.

Biểu tượng linga trong điêu khắc Chămpa

.

Có lẽ một hiện vật Chămpa thú vị nhất nhưng cũng gây lúng túng nhất cho hướng dẫn viên du lịch và thuyết minh viên bảo tàng là chiếc linga.

Linga phát hiện tại Trà Kiệu, đang trưng bày tại Bảo tàng Chăm, Đà Nẵng.
Linga phát hiện tại Trà Kiệu, đang trưng bày tại Bảo tàng Chăm, Đà Nẵng.

Tuy chữ linga chưa hoàn toàn hội nhập vào từ vựng tiếng Việt nhưng cũng đã nhiều người dùng với một nét nghĩa là “biểu tượng bộ phận sinh dục nam”. Đối với một vài hướng dẫn viên nam dí dỏm thì đây là một nội dung thuận lợi để bắt đầu bài thuyết minh về linga thu hút sự chú ý của du khách. Nhưng những hướng dẫn viên nữ thì phải tránh bối rối bằng cách bắt đầu ngay với ý nghĩa tôn giáo của linga, đó là biểu tượng của thần Siva hoặc là biểu tượng tổng hợp của ba vị thần Hindu giáo gồm cả Brahma, Visnu và Siva.

Biểu tượng linga xuất hiện ở nhiều nền văn hóa Đông Nam Á nhưng rõ ràng là đều tiếp nhận từ văn minh Ấn Độ, nơi đã tìm thấy dấu tích của việc thờ chiếc trụ đá có hình dạng dương vật từ những thế kỷ trước công nguyên. Nhưng bắt đầu từ thế kỷ 4 sau công nguyên, khi kinh điển Hinđu giáo được biên tập và hệ thống hóa trong 18 tập Purana thì hình ảnh linga được gắn với một câu chuyện về nguồn gốc vũ trụ.

Chuyện kể rằng, một hôm trong khi thần Brahma và Visnu đang tranh luận ai sinh ra ai thì giữa mênh mông của biển vũ trụ bỗng xuất hiện một cột sáng khổng lồ mà cả hai vị thần đầy uy lực đều không thể nào nhìn thấy đâu là đầu đâu là cuối. Thần Brahma liền biến thành con ngỗng bay lên bầu trời để xem cột sáng đó cao đến đâu, thần Vishnu thì biến thành con lợn lòi lặn xuống biển để dò tìm chiều sâu của cột, nhưng rồi cả hai đều bỏ cuộc quay lại và cùng cất lời cầu nguyện cột ánh sáng vô biên siêu việt. Lúc ấy ở giữa cột sáng bỗng thấy thần Siva bước ra. Thần Siva đã giảng giải cho thần Brahma và thần Visnu rằng cái cột sáng vĩ đại đó là nguồn gốc của vũ trụ và cả ba vị thần đều là bộ phận của bản thể tối cao. Thần Brahma và thần Visnu đã nghe theo và cùng ngưỡng mộ thần Siva. Từ đó thần Siva được tôn thờ bằng biểu tượng cột đá linga. Một cột linga đầy đủ nhất là một khối hình trụ dựng đứng gồm ba phần, phần dưới có hình vuông biểu tượng cho thần Brahma với ý nghĩa là vị thần sáng lập, phần giữa có hình bát giác biểu tượng cho thần Visnu với ý nghĩa là vị thần bảo tồn, phần trên cùng có hình tròn biểu tượng cho thần Siva với ý nghĩa là vị thần tối cao vừa có quyền năng sinh sản lẫn hủy diệt.

Văn hóa Chămpa đã tiếp thu ý nghĩa của việc dựng các cột linga như một biểu tượng tôn vinh thần Siva. Một văn bia Chăm khắc vào đầu thế kỷ 10 được tìm thấy ở Hóa Quê (Đà Nẵng) đã chép những lời miêu tả và ngợi ca linga đúng như nội dung câu chuyện trong kinh truyện  Linga purana của Ấn Độ.

Linga bằng sa thạch có chạm nổi đầu thần Siva, đang bảo quản tại di tích Mỹ Sơn, Quảng Nam.
Linga bằng sa thạch có chạm nổi đầu thần Siva, đang bảo quản tại di tích Mỹ Sơn, Quảng Nam.

“Chiếc linga nguyên thủy của Người, không có đầu, không có giữa, không có cuối, được tôn kính bởi các loài hữu tình và các loài vô tình, tồn tại vì sự trong sáng của thế gian. Chiếc linga của Người là bất khả chiến bại, đem đến thịnh vượng cho mọi loài, cứu vớt tất cả chúng sinh mà không hề đòi hỏi. Chiếc linga của Người vượt qua mặt đất, bao trùm cõi trời, là một quả cầu sáng chói bao bọc bởi muôn vạn sinh linh; vẻ huy hoàng làm quy phục cả Mặt trời, Mặt trăng và các Tinh tú, ban phát vô lượng lợi lạc cho thế gian…”.

Để thể hiện chân thực hơn về sự xuất hiện của thần Siva ở giữa cột linga như trong thần thoại, ở một số linga trong các đền tháp được phủ thêm một mũ bằng kim loại quý có chạm nổi khuôn mặt của thần Siva. Mới đây, năm 2012, cán bộ Ban quản lý di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) bất ngờ phát hiện dưới lớp đất phủ bên móng tháp một linga bằng đá có chạm nổi đầu thần Siva. Đây là một linga đá có đầu thần Siva lần đầu tiên được phát hiện trong văn hóa Chămpa .

Phạm vi ý nghĩa biểu tượng của linga thật rộng lớn, từ hình ảnh chân thực là bộ phận sinh dục nam cho đến ý niệm trừu tượng về sự khởi nguồn của vũ trụ. Trong linga có cả biểu tượng của sinh sản và hủy diệt và quả thật trong cuộc sống không có sự sinh nào lại không đi kèm với sự mất và ngược lại; chính quá trình đồng hóa và dị hóa xảy ra đồng thời và liên tục đã giúp sự sống tồn tại. Linga chính là một biểu tượng đơn giản nhất để diễn đạt cái phức tạp nhất. Có lẽ vì vậy, tuy chỉ là một khối trụ tròn tạo hình tương đối đơn giản, nhưng chiếc linga đã tồn tại và được tôn vinh qua hàng ngàn năm trong nhiều nền văn hóa Đông Phương.

VÕ VĂN THẮNG

;
.
.
.
.
.