Ngay đầu mùa thi đấu 2013, VĐV Điền kinh Nguyễn Thị Thanh Phúc mang lại tin vui đầu tiên cho Thể thao Đà Nẵng (TTĐN) với thành tích HCB nội dung Đi bộ 20km nữ tại giải vô địch châu Á. Cùng lúc, xuất sắc không kém, dù chỉ về hạng 5 chung cuộc nhưng cậu em Nguyễn Thành Ngưng cũng lập kỷ lục quốc gia mới với thành tích 1 giờ 27 phút 30 giây.
Những gương mặt như các VĐV Thành Ngưng, Thanh Phúc, HLV Trần Anh Hiệp (từ trái sang) góp phần tạo nên bản sắc cho TTĐN. |
Những thông số này báo hiệu trước những thành công của Thanh Phúc - Thành Ngưng tại SEA Games 27 (2013) nếu bộ đôi này không sớm thỏa mãn… Tại SEA Games 26 (2011), với 1 giờ 42 phút 22 giây, Thanh Phúc giành HCV; trong khi đó, thông số 1 giờ 35 phút 48 giây và kém VĐV giành HCV người Malaysia vỏn vẹn 3 giây, Thành Ngưng cũng có tấm HCĐ.
Còn nhớ, năm 2008, tại giải vô địch bơi lặn toàn quốc, giành 5 HCV, 2 HCĐ cùng 3 kỷ lục quốc gia, “Kình ngư” Hoàng Quý Phước qua mặt đàn anh Nguyễn Hữu Việt khi giành “Cúp nam VĐV xuất sắc nhất”. Lúc ấy, Phó Giám đốc Trung tâm HL-ĐT VĐV Nguyễn Đông Hải báo tin về mà giọng nghẹn lại vì hạnh phúc xen lẫn xúc động: “Phước được trao cúp rồi” và “Hạnh phúc thực sự khi Phước chính là VĐV Đà Nẵng thực sự”.
Không hạnh phúc và không tự hào sao được khi trước đó, hầu như TTĐN chỉ có thể vui với chiến thắng của những VĐV chuyển nhượng, thay vì là những VĐV của Đà Nẵng hoặc do Đà Nẵng đào tạo.
Những năm gần đây, Trần Lê Quốc Toàn, Lê Quang Trung (Cử tạ), Dương Thị Thanh Minh (Judo), Châu Bá Anh Tư (Bơi), Phan Thị Kim Dung, Đặng Thị Minh Thúy, Đặng Minh Hiếu (Lặn)… cùng góp phần làm rạng danh TTĐN trên cả đấu trường trong nước lẫn quốc tế.
Trong những thành công nổi bật nhất, CLB Bóng đá SHB Đà Nẵng cũng mang lại niềm vui và hạnh phúc ngất trời cho người hâm mộ khi hai lần đăng quang ngôi vô địch V-League (2009, 2012), một lần đoạt Cúp quốc gia (2009), một lần giành Siêu cúp quốc gia (2012).
Giữa những tự hào của TTĐN, chẳng hề có một “vết gợn” bất kỳ khi thành quả ấy do chính những người Đà Nẵng hoặc những người đã chọn Đà Nẵng làm quê hương, góp phần tạo dựng nên. Giá trị chiến thắng là ở đấy. Khi TTĐN không cần viện đến “ngoại lực” để lên đỉnh vinh quang.
Thử nhìn ra không ít địa phương, đằng sau những ngôi vô địch, những tấm HCV; hẳn đâu đó trong thẳm sâu, những người hâm mộ vẫn chưa thể cảm thấy hài lòng trọn vẹn. Bởi những thành công ấy, chỉ được gầy dựng bằng tiền bạc để lôi kéo về những ngôi sao, những tên tuổi. Cũng đồng nghĩa với những lo lắng, băn khoăn khi nghĩ đến tương lai một khi nền tảng hoàn toàn không bền vững.
Bởi, một nền thể thao không bản sắc, “màu cờ, sắc áo” chỉ là một khái niệm quá xa xỉ với không ít VĐV, vốn chỉ nhập cuộc để tạo “thương hiệu” và đẩy giá trị của mình lên, hơn là những giọt mồ hôi với ý nghĩa cao quý nhất trong nỗ lực tận hiến cho quê hương.
Từng có những tranh luận khi thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng, từng bước chuyển sang chuyên nghiệp hóa. Lúc ấy, yếu tố bản sắc bị không ít ý kiến phản kháng khi lý luận “chuyên nghiệp” được sử dụng để làm mờ “bản sắc”.
Thực tế cho thấy, dù chuyên nghiệp đến mức như FC Barcelona hay Bayern Munich, họ vẫn không đánh mất bản sắc một khi đó được xem là “phần hồn” của một nền thể thao, của một tập thể. Và TTĐN có được những thành công hôm nay, vẫn bắt nguồn từ một khái niệm tưởng chừng đơn giản - bản sắc. Và đó là một giá trị rất lớn, không thể mua được, dẫu bằng rất nhiều tiền…
NGUYÊN AN