.

Người quê lo Tết

.

Những ngày cuối năm, không khí đón Tết ở nông thôn dẫu không nhộn nhịp như thành thị, nhưng các thành viên trong gia đình luôn ý thức dành dụm, chắt chiu lo cho mình một cái Tết tươm tất.

Nếu người lớn biết chắt chiu, dành dụm, ngày Tết, trẻ em nông thôn cũng sẽ được cha mẹ dẫn đi chơi Tết ở công viên.
Nếu người lớn biết chắt chiu, dành dụm, ngày Tết, trẻ em nông thôn cũng sẽ được cha mẹ dẫn đi chơi Tết ở công viên.

Mỗi nhà mỗi cách lo Tết

Làm chủ 6 sào hoa màu ven sông Cẩm Lệ nên bây giờ, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Hương, tổ 29, phường Hòa Thọ Đông ở ngoài đồng suốt ngày dù Tết đã cận kề. Nhờ chăm chỉ làm lụng, mỗi ngày vợ chồng chị thu nhập khoảng 300.000 đồng từ rau. Chị bảo, càng gần Tết, rau càng được giá nên ham. Việc bày biện nhà cửa ngày xuân, mua sắm bánh kẹo chị giao lại cho con cái. “Cái Tết của vợ chồng tôi ngắn lắm. Khuya 29 Tết còn ở ngoài đồng lúi húi bó mớ rau để rạng sáng 30 tiểu thương đến lấy. Nghỉ ngơi, thăm thú người thân ngày mồng 1, mồng 2, sang mồng 3 vợ chồng lại dắt nhau ra đồng. Những ngày này, nếu không bám vào rau thì lấy gì tiêu Tết. Người nông dân như chúng tôi, niềm vui đầu năm là bán được rau với giá cao, ổn định”, chị Hương nói.

Khom lưng nhổ đám cỏ chen lẫn trong vườn rau trước hiên nhà, nét mặt chị Đỗ Thị Tài, thôn Khương Mỹ (Hòa Phong) phảng phất nỗi ưu tư. Khi trong tay chưa có đồng tiền, chị như mong Tết đến chậm hơn. Chồng mất đã lâu, 2 con đang tuổi ăn tuổi lớn, mọi gánh nặng kinh tế dồn hết vào vai chị. Chăm chỉ làm ăn, nhưng nhiều năm qua, gia đình chị vẫn nằm trong diện đặc biệt nghèo. Hầu như quanh năm chị Tài chẳng có đồng nào dư để dành dụm, phòng khi trái gió trở trời. Vì lẽ đó, ngày Tết năm nay của mẹ con chị cũng rất đơn giản. Chị kể rằng, khoảng một tháng trước Tết, chị mang 10 lon gạo đi tráng bánh tráng dành ăn trong mấy ngày Tết, đặt trước vài chục bánh in ở quầy tạp hóa gần nhà, ra chợ mua cho 2 con tấm áo mới. Chỉ khi Tết đã cận kề, chị mới ra chợ mua 1, 2 cân thịt heo, hái buồng chuối ngoài vườn để lên bàn thờ gia tiên, làm thịt con gà cúng năm mới. Chị Tài tâm sự, trước Tết, điều khiến chị lo lắng nhất là khoản nợ phân, thuốc trừ sâu 900.000 đồng đến hạn trả. Để xoay sở tiền bạc, ngoài vườn rau, chị chăm thêm đàn gà chờ bán dịp Tết, bán thêm mấy ang lúa, con heo trong chuồng và làm đồng thuê khi có người gọi. Đắp chỗ này qua chỗ kia nên khi Tết đến, nếu trong túi còn được 500.000 đồng, với chị Tài đã là dư giả.

