo chèo ngược nước cheo leo, mỏng manh trên dòng nước, nghĩ lại thấy đáng sợ thật nhưng đám học trò vẫn vô tư đều đặn cắp sách đến trường. Có lẽ, trên những bước chân hàn vi của học trò miền quê, chuyện đèn sách mãi là khát vọng đi tới, chẳng có điều chi trở ngại. Kỳ diệu thay người học trò năm xưa giờ là kỹ sư về lại để xây cầu. Chỗ bạn bè, tôi đùa cợt: Ông liệu hồn, ăn bớt, ăn xén kiểu giao thông cầu cống là không xong đâu nghe. Ông ăn nói chi mà lạ rứa, coi người mà nói chứ. Bạn nghiêm mặt dằn lại. Tôi biết mình đã lỡ lời. Bạn là người đã gian nan vượt sông suốt cả thời tuổi trẻ, chắc chắn sẽ không bao giờ dám đâm vào quá khứ…

Đó là chuyện của mấy năm trước.

Cũng tại ái ngại cách trở đò giang mà tôi chỉ về quê ngoại khi tóc đã ngả màu và mạ cũng không còn. Làng ngoại Duy Phiên nằm cheo leo như một ốc đảo giữa ngã ba sông, qua lại phải đợi đò cả buổi, dĩ nhiên là còn nhiều lý do khác: ôn mệ không còn, bà con gần chẳng có, rồi chiến tranh nơi vùng xôi đậu, nên chi…

Tôi biết nỗi thống khổ mà người dân quê suốt một vùng đất kéo dọc phía bờ nam sông Thạch Hãn. Nhớ lần đầu trở lại quê vào những năm sau ngày thống nhất, xuống bến đò dưới chân cầu Đông Hà, sông Hiếu để về quê. Đò dừng lại ở làng Trà Liên, phải lội bộ qua đường ruộng gập ghềnh mấy cây số mới tới nhà. Đi chơi mà còn thấy vất vả, huống chi với những người lặn lội thân cò, đầu ghềnh cuối bãi quanh năm bên sông nước.

 Sông Thạch Hãn với tôi luôn trăn trở quẫy đạp trong tâm thức với niềm yêu mến tha thiết, những kỷ niệm từ những ngày thơ bé có cả đớn đau và hạnh phúc. Con đường ven bờ sông ở thị xã Quảng Trị trong tâm tưởng phượng vẫn đỏ rưng rưng đau nhói trong ký ức của một thời mới lớn đã vội vã chia tay để ngày trở lại sau một cuộc viễn hành đã không còn gì cả.

Tôi vẫn có một ước mơ đến cháy lòng là được đi thuyền dọc sông Thạch Hãn cho đến đầu nguồn rồi ra tới bể. Mấy năm trước, ngỏ ý với nhóm bạn cũ ở thị xã Quảng Trị, ai cũng hưởng ứng, chỉ đợi có thuyền là đi. Thế rồi, có người báo lên ngược đầu nguồn bị tắc vì đập Trấm chặn đường, phải lên tới bên kia đập đi thuyền mới được. Thế là chuyến đi bị hủy. Và có lẽ suốt đời mình, đấy chỉ còn là giấc mơ vì nhóm bạn cũ giờ cũng tan tác ly tán khắp nơi, cả người bạn thân bên sông mỗi lần về là đây đó lưu linh cũng đã đột ngột ra đi. Mấy chục năm làm báo, sông Krông Ana, Trà Khúc, Thu Bồn, sông Hương... đã dọc dài say đắm trường giang mà con sông quê nhà đành lỡ hẹn mất rồi.

