.

Về quê giữ làng

.

Tiếng ca-nô tạch tạch, loang dài trên dòng sông Thu Bồn trong buổi sáng mùa xuân rồi nhỏ dần, nhỏ dần. Thấp thoáng qua hàng tre ken dày trải bóng xuống dòng sông, một người đàn ông không đoán được tuổi neo chiếc ghe nhỏ vào cọc rồi thoăn thoắt nhảy lên bờ. Ông xuất hiện trong bộ dạng một lão nông - quần ống cao ống thấp, lấm láp bùn đất, vai đeo tòng teng một cái xà-cột, cũng cũ kỹ và nhàu nát không kém. Một con người lấm láp và quá nhanh nhẹn, hoạt bát, khác với hình dung của tôi về một viện sĩ, kiến trúc sư (KTS) Bùi Kiến Quốc lịch lãm, uyên bác, thâm trầm với tuổi ngót nghét thất tuần.

Ngôi nhà đậm chất nông thôn Việt dưới lũy tre làng được  KTS Bùi Kiến Quốc giữ lại và tôn tạo.
Ngôi nhà đậm chất nông thôn Việt dưới lũy tre làng được KTS Bùi Kiến Quốc giữ lại và tôn tạo.

Giàu có nhất của làng là bờ sông

Vồn vã, ông vào đề luôn khi chân thấp chân cao trên bờ kè bê-tông bên sông Thu Bồn sóng đang vỗ nhè nhẹ. Chỉ dòng nước lặng lờ trôi sát bờ sông, ông phân trần: “Không ai nghĩ chỗ ni mới cách đây 4 năm là xói lở ào ạt hỉ? Tiếp nhận cái làng sạt lở ni từ chính quyền địa phương, tui đã dày công nghiên cứu cách chống đỡ”. Trước tiên, là phải ổn định lòng sông bằng cách thuê người dân đổ khoảng 5 vạn bao cát; bởi lòng sông trước đây đã bị hút cát vô tội vạ, tạo điều kiện cho nước xói lở, đào sâu vào bờ mỗi năm hàng chục mét đất. Ổn định được nền, ông bắt đầu cho kè bê-tông, nhưng không phải tạo bức tường dựng đứng mà thiết kế thành từng bậc, tạo thế để trồng cây. Không những vậy, một phát kiến của ông nữa, chính là tạo hồ bơi một cách hợp lý để tránh sóng đánh mạnh vô bờ.

Nhờ đó, qua 3 năm kiên trì, cần mẫn cải tạo với 120 mét bờ kè, làng Triêm Tây, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) đã trụ lại được. Bởi, ngôi làng đậm chất nông thôn Việt Nam với lũy tre bao bọc 147 hộ dân này đã từng nằm trong đề án di dời dân vùng sạt lở của tỉnh Quảng Nam do tốc độ xói lở quá nhanh.

Đi dọc bờ sông rợp mát bóng tre, vị KTS tốt nghiệp khoa Kiến trúc (Đại học Mỹ thuật Paris), Viện sĩ Viện KTS Pháp, từng học và lớn lên ở Cộng hòa Pháp hơn 40 năm trầm ngâm: Thiết kế cho hàng trăm công trình hoành tráng ở các nước tiên tiến, gần 20 năm về lại quê hương, tôi nghiệm ra một điều rằng, cái giàu có nhất của làng là bờ sông! Có giữ được bờ sông, giữ được đất thì mới giữ được dân, rồi mới nói đến chuyện giữ làng.

