Hỏi bất cứ người hâm mộ nào về sự trông đợi của họ lúc này vào đội tuyển bóng đá Việt Nam, câu trả lời thường là không mấy tích cực. Lắm lúc, thay cho lời giải thích là cái lắc đầu ngao ngán hay tiếng thở dài thất vọng.
HLV Hoàng Văn Phúc (ảnh) là lựa chọn chẳng đặng đừng của VFF. (Ảnh tư liệu) |
Sự bàng quan, thiếu tin cậy không đến từ cú vấp buồn của đội tuyển ở cúp bóng đá Đông Nam Á vừa rồi - lần đầu bị loại ngay từ vòng bảng. Nó cũng không phải là hậu quả của một V-League đang xuống dốc về cấu trúc, cách điều hành tổ chức do khó khăn về kinh phí. Cũng chẳng phải vì ngày nay, với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, các gia đình được phục vụ thừa mứa bóng đá đủ cấp độ; những trận đấu đỉnh cao của châu Âu, Nam Mỹ có mặt trong phòng ngủ từng gia đình hằng tuần, tha hồ mà lựa chọn. Nó xuất phát từ chuyện người ta không còn nhận thấy đội tuyển ấy gói ghém tình tự khát vọng của chính họ. Những gửi gắm trông đợi cứ ngày càng lùi xa, không phải vì bản thân các tuyển thủ, không phải từ lối chơi mà từ một cái gì đó thiếu tin cậy từ phía thượng tầng. Nói một cách nôm na, qua cách chỉ đạo, điều hành của cơ quan có trách nhiệm, đội tuyển ấy bỗng thiếu cái hồn thu hút từ chính bản thân nó. Có vẻ như nó không còn là đứa con của chính người hâm mộ ngay từ trong tâm tưởng, không còn là đứa con của hy vọng và thương yêu nữa rồi chỉ vì có kẻ đã dùng nó để khất thực niềm tin từ công chúng.
Nội chuyện loay hoay tìm người dẫn dắt sau khi huấn luyện viên đương nhiệm từ chức vì thất bại ở AFF Cup cũng phản ánh rõ năng lực của các nhà quản lý điều hành ở VFF. Hết Hoàng Anh Tuấn, Lê Huỳnh Đức đến Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Văn Sỹ, các nhà tuyển trạch cứ lúng túng như gà mắc tóc, đến độ chính một chuyên gia lão làng là thành viên của Hội đồng huấn luyện viên quốc gia như ông Lê Thế Thọ phải buột miệng than rằng “làm việc với VFF chẳng khác nào đánh bạc”. Ai cũng từ chối thẳng thừng dù họ vẫn nhận ra niềm tự hào và trách nhiệm khi dẫn dắt đội tuyển.
Lẽ nào các quan chức liên đoàn không nhận ra rằng sở dĩ các đề xuất, chỉ đạo của họ không nhận được phản hồi tích cực từ đối tác - và rộng hơn, từ rộng rãi công chúng - chỉ vì bản thân họ không gieo được niềm tin? Qua từng việc cụ thể, qua từng thời đoạn sử dụng huấn luyện viên, họ khiến người ta lo ngại nhiều hơn hào hứng, cứ thấp thỏm sợ rằng có thể sẽ đến lúc chính mình trở thành con chốt thí đánh đổi bình yên cho chính các quan chức liên đoàn. Ai cũng biết cái tên Hoàng Văn Phúc không thể hấp dẫn hơn những Lê Huỳnh Đức, Hoàng Anh Tuấn nhưng cuối cùng liên đoàn cũng phải chọn bởi còn cách nào khác hơn! Thêm một bằng chứng cho thấy sự bất lực của cơ quan đầu não ở VFF. Người ta thích đối phó vì sợ điều tiếng hơn là thực tâm tìm giải pháp tối ưu vì tương lai và của cả nền bóng đá, vì chất lượng và thành tích của đội tuyển!
Bỗng thấy thèm vô cùng sự thong dong thanh thản và cách làm việc công tâm vì lợi ích chung của vài nền bóng đá láng giềng. Cả Thái Lan, Malaysia dường như chẳng hề khổ sở gian nan mà vẫn tìm được người dẫn dắt tin cậy cho các đội tuyển của họ. Và ai nhận lãnh trách nhiệm cũng thấy vinh dự hào hứng!
Nhưng đội tuyển quốc gia đâu phải tài sản riêng của vài quan chức liên đoàn! Đó phải là đứa con thiêng liêng trân quý, là tình tự, khát vọng của triệu triệu người. Đứa con ấy phải được chăm sóc bảo bọc bằng tất cả thương yêu và trách nhiệm của cả cộng đồng. Sẽ là tội ác nếu những người có trách nhiệm không làm được điều ấy!
ĐÌNH XÊ