.

Tình Việt ở xứ sở bạch dương

.

Dù mới kết hôn vài năm hay đã làm đám cưới từ cách đây vài chục năm, những đôi vợ chồng người Việt trở về từ nước Nga đều xem xứ sở bạch dương là một nơi thiêng liêng nuôi dưỡng tình yêu trọn vẹn của họ. Ở đó họ có những kỷ niệm đẹp, những người bạn chung, những chia ngọt sẻ bùi.

Cặp đôi Trâm Anh-Hải Trung ở Nga-nơi tình yêu bắt đầu.
Cặp đôi Trâm Anh-Hải Trung ở Nga-nơi tình yêu bắt đầu.

Tình yêu là cầu nối những miền quê

“Quê chị ở Thái Bình, quê anh ở Đà Nẵng”; “Vợ chồng chị cùng chung một chữ Quảng, nhưng một bên ở Quảng Nam, một bên ở Quảng Trị”; “Anh ở Yên Bái, còn quê Trâm Anh ở Thanh Hóa”; “Em ở Thái Bình, còn anh ấy ở Nam Định”… đó là đôi dòng sơ lược về những gia đình chồng một quê, vợ một quê, gặp gỡ, yêu nhau để cho kết quả là một đám cưới đẹp lung linh giữa những người bạn Việt, Nga và nhiều màu da, ngôn ngữ khác nhau trên đất nước Nga xa xôi. Họ đã làm một chiếc cầu nối giữa các vùng miền khác nhau của đất nước; mọi khoảng cách về địa lý, giọng nói, lối sống dường như được xóa nhòa.

Cặp đôi Thái Bình-Đà Nẵng là cô Giang Kim Liên và chồng là Nguyễn Phạm Tuyên. Năm 1988, Kim Liên nhận học bổng sang Nga, đến trường ĐH Tổng hợp Công nghệ Hóa học D.I.Mandeleev, Moskva. 19 tuổi, lần đầu tiên xa quê hương, cô không khỏi cảm giác bỡ ngỡ, nhớ nhà. Nhưng bù lại, Kim Liên nhận được tình cảm ấm áp của các anh chị sinh viên các khóa trước, trong đó có “anh chàng” đeo mắt kính có cái tên như một nhạc sĩ. Và kết cục của mối tình kéo dài 2 năm là một đám cưới giản dị. Khi hai người có con, em bé trở thành con chung – “liên hợp quốc”, được các chú sinh viên giữ, cho ăn, thay tã; hoặc hai vợ chồng chia nhau đi học, chia nhau công việc nhà. 9 năm đôi vợ chồng Kim Liên-Phạm Tuyên ở Nga là một khoảng thời gian đầy ắp kỷ niệm, hai người vừa là bạn, vừa là người yêu, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc cũng như cuộc sống. Giờ, chị dạy ở ĐH Bách khoa Đà Nẵng, anh làm ở công ty xăng dầu, sống cùng nhà với ba mẹ nhưng công việc nhà vẫn chia sớt cho nhau như ngày xưa…

Khi sang Nga năm 1999, hai bạn Nguyễn Thị Trâm Anh-Lê Hải Trung đi hai chuyến bay khác nhau, nhưng đích đến lại cùng một cư xá thuộc thành phố Voronezh. Trong số 5 sinh viên được phân về Voronezh, chỉ mình Trung là con trai, và Trâm Anh giỏi tiếng Nga nhất trong nhóm. Nên hầu như mọi giao dịch với bên ngoài như đi chợ, mua sách vở, đổi tiền… các bạn giao cho Trâm Anh, có Hải Trung đi kèm để làm… vệ sĩ. Dù Trâm Anh có “ghét” anh chàng học toán nói nhiều, cùng tuổi thì chàng cũng ngày ngày ở bên cạnh cô, gửi hết tiền bạc cho cô giữ; “gửi” luôn cô những kỷ niệm về tuổi thơ, về gia đình, về mảnh đất vùng cao Yên Bái. Và từ “ghét” chuyển sang “yêu” cũng khá nhanh, chỉ hơn 3 tháng sau ngày sang Nga, Trâm Anh “gục ngã” trước anh chàng vệ sĩ mà đi đâu hai người cũng có nhau… Thời gian 10 năm ở Nga, trong đó có 3 năm là vợ chồng, hai bạn chia sẻ với nhau từng điều nhỏ nhất và uốn nắn để có một lối sống phù hợp.   

Bắt đầu bằng những chiếc… kẹo

Quê của hai người có cùng một chữ Quảng, chị Quảng Nam, anh Quảng Trị, quen nhau vô tình qua viên kẹo me, chị Nguyễn Thị Thu kể về mối tình với người chồng Hồ Xuân Hải bằng những hồi ức đẹp như thế. Năm 1983, chị ra Đông Anh, Hà Nội chờ ngày sang Nga. Trước ngày các bạn của chị lên đường, chị còn đủ một nghìn đồng để mua 10 cây kẹo me cho các bạn, nhưng những cậu con trai ở trong quán nước lấy hết kẹo của chị. Cô gái 19 tuổi không biết làm sao nên dậm chân bắt đền chủ quán. Anh thương tình trả viên kẹo lại cho chị… Tưởng mọi chuyện dừng lại ở đó. Rồi khi sang Nga, về Nhà máy lắp ráp ô-tô AvtoVAZ, thành phố Tolyatti, chị gặp lại anh, lúc đó hai người mới biết tên nhau.

Những ngày đầu là bạn, rồi hai người chuyển sang tình yêu lúc nào không hay. Dù ở trong cùng một nhà máy, mỗi dây chuyền cách nhau 2-3 cây số, hai người lại làm việc lệch ca nhau nên mỗi tuần chỉ gặp nhau 1 lần vào ngày chủ nhật. Yêu nhau được hơn 3 năm, anh ngỏ lời cầu hôn chị, chị đồng ý dù thời hạn hợp đồng lao động gần hết. Và phải 6 tháng sau đại sứ quán mới gửi giấy tờ cho phép kết hôn đến 2 người. Một đám cưới giản dị diễn ra trong ký túc xá nhà máy. Chị Thu còn nhớ bữa tiệc có món nem rán truyền thống do các chị tự làm và những món ăn Nga. 2 tuần sau ngày cưới, chị Thu về nước, về Quảng Trị làm dâu, trong khi anh Hải còn 2 năm mới hết thời hạn hợp đồng. Và cách đây 5 năm, anh chị quyết định chọn Đà Nẵng làm nơi sống lâu dài cho mình.

Những ký ức chung, những người bạn chung

Với những cặp đôi từng yêu nhau và nên vợ nên chồng trên đất Nga, những tháng ngày đến với nhau, cùng chia nhau một cây kẹo hay chiếc khăn quàng cổ giữa mùa đông lạnh giá… đã ghi một dấu ấn không phai trong tâm thức họ. Giờ đã trở về quê hương nhưng trong câu chuyện của hai người đều nhắc về những tháng ngày cả hai cùng trải qua ở Nga đầy ắp kỷ niệm. Nói như chị Nguyễn Thị Thu thì điều đó rất quan trọng với những đôi vợ chồng, bởi họ có rất nhiều điểm chung để chia sẻ với nhau, các câu chuyện vì thế cũng không bao giờ cũ, không hề nhàm chán.

Tình yêu của họ, do đó cũng luôn tươi mới, ngọt ngào như ngày đầu mới quen. Nước Nga, ở đó đã có hàng trăm người Việt nên vợ nên chồng và bền chặt mãi mãi. Nước Nga vì thế cũng sống mãi trong tình yêu, tiềm thức của họ.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.