Thế nên, với dự án Khu du lịch sinh thái nhà vườn Triêm Tây được triển khai từ tháng 6-2009, có tổng diện tích 13.447m2, tiêu tốn khoảng 10 tỷ đồng, cái được ông quan tâm nhất là bờ sông. Chỉ tay về phía bên kia sông, Bùi Kiến Quốc tâm đắc với một không gian thoáng đãng, xanh mướt đồng rau trải rộng 40 héc-ta. Làm sao phải giữ được tầm nhìn xanh mát như thế là chuyện làm ông rất đau đầu. “Vì nếu thiếu tầm nhìn đó thì khu du lịch này coi như vứt bỏ”, ông tâm sự. Chính vì vậy, ông đang thương lượng với một tổ chức quốc tế, tìm kiếm viện trợ nhằm hỗ trợ cho nông dân giữ lại đồng rau, tổ chức canh tác hợp lý, chứ không phải biến nó thành một vùng khô cằn hoặc quy hoạch nhà ở. Rồi từ đây, sẽ có dịch vụ cho thuê ghe qua sông, cho trẻ em và cả người lớn nữa lên đồng bãi, trải nghiệm đời sống nông dân thuần chất Việt Nam bên dòng Thu Bồn này. “Năm đô-la Mỹ một chuyến, không ai cưỡng lại được cái giá quá rẻ như thế để có một trải nghiệm đồng quê tuyệt vời!”, ông tâm đắc với ý tưởng của mình.

KTS Bùi Kiến Quốc với bờ kè giữ bờ sông Thu Bồn. Với ông, giữ đất là giữ làng.
KTS Bùi Kiến Quốc với bờ kè giữ bờ sông Thu Bồn. Với ông, giữ đất là giữ làng.

Truyền thống và hiện đại

Như người “lên đồng”, ông hào hứng dẫn chúng tôi đi dạo trong khuôn viên hơn 13 nghìn mét vuông của làng Triêm Tây mà ông dồn tâm huyết để giữ gìn, tôn tạo trong gần 4 năm qua. Len lỏi qua từng con đường quê rợp bóng cây, tiếng lá tre rì rào trong gió chen với tiếng sóng vỗ nhè nhẹ bờ sông, ông giới thiệu từng góc nhỏ, từng ngôi nhà mà ông đầu tư giữ gìn nguyên trạng, hay tôn tạo và cả xây mới để tạo một không gian làng Việt. Trùm lên không gian yên bình, lặng lẽ của làng quê Việt Nam đặc trưng, là những thiết kế mà ông cho là thân thiện với môi trường. Ông đã tự tay làm 2 - 3 dự án làng quê Việt trên đất Quảng, hai cái ở Hội An là khách sạn Hà An và làng du lịch văn hóa Cẩm Thanh, một cái ở chính quê hương làng Trung Phước, Quế Sơn, nhưng ông nói, đó tất cả chỉ là bản nháp. Còn đây mới là bản chính để ông được thể hiện ý tưởng bay bổng của mình, để tự tay vừa thiết kế, vừa can thiệp vào xây dựng như là một người thợ thực thụ.

Nhưng dạo quanh làng với ông, tôi nhận ra dường như ở đây, cũng là những “bản nháp” của chính ông cho những trải nghiệm về một không gian, một kiến trúc thân thiện với môi trường. Chỗ này là những ngôi nhà nông thôn Việt còn giữ nguyên dạng, với cách bài trí Việt, với bàn thờ tổ tiên, với không gian sinh hoạt gia đình Việt. Nơi khác là căn nhà mà theo ông là “nhà thân thiện”, nghĩa là thiết kế bằng vật liệu tre, gỗ thuần túy và 100% lắp ghép. Mỗi căn nhà rộng 3,6m, dài 4,8m, sườn tre, lợp tranh, vách gỗ với thiết kế cửa song sập, vừa giải quyết ánh sáng, vừa điều chỉnh nhiệt độ... theo đúng phong cách nhà Việt. “Với mô hình nhà này, nói dại miệng, lỡ tôi bỏ dự án thì cũng không phải để lại một đống bê-tông cốt thép gây hại môi trường, cảnh quan, mà nó sẽ tự tiêu hủy theo thời gian”, ông nói về tiện ích của mô hình nhà “tự tiêu hủy”.