Cùng nhau tạo ra Tết

Không có nhiều tiền để sắm cái Tết đủ đầy, tươm tất, nhưng Tết quê lại gần gũi, thân thương với nhiều người. Vui nhất là những ngày giáp Tết. Bởi khi ấy, đàn bà con gái trong xóm í ới gọi nhau mang mùng, mền, chiếu, gối ra giếng giặt rồi giăng lên khắp tường rào, cổng ngõ đón ánh nắng mai. Đàn ông vác cuốc ra dọn đám cỏ trước nhà. Cột lại mấy bờ rào, tưới nước cho mấy khóm hoa còn e ấp nở. Những cụ già lo phần gói bánh chưng, bánh tét. Vài gia đình thân thiết chung nhau mổ con heo chia thịt hay nấu chung nồi bánh. Trên đường làng, chốc chốc lại bắt gặp mấy nong phơi củ kiệu, cà rốt, đu đủ làm dưa món.

Thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Vang, tính đến thời điểm này, toàn huyện Hòa Vang có 22.536 lượt người được hỗ trợ quà Tết với tổng kinh phí gần 9,3 tỷ đồng (con số này năm ngoái gần 8,1 tỷ đồng). Ông Trần Văn Liên, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết, đối tượng được nhận quà Tết tập trung vào người có công và người hưởng các chính sách xã hội như phụ nữ đơn thân nghèo, hộ nghèo, hộ đặc biệt nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cán bộ hưu trí… Cũng trong dịp này, 17.913 nhân khẩu tại huyện Hòa Vang sẽ được thành phố hỗ trợ hơn 268 tấn gạo làm quà đón Tết.

Em Nguyễn Văn Hồng Đức, học sinh lớp 10 Trường THPT Cẩm Lệ hào hứng khi kể về Tết: “Em thích nhất cảnh nhiều gia đình cùng nhau làm chung con heo. Khi ấy, họ chia nhau người cắt lá chuối, người chuẩn bị nước sôi, người cạo lông… Lũ trẻ con đứng quanh đó chờ xin cái bong bóng heo mang ra sân bóng thổi lên làm bóng đá, nói cười vang cả một vùng”. Cũng theo Đức, dẫu ở quê không có được cái Tết đủ đầy như ở phố nhưng ở quê có sự gắn bó, thân thương giữa những người chung xóm, chung làng.

Nhiều năm làm công tác xóa đói giảm nghèo ở xã Hòa Phong, chị Trần Thị Duẩn thấm thía khó khăn về tài chính của người nông dân dịp Tết. Vì thế, mỗi dịp cuối năm, khi Sở LĐ-TB&XH thành phố có chủ trương trao quà Tết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, chị Duẩn lại tất bật liên hệ với những chi hội phụ nữ thôn, xóm để nắm danh sách người cần giúp đỡ. Chị nói: “Nếu công chức tiêu Tết bằng khoản lương, thưởng thì người nông dân tiêu Tết bằng cách bán đi phần lớn rau xanh quanh vườn và con gà, con heo nếu có. Vì thế, phần quà Tết từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng dẫu không lớn nhưng là cứu cánh giúp người nghèo có được cái Tết no đủ hơn”.

Dù còn không ít lo toan mỗi khi Tết đến, nhưng về quê bây giờ, ai cũng nhận thấy mức sống của người dân nông thôn đã khấm khá hơn. Nhà nào khá giả, nếu không chung nhau mổ heo sẽ ra chợ mua về vài cân thịt đủ cho cả nhà dùng trong 3 ngày Tết, 7 ngày xuân.

Cũng như nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Hòa Vang, ông Tống Viết Chức (67 tuổi), thôn Cẩm Toại Đông (Hòa Phong) bảo sẽ cố gắng lo cho gia đình một cái Tết đủ vui. Ông bảo, người lớn nghĩ về Tết là nghĩ về trách nhiệm phải lo chu toàn mọi việc trong gia đình. Còn người cao niên như ông Chức, Tết là dịp để gia đình, con cái xum vầy trong tình thân.

Những ngày cuối năm, không khí đón Tết ở nông thôn dẫu không nhộn nhịp như thành thị, nhưng người nông dân vẫn chuẩn bị cho mình một cái Tết tươm tất để mong năm mới làm ăn suôn sẻ. Hàng xóm đến thăm nhà, cùng ngồi uống với nhau ly rượu, chúc nhau năm mới phát lộc, phát tài. Tết ở nông thôn tuy giản dị, mộc mạc nhưng thắm đượm tình người.

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.