.

Mừng tuổi Mẹ

.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau mất mát người thân vẫn còn đọng lại trong đôi mắt của những người mẹ tiễn con ra trận. Và mãi mãi mẹ vẫn đợi con về. Trong số những người mẹ ấy có mẹ VNAH Trần Thị Sở có chồng và hai con đã hy sinh vì Tổ quốc.

Ban Chấp hành  Quận Hội đến thăm, tặng quà và trao tiền phụng dưỡng cho Mẹ VNAH Trần Thị Sở tại phường An Hải Bắc, Sơn Trà, Đà Nẵng.
Ban Chấp hành Quận Hội đến thăm, tặng quà và trao tiền phụng dưỡng cho Mẹ VNAH Trần Thị Sở tại phường An Hải Bắc, Sơn Trà, Đà Nẵng.

Mẹ sinh năm 1913, nay đã tròn 100 tuổi, trú tại phường An Hải Bắc, Sơn Trà, Đà Nẵng. Là con cả trong gia đình, đông anh em, tuổi thơ của mẹ sớm phải chịu cảnh cơ cực. Thời phong kiến nhà rất nghèo, mẹ phải sớm hôm lo việc đồng áng và buôn bán kiếm tiền nuôi gia đình. Lớn lên mẹ xây dựng gia đình với người cùng làng, ông Nguyễn Đình Huyến. Ông Huyến là một thanh niên sớm giác ngộ cách mạng. Giai đoạn 1945-1954, thực dân Pháp tăng cường chống phá cơ sở cách mạng, mẹ là cán bộ phụ nữ, ông Huyến là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã Thăng Triều (Thăng Bình). Sau năm 1954, ông Huyến được cử ở lại miền Nam tiếp tục công việc đảng giao ở Quế Sơn.

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, tại vùng quê Phú Phong (Quế Phú ngày nay), mẹ Sở đã động viên 4 người con trai tham gia cách mạng. Thời đó các phong trào của xã rất sôi nổi như thanh niên 3 sẵn sàng, phong trào quân nhân trụ bám giết giặc lập công.     Gia đình mẹ Sở lúc này là một trong những gia đình tiêu biểu của lòng yêu nước, có chồng và 4 con tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau Tết Mậu Thân 1968, Mỹ ngụy bị thất bại nặng nề ở khắp chiến trường miền Nam, chúng điên cuồng đánh phá, nhằm ngăn chặn bước tiến của lực lượng ta. Thời gian này mẹ phải nhận cái tin đau đớn đầu tiên: Người con trai thứ 4, anh Nguyễn Đình Tích, Trung úy - Đại đội trưởng E1, F2, QK5 đang cùng đơn vị chiến đấu đã anh dũng hy sinh tại Thượng Đức vào tháng 5-1968.       

Chiến tranh ngày càng ác liệt. Địch tăng cường càn quét, đánh phá. Mẹ giấu nỗi mất con vào lòng để trụ bám giữ vững phong trào. Chỉ ít tháng sau, ông Huyến, lúc này là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận đi vận động quân dân trụ bám giữ vững cơ sở cách mạng đã hy sinh vào đầu tháng 9 năm 1968 trong một lần đi công tác tại đồng Tràm quê nhà. Hai nỗi đau đến quá nhanh. Trái tim mẹ chưa kịp nguôi ngoai, lòng mẹ lại thêm một lần tan nát, khi chưa đầy 2 tháng sau, mẹ Sở lại  nhận được tin  đứa con thứ 2 anh Nguyễn Đình Cẩm - Trung úy, Phó Công an huyện hy sinh tại căn cứ Vùng Trung Quế Sơn. Thế là, trong năm 1968 ác liệt ấy, mẹ đã mất đi 3 người ruột thịt. Biết mẹ đau buồn, các đồng chí lãnh đạo địa phương thường tìm đến mẹ để động viên, an ủi, các anh Nguyễn Đình Kỹ, Nguyễn Đình Thuật - con trai mẹ dù bận công tác nhưng vẫn thường xuyên tranh thủ về thăm mẹ cho vơi đi nỗi nhớ chồng con.

Đất nước thanh bình, quê hương khởi sắc, nhưng mẹ không thể nào quên những năm tháng đau thương đó. Mẹ Sở tâm sự với chúng tôi: Các con mẹ ra đi, chừ chẳng có di ảnh để thờ, chỉ có tấm bằng Tổ Quốc ghi công để tên chúng nó, nhưng dáng hình, tính cách từng đứa mẹ nhớ như in. Thỉnh thoảng đêm về, trong mơ, mẹ thấy thằng Tích ôm mẹ nói “Mẹ có khỏe không?” rồi khoác ba lô đi liền.

Nghe mẹ kể, tim chúng tôi như  thắt lại. Chúng tôi chỉ biết chia sẻ nỗi đau này bằng lời hứa: Mẹ ơi! Đảng, Nhà nước và nhân dân không  bao giờ quên những bà mẹ có người thân hy sinh vì Tổ quốc. Mẹ chẳng bao giờ cô đơn, bên mẹ bây giờ còn có con, cháu nội, ngoại và 1.884 hội viên Hội Cựu chiến binh quận Sơn Trà nhận chăm sóc và luôn ước mong mẹ vui, khỏe để được phụng dưỡng.

Nguyễn Văn Sinh


 

;
.
.
.
.
.