Thường thì năm nào tôi cũng về quê, mấy bận phải qua sông đi về, hằng theo dõi những sự kiện diễn biến xảy ra trên con sông huyền hoặc êm ái này. Điều làm tôi hạnh phúc nhất chính là sự xuất hiện những cây cầu bê-tông trên sông Thạch Hãn tính từ sau ngày thống nhất. Những chiếc cầu khang trang và không kém phần hiện đại trải đều trên những khúc sông từ thị xã Quảng Trị đến Cửa Việt; từ Cầu Ga (cầu Thạch Hãn), tiếp đến là cầu Hà Mi, cầu Đại Lộc, cầu Bắc Triệu Phước, cầu Cửa Việt đã nối miền quê đến những khu thị tứ, thành phố và những tỉnh lộ liên xã trải nhựa thẳng tắp. Khắp đường thôn, ngõ xóm cũng đã bê-tông hóa.

Nhờ thế mà lần nào về quê tôi cũng ghé về quê ngoại thắp hương. Rồi lại rưng rưng nhớ mạ không còn để qua cầu Triệu Phước cùng con cháu. Miền sông nước quê ngoại nổi tiếng với thủy sản thơm ngon không đâu bằng, đặc biệt là cua, cá nâu, cá dìa với hương vị thơm lừng đầu vị giác, giờ về cũng khó mua được vì cầu, đường thông thương, xe hơi về tận nơi bao tiêu sản phẩm hết cả rồi. Nhớ TS triết học Nguyễn Hữu Liêm đêm đêm bên kia bờ đại dương mơ tiếng quê nhà muốn cuối đời về dựng nhà bên sông Thạch Hãn để chỉ nghe tiếng đò ơi. Anh Liêm ơi, khúc sông nào cũng đã xây cầu - kể cả làng Bích Khê quê anh, tiếng kêu đò gợi nhớ chỉ còn trong ký ức mà thôi. Cuộc sống là một chuỗi của sự mất còn, của tiếc nhớ và những nỗi mừng vui. Tôi ra đi từ miền quê, mỗi lần trở về lại thấy mất mát hư hao một điều gì đó, cứ như một ám ảnh cảm thấy trong không gian xưa cũ ấy mình là người ngồi lại bên thềm. Nhưng lại thấy vui và phấn khởi bởi sự đổi thay trên những khúc sông quê nhà. Một hiện thực đầy đủ ý nghĩa của tính nhân văn trên một vùng đất tưởng đã cạn kiệt sức lực bởi đứng mũi chịu sào đi qua cuộc trường chinh đẫm đầy nước mắt.

Có lần ngồi bên anh Nguyễn Đức Chính, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Trị, anh nửa vui nửa “lẩy”: Mấy anh ở xa, khi mô cũng kêu là Quảng Trị nghèo, chậm phát triển... nhưng không phải thế dù hậu quả chiến tranh bom đạn chà xát cày xới rất ư tàn bạo, xuất phát điểm của tỉnh là không bằng các địa phương khác nhưng giờ thì đã thay đổi và phát triển bền vững không kém gì các tỉnh “thường thường bậc trung” khác. Rồi anh giới thiệu những lĩnh vực phát triển nổi trội, thu nhập bình quân đầu người, khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo, công - nông nghiệp, sản phẩm du lịch mới… Tôi nói với anh, thật ra cái điều lớn lao nhất mà tỉnh làm được chính là xây dựng nhiều chiếc cầu trên sông Thạch Hãn và cả ở những con sông khác. Cái chiến lược đó bắt đúng cái bệ phóng làm động lực cho sự phát triển mọi mặt. Có cầu thì tất yếu kéo theo điện, đường, trường, trạm, đời sống dân quê được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn thay đổi hẳn kéo theo sự phát triển một cách đồng bộ những lĩnh vực khác…

Tôi sống mấy chục năm bên sông Hàn, học cách nói của người Đà Nẵng: Thành phố phát triển được như ngày nay, trước hết là nhờ sự xuất hiện của những chiếc cầu. Tôi tin Quảng Trị mình cũng như thế.

Hồ Sĩ Bình
 

;
.
.
.
.
.