.

Tôi đi trong chiến dịch mùa xuân

.

LTS: “Trên những nẻo đường Kháng chiến” là cuốn hồi ký của ông Nguyễn Văn Cao (1922-2011), cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Phó Văn phòng Khu ủy Khu 5, Tổng biên tập Báo - Giám đốc Trường Đảng tỉnh Đắc Lắc... Sách do NXB Đà Nẵng phát hành tháng 9 năm 2011. Trích đoạn dưới đây ghi lại những sự kiện, những khoảnh khắc lịch sử xử lý tình huống chiến tranh của lãnh đạo Khu ủy Khu 5 mà tác giả đã tham gia và chứng kiến trong chiến dịch năm 1975 giải phóng Buôn Ma Thuột và Đà Nẵng. (*)

Cán bộ Văn phòng Khu ủy Khu 5. (Ông Nguyễn Văn Cao - thứ 2 từ phải sang).
Cán bộ Văn phòng Khu ủy Khu 5. (Ông Nguyễn Văn Cao - thứ 2 từ phải sang).

Quyết đoán sáng suốt, táo bạo

Sau 2 năm ký kết Hiệp định Paris, quân Mỹ và quân chư hầu đã rút hết về nước, thế và lực quân ngụy ngày càng suy yếu. Tháng 10-1974 Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp nhận định: “… Nếu có thời cơ thì giải phóng trong năm 1975 và quyết định chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch 1975”.

Để phối hợp và tham gia chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch, Thường vụ Khu ủy đã phân công đồng chí Bùi San, một người có nhiều kinh nghiệm công tác vùng dân tộc Tây Nguyên, lên tham gia với Bộ chỉ huy chiến dịch. Tôi được Văn phòng phân công đi theo dõi chiến dịch và giúp đồng chí Bùi San.

Tháng 1-1975, chúng tôi lên đường đi chiến dịch.

Chúng tôi có một đoàn xe con, có cơ yếu điện đài, từ cơ quan Khu ủy lên Kon Tum rồi vượt Trường Sơn lên hậu cứ của cơ quan quân sự B3 (chỉ Mặt trận Tây Nguyên). Ở rừng núi B3, nhà nào cũng có một giàn phong lan rất đẹp. Hoa tai trâu với mùi thơm ngào ngạt, hoa kiều đạm thanh nổi tiếng là hoa đẹp và được mọi người rất ưa thích, hoa thanh lan nở liên tiếp hết cành này đến cành khác, kéo dài trên 3 tháng.

Tôi biết các tướng lĩnh ở B3, nay mai đây sẽ ra chiến trận chỉ huy một chiến dịch lớn. Nhưng hôm nay các anh vẫn bình thản chăm sóc từng bông hoa, từng cành non, lá mới.

Ở hậu cứ B3 một thời gian, chúng tôi chuyển ra cơ quan tiền phương của chiến dịch. Đồng chí Bùi San đã gặp và báo cáo tình hình với  đồng chí Văn Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương được Trung ương cử vào trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch.

Tiền phương chiến dịch đóng trên bờ sông Đắk Đăm, một con sông biên giới giữa 2 nước Việt Nam và Campuchia; phong cảnh núi sông ở đây rất đẹp. Những cánh rừng khộp rộng bao la, dung trú hàng trăm lán trại. Những đêm trăng, sông núi rất thơ mộng. Nhưng ở đây kỷ luật bảo mật rất chặt. Điện đài phải để xa hàng trăm cây số, không cho địch phát hiện làn sóng điện đài của ta. Suốt nhiều đêm tôi phải lên đường truyền cho xe chạy suốt đêm ra gặp bộ phận điện đài, cơ yếu để điện báo về Khu và nhận điện của Khu. Thời gian gần đến ngày mở màn chiến dịch, đoàn chúng tôi về đóng quân bên cạnh Tỉnh ủy Đăk Lăk để thuận tiện việc chỉ đạo.

Trước chiến dịch, lực lượng B3 đã có kế hoạch nghi binh rất tài tình, kéo địch ra  Pleiku và chia cắt địch từ xa.

Chiến dịch Buôn Ma Thuột mở màn ngày 5-3. Đến 10 giờ ngày 11-3 ta chiếm lĩnh hoàn toàn thị xã. Cờ Mặt trận tung bay trên sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy ở Buôn Ma Thuột.

Thất thủ Buôn Ma Thuột, ngày 13-3 Nguyễn Văn Thiệu và một số tướng lĩnh ra họp ở Cam Ranh, quyết định rút bỏ Tây Nguyên để bảo toàn lực lượng và giữ đồng bằng duyên hải miền Trung.

Sau ngày giải phóng Buôn Ma Thuột, đồng chí Võ Trung Thành phái viên của Khu và tôi đi vào thị xã. Đêm trên đường vào thị xã, xe pháo chạy rầm rập, ánh đèn sáng rực cả núi rừng. Nhiều xe từ thị xã ra chở đầy tù binh và chiến lợi phẩm. Trong số tù binh có 2 tên đại tá tỉnh trưởng tỉnh Đăk Lăk và sư đoàn phó Sư đoàn 23.

