.

Bánh tổ quê nhà

.

Chẳng biết vì khuôn bánh đan bằng tre giống hệt cái tổ chim hay vì là phẩm vật thờ cúng ông bà trong ngày Tết mà loại bánh mộc mạc, đơn sơ ấy có tên là bánh tổ.

Bánh tổ sánh vai cùng bánh chưng ra chợ Tết.
Bánh tổ sánh vai cùng bánh chưng ra chợ Tết.

Người miền Trung không có tục gói bánh chưng ngày Tết, nhưng bánh tổ là một thứ không thể thiếu vắng trên bàn thờ tiên tổ trong ba ngày xuân. Làng Quang Châu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang quê tôi từng nổi tiếng nghề làm bánh tổ mà một trong những người khéo tay nhất là bà Chánh Sáu, ngoại tôi. Mẹ tôi, người trong làng quen gọi là “cô Bảy Quang Châu”, nay đã ngoại thất tuần, cũng giỏi bánh trái không kém gì ngoại.

Tôi từng thưởng thức hương vị bánh tổ khắp miền đất Quảng nhưng không ở đâu ngon bằng quê mình. Con gái làng tôi ngày trước được cái nết khéo tay, nổi tiếng về bánh trái. Cái duyên ấy được truyền cho đời sau nên bây giờ con gái làng Quang Châu sống bằng nghề làm bánh Tết. Những “thương hiệu” mộc mạc được truyền miệng nhau như bánh tổ, bánh khô mè cô Bốn, ông Tám, bà Bảy... cứ thế bay xa... có khi đến tận trời Tây.

Ở thôn quê nói chung, làng Quang Châu nói riêng, hầu như nhà nào cũng làm bánh tổ ăn Tết, như một lệ thường khó quên... Năm nào cũng vậy, sau khi đưa ông Táo về trời là cả làng lại nhộn nhịp rủ nhau làm bánh tổ. Tiếng chày giã bột thậm thình suốt đêm xuân càng làm lũ trẻ chúng tôi thêm háo hức mong chờ. Hồi ấy, nhà tôi là một trong ít nhà ở làng có cối đá lớn, nên những dịp tết nhứt như thế bà con chòm xóm không ngớt đến giã bột nhờ. Cha tôi phải khiêng cối đặt giữa sân để mọi người tiện việc giần sàn. Từng thúng nếp thơm lừng hương gió, hương nắng được vuốt sạch để ráo nước chờ đến lượt cho vào cối. Hết thúng này đến thúng khác, chiếc cối đá làm việc từ hửng sáng đến khuya lơ mới tạm nghỉ để rồi mờ sáng hôm sau lại tiếp tục giai điệu thậm thình.

Tháng Chạp nắng hanh vàng, đủ ấm để các cô gái phơi những tàu lá chuối chuẩn bị đổ bánh tổ. Các bà, các cô soạn nồi, nhóm lửa nói cười râm ran. Những gương mặt ửng hồng vì lửa, vì nắng chan chứa sức xuân... Mẹ tôi vừa bày biện các thứ vừa giảng giải: “Bánh tổ được nắng mới ngon…”. Tôi lặng yên bên bếp lửa hồng, ngắm không thôi khuôn mặt mẹ dịu hiền nhạt nhòa trong làn hơi nước bốc lên từ chiếc nồi đồng đang sôi nghi ngút. Mẹ sẽ sàng cho chỗ bột nếp trắng mịn vào nồi đường thắng pha gừng từ hôm trước, trộn đều cho đến khi tất cả biến thành một màu nâu vàng óng ả…

Xong đâu đấy, mẹ nhẹ nhàng múc từng gáo bột lần lượt đổ vào khuôn hấp chín. Ngày ấy, mẹ tôi canh bánh chín không bằng đồng hồ mà bằng những que hương cháy đỏ lập lòe. Trong thời khắc bảng lảng khói sương ấy, bánh vừa chín tới được vớt ra sắp đầy chiếc nong to bên bếp, phả vào không gian chung quanh một hương vị ngọt ngào. Chỉ chừng ấy thôi cũng đã lấp lánh trong trí nhớ trẻ thơ tôi bao điều kỳ diệu về một mùa xuân cổ tích quê nhà.

Bánh tổ ngày Tết luôn có “đơn đặt hàng” của các gia đình gần xa nên không bao giờ có hàng dư thừa. Nhiều năm đến 30 Tết không có bánh để bán, các mẹ, các dì tôi phải lấy bánh nhà nhường lại cho khách.

Thật ra, so với những loại bánh mứt mà mẹ tôi sắm sửa trong ba ngày Tết, bánh tổ chưa phải là món hấp dẫn về cả hình thức lẫn mùi vị. Nó chỉ thực sự ngon khi tiết Nguyên tiêu đến gần và Tết đã dần qua. Lúc đó bánh đã chuyển từ độ dẻo mềm sang khô cứng đến nỗi phải dùng dao thật bén mới cắt được. Trong cái se se lạnh đầu xuân, cả nhà quây quần trong gian bếp nhỏ nồng nàn ánh lửa chờ nếm món bánh tổ chiên do tự tay mẹ tôi làm lấy. Lát bánh nóng hổi vừa ngọt vừa béo kẹp với bánh tráng mè giòn rụm, tất cả tạo nên một cảm giác mà mãi đến giờ tôi vẫn không hề quên được.

Mẹ tôi bảo, Tết nhứt thiếu thứ gì cũng có thể nhưng không thể thiếu bánh tổ. Người miền Trung có lệ, nếu ai cúng bánh tổ lúc giao thừa thì năm nào cũng phải cúng, không được để cách quãng. Nhưng rồi, theo xu thế thời đại, Tết nay ngày một xuất hiện nhiều loại bánh trái mẫu mã đẹp, ít ai chuộng cái bánh tổ vẫn “giữ nguyên quê mùa” và thế là nghề xưa đã dần mai một. Riêng mẹ tôi vẫn giữ được lệ xưa, cứ đến Tết là nấu một nồi bánh tổ, chủ yếu làm quà tặng cho những ai muốn níu giữ hương vị Tết xưa nhưng cái chính là cho con trẻ ngày nay biết được thế nào là “bánh tổ”.

Giờ đây, vào những ngày rằm, mồng một, Tết Đoan ngọ... vẫn có thể tìm thấy bánh tổ trong các chợ lớn ở Đà Nẵng, được cung cấp từ các lò bánh nổi tiếng ở Hội An, Vĩnh Điện, Đại Lộc... Loại bánh này là hàng chợ nên hương vị không chuẩn lắm, bởi bánh nhỏ, bột nhão, đường trắng nên mùi vị không đậm đà đúng hương vị Quảng. Chỉ đến Tết mới có những chiếc bánh tổ thực sự là… bánh tổ. Bánh tổ cũng như con người, muốn đánh giá ngon hay dở không chỉ “nhìn mặt mà bắt hình dong” mà còn phải chờ đợi câu trả lời qua thời gian. Bánh để ra giêng ra hai mà vẫn không cứng, không chảy nước, không chua thì mới là bánh ngon. Khi ăn có mùi ngọt đậm đà của mật mía, mùi thơm của gừng và dẻo của nếp...

Thời buổi bây giờ, chỉ cần vài ba tiếng đồng hồ là có thể chuẩn bị một cái Tết thật tinh tươm không thiếu thứ gì. Thế nhưng, vẫn có không ít người mải miết đi tìm cho ra loại bánh “hương đồng gió nội” để dâng cúng tổ tiên. Cũng may, nhờ đó mà bánh tổ vẫn còn “trụ” lại được.

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.