.
Phương hay thuốc quý

Kinh nghiệm xổ Bạch thốn trùng

.

Bạch thốn trùng (dân gian gọi là sán dây, sán xơ mít) là một loại ký sinh trùng thường gặp, nhất là ở những người hay ăn thịt heo, thịt bò nấu không chín.

Cây lựu vừa ăn quả, vừa làm cảnh, làm thuốc.
Cây lựu vừa ăn quả, vừa làm cảnh, làm thuốc.

Biểu hiện lâm sàng là hay đầy bụng hoặc đau bụng, hay lợm giọng, buồn nôn, ăn không ngon, người mệt mỏi xanh xao, thiếu máu, chóng mặt, dễ cáu gắt, có lúc đại tiện ra cả đốt sán. Để điều trị bệnh nhiễm sán, cả Đông y và Tây y đều có nhiều loại thuốc, phương thuốc khá hiệu nghiệm. Song, làm thế nào điều trị có kết quả mà lại an toàn (ít độc) và rẻ tiền nhất vẫn là một vấn đề nan giải đối với y học nói chung và đối với bệnh nhiễm sán nói riêng.

Bài này xin giới thiệu một phương thuốc kinh nghiệm xổ Bạch thốn trùng rất hiệu quả và độc đáo do cố Lương y Đặng Lự, nguyên là Chủ tịch Hội Y học cổ truyền huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, trực truyền cho tôi cách đây 20 năm.

Thành phần:

1. Nam phi tử (hột cây Chua meo): 16g;
2. Sơn binh lang (hột Cau núi): 12g;
3. Hắc sửu (hột dây Bìm bìm): 8g;
4. Xuyên luyện tử (hột Sầu đâu núi): 4g;
5. Thạch lựu căn (rễ cây Lựu): 30g;
6. Phan tả diệp (hoặc Lá muồng trâu): 12g.

Cách dùng:

Bốn vị thuốc đầu (Nam phi tử, Sơn binh lang, Hắc sửu, Xuyên luyện tử) đem phơi khô, tán bột, chia làm hai gói: một gói lớn 25g và một gói nhỏ 15g. Chọn ngày xổ sán là ngày rằm hay mồng một âm lịch (theo kinh nghiệm Đông y là ngày xổ giun sán tốt nhất). Buổi tối ngày hôm trước nên ăn nhẹ. Hai vị thuốc còn lại (Thạch lựu căn và Phan tả diệp) đem sắc với 3 chén nước để lấy 1 chén uống với gói thuốc bột lớn lúc 4 giờ sáng. Đến 6 giờ uống tiếp gói thuốc bột nhỏ với nước một quả dừa. Khoảng 15-20 phút sau thấy đau bụng cần đại tiện, ráng nín đến khi không thể nhịn được thì đi vào một cái bô hoặc chậu để dễ kiểm tra kết quả. Thường con sán cuộn tròn như một quả cầu nhỏ theo phân ra ngoài là tốt nhất (vì ra trọn cả con). Nếu sán ra đứt đoạn thì có thể phải uống thêm một liều thuốc xổ nhẹ để tống các đốt sán ra hết, hoặc chú ý để một thời gian sau xổ lại. Sau khi xổ sán xong, tắm rửa vệ sinh sạch sẽ, nghỉ ngơi vài giờ rồi ăn một tô cháo đậu xanh nấu thật nhuyễn. Đến trưa ăn cơm bình thường (trừ thức ăn cứng, rắn khó tiêu).

Điều đáng nói là tất cả các vị thuốc Nam trong bài này đều được Lương y Đặng Lự khai thác tại vùng bán sơn địa giáp ranh núi Phú Túc - Bà Nà phía tây thành phố Đà Nẵng. Riêng vị Thạch lựu căn trong bài này dùng toàn rễ lựu (cả lõi gỗ) với liều 30g chứ không dùng riêng vỏ rễ với liều lượng gấp bội (60g) như một số bài thuốc xổ giun trong các tài liệu thuốc Nam khác.

Cũng cần lưu ý, như nhiều bài thuốc xổ giun sán khác, bài này cấm dùng cho trẻ em, phụ nữ có thai và thận trọng đối với người già yếu, suy nhược nặng.

PHAN PHÚ SƠN

;
.
.
.
.
.