Một điều nữa dễ nhận thấy trong lối kiến trúc nhà biệt thự của KTS Bùi Kiến Quốc, chính là phong cách sinh hoạt đậm chất gia đình, hòa quyện với thiên nhiên; từ phòng hội họp cho đến phòng nghỉ ngơi, sinh hoạt. Chỉ căn phòng tắm mà ông gọi là “phòng tắm trong cây”, ông giải thích: “Ai cũng ghiền kiểu thiết kế hòa quyện thiên nhiên này, rất mở nhưng cũng rất kín”. Mà thật, căn phòng tắm được lắp đặt các thiết bị tiện ích hiện đại, nhưng chan hòa giữa những vòm ô-ma, cây tre phủ kín một cách tự nhiên chung quanh, tạo cảm giác an toàn và cũng rất thân thiện với không gian xanh mát - một kiểu nhà vệ sinh đậm chất nông thôn Việt nhưng rất hiện đại, thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch mà ông đang hướng đến theo mô hình homestay (khách ở tại nhà dân).

Ngay cả với khu vực chính, thiết kế tòa nhà 3 tầng với nội thất hiện đại, nhưng có cảm giác không bị vướng bởi xi-măng cốt thép mà được ông hóa giải để hòa quyện với thiên nhiên một cách hợp lý nhất. Không chặt đốn một cái cây nào trong khu vườn nguyên thủy, không cắt tỉa bờ tre mỗi ngày rậm rạp, ông cũng thiết kế các vườn cây, vườn hoa một cách hài hòa, phù hợp kiến trúc, để trong tầm mắt luôn luôn là xanh mát của lá, là rực rỡ sắc hoa từ mặt đất vươn dần lên cao. Lặn trong không gian đó, con người cảm giác như tan biến vào thiên nhiên. “Thân thiện với môi trường chính là không thấy mình...”, ông triết lý. Không những thế, theo ông, phải xây dựng làm sao để mọi người thấy thoải mái chứ không phải mắc tiền là sang, bởi đã tốn nhiều tiền là thấy không thoải mái rồi. Ông ví dụ, mỗi khu biệt thự ở các dự án cao cấp thì có giá thuê khoảng 750 USD, nhưng với ông cũng từng đó phòng, từng đó diện tích và tiện ích nhưng chỉ cần tốn 1/3! Cái hơn là được hòa mình thực sự vào thiên nhiên, vào đời sống cộng đồng dân cư. Như thế mới là thân thiện, là tiện ích và thoải mái!

Đứng trưa, xuôi về Hội An, chúng tôi còn thấy dáng người phiêu diêu, mái tóc bồng bềnh của ông bay trong gió. Chạnh nhớ người chú ruột của ông - thi sĩ Bùi Giáng năm nào khi “Về Quảng Nam”, ngậm ngùi cám cảnh cũ người xưa mà bật thốt mấy vần: “Tìm người bạn cũ không ra/Còn phong cảnh cũ khác xa những ngày/... Ngắm nhìn, tim máu xôn xao/Tôi rời đất Quảng trở vào miền Nam/Tâm hồn bao xiết hoang mang/Bài thơ viết vội, dở dang lạ lùng...” (Về Quảng Nam, thơ Bùi Giáng).

Có lẽ, với Bùi Kiến Quốc, ông không thốt lên mấy vần để rồi ra đi, mà ông đã quay về quê hương, níu giữ làng quê bằng cách của mình, để cảnh cũ người xưa vẫn mãi là hiện thực...

Viện sĩ, KTS Bùi Kiến Quốc sinh năm 1944, sang Pháp năm 1951, quay về Việt Nam học tại Trường J.J. Rousseau đến năm 1961 rồi sang Pháp. Năm 1969 tốt nghiệp khoa Kiến trúc, Đại học Mỹ thuật Paris; năm 1991 được bầu vào Viện KTS Pháp. Năm 1996, ông về Việt Nam và theo đuổi các dự án bảo vệ làng quê Việt, phát triển du lịch sinh thái. Ông là con của bác sĩ Bùi Kiến Tín với thương hiệu Dầu gió bác sĩ Tín nổi tiếng. Ông cũng là em chú bác ruột với nhà thơ Bùi Giáng.

Ghi chép của NGUYỄN THÀNH



 

;
.
.
.
.
.