Chúng tôi vào một thị xã vừa trải qua mấy ngày chiến trận. Một cảnh tượng hoang tàn. Cây cối đổ gãy, nhà cửa sập. Các trại lính địch đều bị phá toang. Đường phố vắng tanh vắng ngắt. Nhà nhà đều đóng cửa, giấy tờ bàn ghế vất ngổn ngang, mấy con chó vắng chủ nằm co ro bên bậu cửa. Trên các chòi canh, những anh lính trẻ măng của ta đang đứng gác. Đêm Buôn Ma Thuột trời tối đen như mực. Điện nước chưa hồi phục. Chúng tôi làm việc trong thị xã phải thắp đèn cầy, khuya ra rừng cà-phê mắc võng ngủ.

Ngày 15-3, theo chỉ đạo, tôi ra Tỉnh ủy Kon Tum để đón đồng chí Võ Chí Công vào Buôn Ma Thuột gặp đồng chí Văn Tiến Dũng. Chiều ngày 15-3, tôi ra đến Kon Tum vừa gặp đoàn ở Khu lên thì được tin địch đã rút bỏ Kon Tum. Đồng chí Võ Chí Công chỉ thị cho đồng chí Quyết - Bí thư Tỉnh ủy phải đi ngay trong đêm, đưa lực lượng vào tiếp quản thị xã.

Sáng hôm sau, không đợi đồng chí Bí thư về, đồng chí Võ Chí Công quyết định vào ngay thị xã. Tôi và đồng chí Trì, Tỉnh ủy viên Kon Tum đi tiền trạm. Vào thị xã, chúng tôi lấy được một xe Jeep của một người ngoại quốc ở Ty sắc tộc ngụy, đưa đồng chí Võ Chí Công vào thị xã.

Thị xã vắng tanh, dân bị địch bắt ép đi di tản, chỉ còn lại những người già và trẻ nhỏ. Các trại lính bị phá toang, giấy tờ mũ áo lính ngụy vất bừa bãi ra đường. Đồng chí Võ Chí Công gặp hỏi chuyện một số đồng bào và điện cho lực lượng 773 hậu cần Quân khu đưa quân vào tiếp quản thị xã.

Đồng chí Võ Chí Công quyết định vào Pleiku. Nhưng vì trục trặc đường sá, chúng tôi phải lên đường Trường Sơn để vào Gia Lai. Trong cuộc hành quân đêm, đồng chí Võ Chí Công bảo dừng lại ở một binh trạm và điện hỏa tốc về Trung ương: “Địch đã rút bỏ Tây Nguyên một tình thế mới đã xuất hiện. Đề nghị Trung ương đưa quân vào đánh giải phóng Đà Nẵng”.

Sáng hôm sau đến Đức Cơ, trên đường vào thị xã Pleiku, quận Thanh An đã giải phóng. Cờ xí rập đường, nhân dân và cán bộ tụ tập rất đông ở quận lỵ. Chúng tôi vào thị xã, chưa có một cán bộ địa phương nào có mặt. Thị xã bị địch đốt phá nhiều nơi. Trước khi rút chạy lính địch cướp tài sản của dân. Tỉnh đường ngụy cũng bị đốt phá.

Đứng trước tình hình quá khẩn trương, đồng chí Võ Chí Công điện cho đồng chí Văn Tiến Dũng: Xin không vào Buôn Ma Thuột nữa mà về Khu ngay, để lo giải phóng đồng bằng. Đồng chí nói với chúng tôi: “Lúc này mà còn lần quần ở nông thôn là bỏ lỡ thời cơ. Phải lách bỏ nông thôn, tấn công ngay vào thị xã. Được thị xã là được cả nông thôn”.

Đồng chí Võ Chí Công đã có những quyết đoán sáng suốt, táo bạo và kịp thời trong thời điểm lịch sử sôi động này.

Cuộc xuống núi cuối cùng

Ngày 25-3, sau khi Tam Kỳ, Quảng Ngãi và Huế đã giải phóng, các đồng chí Võ Chí Công và Chu Huy Mân điện hỏa tốc cho Trung ương: “Xin cho Khu 5 tấn công giải phóng Đà Nẵng với lực lượng của địa phương”.

Được đồng chí Lê Duẩn điện trả lời: “Nếu thấy đánh được thì đánh đi”. Một sự trả lời không có ý quyết định mà để cho cấp dưới tùy nghi hành sự. Khu ủy và Quân khu đã lệnh cho Sư đoàn II chuyển quân ra đánh vào Đà Nẵng và sử dụng toàn bộ lực lượng vũ trang chính trị của tỉnh Quảng Đà, tập trung tấn công và giải phóng Đà Nẵng.

