Trước năm 2004, Thể thao Đà Nẵng chỉ là bóng đá, điền kinh, bơi lội, võ thuật… Thế nhưng, khi Trần Lê Quốc Toàn giành những tấm HCV đầu tiên ở giải Vô địch Cử tạ trẻ quốc gia 2005, Cử tạ Đà Nẵng báo hiệu một sự chuyển mình, và những thành công đã gắn liền với cái tên Phan Văn Thiện.
Những đóng góp của Phan Văn Thiện (trái) đã được ghi nhận xứng đáng. TRONG ẢNH: Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến trao thưởng cho Phan Văn Thiện. |
Gia đình có đến 9 người con, cuộc sống quá khó khăn, nên năm 1989, Thiện theo người anh đầu vào Sài Gòn lập nghiệp. Học và làm nghề xi mạ nhưng niềm đam mê thể thao chưa khi nào nguôi với chàng thanh niên 17 tuổi này. Đến với CLB Thể dục Thể hình quận 10 (TP. Hồ Chí Minh) chỉ như một cuộc dạo chơi, nhưng HLV đã phát hiện Thiện có tố chất của một VĐV cử tạ. Chỉ ở dạng “chơi phong trào”; vậy mà, tại giải vô địch Cử tạ TP. Hồ Chí Minh 1995, anh là một trong 3 VĐV xuất sắc nhất của nội dung 54kg.
Sau đó, Thiện nằm trong danh sách đội tuyển Cử tạ TP. Hồ Chí Minh tham gia thi đấu Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 3 (1995) và anh đã giành HCV cùng kỷ lục quốc gia ở hạng cân này. Năm 2004, khi Thiện bắt đầu chuyển sang làm công tác huấn luyện, cũng là lúc Đà Nẵng ngỏ ý nhờ TP. Hồ Chí Minh giúp đỡ để xây dựng Cử tạ Đà Nẵng. Phan Văn Thiện là cái tên được nhắm đến để hỗ trợ Đà Nẵng.
Khi được đặt vấn đề, anh không ngần ngại bởi niềm ao ước được cống hiến cho quê hương đã thành hiện thực. Song, Thiện không hình dung quá nhiều khó khăn phía trước...
Cơ sở vật chất phục vụ bộ môn hầu như chẳng có gì; công tác tuyển sinh của ngành TDTT Đà Nẵng nói chung, bộ môn cử tạ nói riêng cũng khác hẳn quy trình của TP. Hồ Chí Minh. Nhưng Phan Văn Thiện cứ lầm lũi, làm theo cách mà anh cho rằng, tốt nhất. Đi tìm kiếm những gương mặt vốn lạ lẫm với thể thao và cử tạ nhưng với mắt nhìn của một người làm chuyên môn. Với những người “ngoại đạo”, mấy ai tin những chàng trai chỉ với tầm vóc chừng 1,50 mét như Quốc Toàn (hạng 56kg nam) lại trở thành ngôi sao tương lai.
Chỉ sau 8 tháng “nhập môn”, chính Quốc Toàn đã trở thành VĐV đầu tiên của Cử tạ Đà Nẵng giành HCV quốc gia, dẫu chỉ ở giải Trẻ. Sau đó, không chỉ Quốc Toàn mà Lê Quang Trung, Nguyễn Thanh Bình… lần lượt đăng quang ở các giải Trẻ rồi giải Vô địch quốc gia, như một sự khẳng định của Phan Văn Thiện.
Tại Đại hội TDTT toàn quốc 2010, Cử tạ Đà Nẵng là một trong những bộ môn góp phần quan trọng để Thể thao Đà Nẵng lần đầu tiên vươn lên hạng tư toàn đoàn. Sau đó, SEA Games 26 (2011), với ngôi vô địch của Quốc Toàn, Cử tạ Đà Nẵng tiếp tục là “điểm sáng”. Gần đây nhất, dù chỉ xếp hạng tư tại Olympic London 2012 nhưng với tấm HCĐ Vô địch Thế giới 2011 của Quốc Toàn, Phan Văn Thiện đã có thể nở nụ cười thỏa nguyện.
Dù là người tạo dựng nền móng cho Cử tạ Đà Nẵng, song Phan Văn Thiện chưa hẳn được tin dùng khi công tác đào tạo trẻ đã được chuyển cho một số HLV chưa có nhiều kinh nghiệm. Dẫu rằng, đây chính là nền tảng cho những bước phát triển bền vững của tương lai.
Vì “rất muốn cống hiến lâu dài cho quê hương và đã xây dựng được nền tảng cho Cử tạ Đà Nẵng, tạo được bước phát triển rất tốt trong tương lai” nên dù đang nhận được sự chào mời từ rất nhiều đơn vị, Phan Văn Thiện vẫn không thể dứt áo ra đi.
Thế nhưng, trong ước nguyện lớn nhất của mình với Thể thao Đà Nẵng, Thiện vẫn cần rất nhiều sự cộng hưởng, sẻ chia cùng những điều kiện cần thiết để Đà Nẵng vẫn sẽ là một trong những trung tâm thể thao mạnh của cả nước; chứ không chỉ ở bộ môn cử tạ...
NGUYÊN AN