.

Xuất cảnh tránh... ô nhiễm

.

Có một thực tế là người dân có thu nhập cao ở Trung Quốc đang tính đường sang nước ngoài sinh sống vì môi trường quá ô nhiễm.

Cậu bé Wu Xiaotian đeo khẩu trang ngay cả khi ở nhà.
Cậu bé Wu Xiaotian đeo khẩu trang ngay cả khi ở nhà.

Bà Zhang là luật sư tốt nghiệp tại Anh và trở về làm việc tại Bắc Kinh. Bà cho biết, môi trường quá độc hại tới mức suốt ngày để đứa con trai 4 tuổi Wu Xiaotian trong nhà. Thậm chí phải đeo khẩu trang và chơi gần máy lọc không khí. Bà Zhang đang tính chuyện quay trở lại Anh làm việc và sinh sống.

 Trường hợp của bà Zhang không phải là cá biệt. Nhiều phụ huynh khá giả cũng như người nước ngoài đang làm việc tại Bắc Kinh đang nghĩ tới việc rời khỏi nơi đây. Một số khác lại tính tới khả năng chuyển gia đình tới những vùng được đánh giá là có môi trường trong lành hơn như Tây Tạng, Hải Nam hay Phúc Kiến. Bác sĩ Richard Saint, đến làm việc tại Bệnh viện gia đình Bắc Kinh từ 6 năm qua, cũng thừa nhận môi trường ở thủ đô Trung Quốc là thứ đáng quan ngại nhất, khiến mọi người phải suy tính. Mức độ các chất ô nhiễm gây chết người gấp 40 lần so với giới hạn cho phép ở thủ đô Bắc Kinh và những thành phố khác, buộc cha mẹ phải thay đổi lối sống cho trẻ con. Cha mẹ “nhốt” con cái trong nhà. Các trường học cũng đã hủy bỏ các hoạt động ngoài trời hay chuyến đi thực tế.

Nghiên cứu khoa học cho thấy môi trường ô nhiễm tác hại lâu dài tới trẻ em và cả thai nhi. Cụ thể là nghiên cứu của tờ New England Journal of Medicine cho biết, trẻ em hít thở trong bầu không khí ô nhiễm có thể bị tổn thương phổi mãn tính. Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học California (Mỹ) công bố tháng trước đã liên hệ giữa căn bệnh tự kỷ của trẻ em với tình trạng bà mẹ mang thai phải hít thở không khí ô nhiễm. Những trẻ em đó sau này có thể bị trầm cảm, âu lo và có vấn đề về khả năng tập trung. Một nghiên cứu ngay tại Trùng Khánh (Trung Quốc) có mức độ ô nhiễm môi trường cao vì nhà máy nhiệt điện có kết quả đáng lo ngại: trẻ em sinh ra có đầu nhỏ hơn bình thường, phát triển chậm hơn và kết quả kiểm tra về khả năng nhận thức lúc hai tuổi cũng kém hơn bình thường. Nhà máy nhiệt điện sau đó đóng cửa thì tình hình có cải thiện dần.

Môi trường sống càng tồi tệ, những người có thu nhập cao và người nước ngoài nghĩ chuyện rời khỏi Trung Quốc. Một quan chức Trung Quốc thừa nhận như vậy sẽ mất đi một số lượng lớn tiền bạc và kinh nghiệm phát triển đất nước. Báo cáo của Ngân hàng Deutsche Bank cũng cho biết chính phủ Trung Quốc cần thay đổi chính sách tăng trưởng bởi với tình hình này, mức độ ô nhiễm của đất nước đông dân nhất thế giới sẽ tăng thêm tới 70% vào năm 2025. Lúc đó, chính sách phát triển kinh tế của Trung Quốc có lẽ sẽ nhận cái giá khá đắt.

ANH THƯ (theo New York Times)

;
.
.
.
.
.