Ngày 27-3 đồng chí Võ Chí Công cùng một bộ phận cán bộ, chiến sĩ của Văn phòng có điện đài, cơ yếu và lực lượng bảo vệ xuống cơ quan Tỉnh ủy Quảng Đà ở căn cứ Hòn Tàu để kiểm tra kế hoạch. Và ngay chiều tối hôm đó đã xuống núi để kịp ra tiền phương chỉ đạo cuộc tấn công. Tôi vừa ở Pleiku về cũng được quyết định cùng đi với đoàn. Cùng xuống núi Hòn Tàu với đồng chí Võ Chí Công còn có các đồng chí Hồ Nghinh, Phạm Đức Nam và một số đồng chí trong Tỉnh ủy Quảng Đà.

Cuộc hành quân đêm đi chiến dịch này có lẽ là cuộc xuống núi lần cuối cùng. Vì từ đó về sau chúng tôi không ai về lại căn cứ nữa mà ở luôn lại đồng bằng. Có chăng chỉ là những buổi về nguồn thăm lại căn cứ xưa. Hôm đó, chúng tôi đi suốt cả đêm. Trời tối đen như mực, đường nông thôn quanh co khúc khuỷu, thức khuya, đi mệt, ai cũng cảm thấy vất vả. Nhưng nghĩ tới chiến thắng ngày mai, ai cũng hăng hái, quyết tâm.

Sáng ngày 28-3, chúng tôi đã đến quốc lộ I. Xe tăng trọng pháo của ta đã chiếm lĩnh trên đường và bắn pháo vào sân bay, bến cảng không cho địch rút chạy. Địch đã thả bom phá sập cầu Câu Lâu, tất cả lực lượng ta đã nhờ dân đưa ghe thuyền chở sang sông để vào Đà Nẵng.

Chúng tôi đến đóng cơ quan tiền phương của Khu ở Thanh Quýt. Đồng chí Võ Chí Công đi gặp đồng chí Chu Huy Mân và tiền phương của Quân khu để bàn công tác.

Tối ngày 28-3 Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh vùng I chiến thuật và quân đoàn I, lâu nay hô hào tử thủ Đà ẵng, đã rút chạy ra biển để trốn thoát, bỏ lại đám tàn binh hoang mang hoảng hốt đến tột độ.

Cũng trong thời gian này, ngày 27-3, Quân khu nhận được lệnh của Bộ Tổng tư lệnh thành lập Mặt trận Quảng Đà do Thượng tướng Lê Trọng Tấn làm tư lệnh và đồng chí Chu Huy Mân làm chính ủy để phối hợp lực lượng Trung ương và địa phương tấn công Đà Nẵng.

Ở phía bắc, Quân đoàn II của Bộ, sau khi giải phóng Huế và đánh chiếm Lăng Cô đã vượt qua đèo Hải Vân đánh chiếm các vị trí ở Liên Chiểu, Nam Ô và tiến quân qua cầu Trịnh Minh Thế chiếm lĩnh bán đảo Sơn Trà. Ở phía Tây sư đoàn 304 của Bộ từ Thượng Đức đánh xuống Ái Nghĩa, quận lỵ Hiếu Đức, trường huấn luyện Hòa Cầm và tiến vào sân bay Đà Nẵng. Ở bên trong từ chiều 28-3 lệnh khởi nghĩa đã ban hành xuống các Khu phố. Lực lượng của tỉnh và biệt động tự vệ thành phố đã cùng với nhân dân nổi dậy chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của địch. Lúc 11 giờ 30 ngày 29-3 cờ Mặt trận đã tung bay trên Tòa Thị chính thành phố Đà Nẵng.

Tối ngày 29-3, một đoàn xe đưa các đồng chí lãnh đạo của Khu, của tỉnh và anh em chúng tôi vào Đà Nẵng. Khác với các thị xã Buôn Ma Thuột, Pleiku và Kon Tum, Đà Nẵng giải phóng hầu như còn nguyên vẹn. Tất cả các cơ quan, kho tàng, sân bay, bến cảng, vũ khí, khí tài, máy bay, xe cộ, v.v... đều thuộc về ta.

Đêm Đà Nẵng đèn điện sáng choang, phố xá tấp nập người đi lại. Trừ một số ngụy quân, ngụy quyền cấp cao và gia đình họ đi di tản theo địch, còn hầu hết nhân dân đều ở lại và còn đón nhận hàng vạn đồng bào ở thành phố Huế tản cư vào. Thành phố Đà Nẵng rất đông người, rất náo nhiệt vui mừng chiến thắng.

Sau khi nắm lại tình hình, đồng chí Võ Chí Công bảo điện lên đồng chí Lê Duẩn và Bộ Chính trị: “Đà Nẵng đã giải phóng rồi, tôi và anh Hồ Nghinh đang ở trong thành phố”…

NGUYỄN VĂN CAO


(*) Tít phụ  trong bài do tòa soạn đặt.

;
.
.
.
.
.