Hiện đang là mùa thực tập tốt nghiệp của sinh viên (SV), trong đó có SV ngành Tài chính-Ngân hàng. Để có một chỗ thực tập, nhiều SV phải đến tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch của hàng chục ngân hàng khắp thành phố Đà Nẵng. Câu chuyện tìm chỗ thực tập đã trở thành nỗi khổ của nhiều SV, chứ chưa nói đến con đường tìm việc làm đầy trắc trở sau này.
Sinh viên ngành Ngân hàng, ĐH Kinh tế Đà Nẵng trong lễ trao bằng tốt nghiệp đợt 1 năm 2012. (Ảnh minh họa) |
Không thể tự lực, đành nhờ người quen!
Từ cuối tháng 12 đến giữa tháng 1, tất cả các trường có đào tạo ngành tài chính-ngân hàng triển khai chương trình thực tập cho SV năm cuối. Hàng trăm SV cùng đổ xô vào các ngân hàng, doanh nghiệp xin một chỗ thực tập.
Nguyễn Thị Thùy Linh, SV Trường CĐ Kinh tế-Kế hoạch Đà Nẵng, dành hai ngày đi khắp các chi nhánh, phòng giao dịch của tất cả các ngân hàng từ Liên Chiểu xuống Thanh Khê, Hải Châu, qua Sơn Trà để xin thực tập nhưng đều bị từ chối. Đang rơi vào bế tắc, may thay, Thùy Linh được chị gái xin hộ vào một văn phòng giao dịch thuộc ngân hàng Agribank ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Dù từ nhà đến điểm thực tập hơn 20 cây số, nhưng Linh vẫn còn may mắn hơn các bạn cùng khóa.
Tưởng bước vào ngành tài chính-ngân hàng là sang, nhưng thực sự, nhiều SV đã gặp không ít chông gai trước ngày tốt nghiệp. Không ít SV bị từ chối thực tập mà không rõ nguyên do. Thậm chí, nhiều bạn không xin được ở Đà Nẵng, đành mở rộng việc xin thực tập tại Quảng Nam. Cũng vì chỗ thực tập xa xôi nên việc gặp mặt thầy cô hướng dẫn trở nên khó khăn hơn với các bạn.
Nguyễn Thị Thùy Trang, SV trường CĐ Kinh tế-Kế hoạch, khẳng định chắc chắn là muốn tìm được chỗ thực tập, không thể tự lực mà phải nhờ người quen. Cũng như Thùy Linh, mỗi ngày, Thùy Trang bắt đầu hành trình xin thực tập từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, nhưng vẫn không được nơi nào tiếp nhận. “Lúc đó em bí quá, vừa buồn vừa tủi, đành nhờ người quen và họ chỉ cần một cuộc điện thoại là em được nhận vào thực tập ở Chi nhánh ngân hàng VPBank”, Trang cho biết. Và ở nơi Trang thực tập có SV của rất nhiều trường như ĐH Đông Á, Duy Tân, Kiến trúc, Kinh tế…
Lối đi hẹp
Trước cảnh hàng chục SV ồ ạt đến xin thực tập, trưởng phòng giao dịch một ngân hàng ở quận Liên Chiểu đã thốt lên: SV học cao đẳng quá nhiều trong khi hầu hết các ngân hàng chỉ nhận thực tập cho SV bậc đại học. Chỉ riêng trên địa bàn Đà Nẵng, phần lớn các trường đều có ngành tài chính, ngân hàng, kế toán doanh nghiệp, trong khi số trường ĐH đào tạo các ngành này có “uy tín” rất ít.
Ông Hường Hồng Sơn, Trưởng phòng Nhân sự miền Trung, Ngân hàng Techcombank cho biết, khi nhận SV thực tập, ngân hàng đều có kế hoạch hướng dẫn và giúp đỡ, đồng thời đào tạo giúp SV có kinh nghiệm thực tế làm việc sau khi kết thúc kỳ thực tập. Vì thiếu người hướng dẫn nên các phòng giao dịch thuộc chi nhánh không thể tiếp nhận SV thực tập. Điều này lý giải vì sao nhiều SV khó xin được chỗ thực tập và nhiều báo cáo thực tập chất lượng yếu, không thể hiện thực chất một giai đoạn học nghề thực tế của SV.
PGS.TS Lê Văn Huy, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kinh tế Đà Nẵng cho biết mỗi năm SV các ngành ngân hàng và tài chính doanh nghiệp có hai đợt thực tập tốt nghiệp vào tháng 9 và tháng 12. Hiện 126 SV của trường đang đi thực tập ở các ngân hàng đều nhờ vào mối quan hệ cá nhân hoặc nhờ các giáo viên trong khoa hỗ trợ. 2 năm qua, ĐH Kinh tế hướng đến chương trình đào tạo chất lượng cao các ngành ngân hàng, kiểm toán, quản trị tài chính với mong muốn tạo ra sự khác biệt về mặt chất lượng. Theo đó SV sẽ học bằng tiếng Anh trên 50% môn học. Hướng đào tạo này có thể giúp SV ĐH Kinh tế có cơ hội tìm việc làm dễ hơn trong thời điểm khủng hoảng dư thừa nhân lực ngành tài chính.
Khủng hoảng dư thừa nhân lực Tài chính-Ngân hàng Theo số liệu từ Bộ GD&ĐT, cả nước có 856 cơ sở đào tạo ngành tài chính-ngân hàng (chiếm 60% các trường ĐH, CĐ trên cả nước), chiếm 1/3 tổng SV cả nước; mỗi năm có 32 nghìn SV ra trường, 1/3 trong số đó thất nghiệp hoặc làm trái nghề. Theo dự báo của Trung tâm cung ứng nhân lực quốc gia năm 2013, sẽ có khoảng 120 SV theo học các ngành về tài chính, kinh doanh ra trường không có việc làm. Số lượng đào tạo SV các chuyên ngành này mỗi năm dư khoảng 18% so với nhu cầu thực tế của xã hội. Tại Đà Nẵng, số SV giỏi được các ngân hàng chủ động mời thực tập hằng năm chiếm 10%, tương đương với 5-10 SV. |
HIỀN LƯƠNG