Cuối năm bận rộn, mọi người “xẻ mũi để thở” vẫn chạy không hết việc. Vậy mà trang báo này, vấp một câu hỏi như vậy, thiệt là... hết chuyện nói. Nhưng xin bạn đọc hãy bình tâm nán lại vài ba phút nữa, dù sao đọc tựa bài này chắc nhiều người cũng đã được xả hơi bằng cách... phì cười. Và biết đâu, sẽ còn hơn thế nữa!
Nhớ hồi học cấp 3, thầy giáo môn Sinh vật bước vào lớp, mào đầu tiết học bằng một câu lẩy Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta/ Đời người chỉ có thở ra hít vào”. Cả lớp cười ồ. Riêng tôi ngẩn ngẩn ngơ ngơ, dường như có một chân lý hiển nhiên mà mình chưa phát hiện...
Khi vào đời với cái nghề “trên lưng thời cõng bao hàng, đầu đội phiếu xuất, vai mang hợp đồng” chạy khắp Nam cùng Bắc, cái anh chàng “lưng dài vai rộng” vốn quen “ăn no lại nằm” là tôi nhiều lúc thấy mệt “đứt cả hơi”. Giữa lúc tưởng “chết chìm” trong công việc, may sao, một lần ghé sạp báo, tôi vớ được một cái “phao cứu sinh”, đó là bài vè tập thở của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (trong một số chuyên đề báo Khoa học và Phát triển mà đã 20 năm tôi còn giữ đến giờ): “Thót bụng thở ra/ Phình bụng thở vào/ Hai tay bất động/ Chân tay thả lỏng/ Êm, nhẹ, dài, sâu/ Tập trung theo dõi/ Luồng ra luồng vào/ Bình thường qua mũi/ Mới tập qua mồm/ Lúc gấp qua mồm/ Đứng ngồi hay nằm/ Ở đâu cũng được/ Lúc nào cũng được”.
Tôi bắt đầu làm theo và lờ mờ ngộ ra rằng thở là một vấn đề quan trọng để sống. Rồi một ngày, đọc thấy trong thiền phòng của một thiền sư có treo bức họa một chồi cây với mấy chữ “Respire, tu es vivant” (Thở đi, ngươi là một sinh vật), tôi chợt thấy tỉnh cả người. Thì ra “bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh... mà chưa hề biết thở”. Thở mà không biết mình đang thở, ấy là không biết thở. Vậy là từ đó tôi dành nhiều thời gian, không gian để học thở. Bắt đầu bằng bài học vỡ lòng: “Thở vào tâm tĩnh lặng/ Thở ra miệng mỉm cười/ An trú trong hiện tại/ Giờ phút đẹp tuyệt vời”. Rồi có khi thay bằng thiền phổ rút gọn khác: “Vào/ Ra; Sâu/ Chậm; Khỏe/ Nhẹ; Lặng/ Cười; Hiện tại/ Tuyệt vời”. Cứ mỗi câu hay mỗi chữ nhẩm đọc, đi kèm với một hơi thở vào ra có ý thức. Không chỉ tập những lúc nghỉ ngơi nằm ngồi, mà cả những khi làm việc đi đứng nữa. Mặc dầu chưa thực tập miên mật (không gián đoạn) cho lắm, nhưng phải nói là việc tập thở đem lại cho tôi nhiều lợi lạc, nhiều bình yên...
Có lần một vị sếp của chi nhánh Văn phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam tại Đà Nẵng than phiền với tôi là cứ mỗi lần nghe chuông điện thoại (di động hoặc máy bàn) reo là anh giật bắn cả người, và sau đó hồi hộp trống ngực cả tiếng đồng hồ, đã đi khám và điều trị Đông Tây y mãi không khỏi chứng “yếu tim” này. Tôi “bắt mạch” căn bệnh này và “kê toa” cho anh bằng liệu pháp “3 hơi thở” mà có người gọi là “thiền điện thoại”, rất đơn giản như sau:
Mỗi khi nghe chuông reo, không được nhấc ngay điện thoại, mà chú ý tập trung hít vào thở ra 3 hơi rồi mới mở máy nghe. Ấy vậy mà chỉ một tuần sau, anh lên nhà cám ơn và báo tin đã chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh trầm kha mấy năm nay.
Quả là hơi thở có khả năng trị liệu diệu kỳ. Nếu chưa tin, bạn hãy thử một lần đi, để mà… biết thở!
PHAN PHÚ SƠN