.

Bình dị Nông Quốc Chấn

.

Tôi có khoảng 20 năm làm việc dưới quyền bác Nông Quốc Chấn. Khi còn học phổ thông cấp 3 (1962) tôi đã được đọc và học bài thơ “Dọn về làng” của ông đoạt giải thưởng ở Đại hội Thanh niên, Sinh viên thế giới họp ở Berlin năm 1951. Bài thơ là một áng văn chương giản dị, đậm chất dân tộc và lạc quan trong niềm vui chiến thắng.

Từ trái sang: Các nhà thơ Nông Quốc Chấn, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông. (Ảnh Internet)
Từ trái sang: Các nhà thơ Nông Quốc Chấn, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông. (Ảnh Internet)

Nông Quốc Chấn trước hết là một nhà hoạt động văn hóa đầy tâm huyết và mẫu mực. May mắn, tôi được gần gũi ông qua công việc có thể gọi là hằng ngày. Ông phụ trách khối Văn hóa quần chúng của Bộ văn hóa. Thực sự, khối lượng công việc này rất rộng lớn, là linh hồn và sự sống còn của mọi hoạt động trong đời sống văn hóa nhân dân. Trong thắng lợi của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, có sự đóng góp một phần không nhỏ của công tác văn hóa quần chúng. Đấy là những phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, và rất nhiều đội văn nghệ xung kích, phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, chống mê tín dị đoan. Là các cuộc phát động thi sáng tác, biểu diễn văn nghệ ở khắp các địa phương mà đã phát hiện được rất nhiều tài năng nghệ thuật cho đất nước và hầu như các nghệ sĩ trở thành nổi tiếng đều đi lên từ những phong trào ấy như Trần Khánh, Thanh Hoa, Quang Thọ, Ngọc Bé, Quốc Đông, Mạnh Hà... và rất nhiều các nhà thơ, nhà văn, kể cả những cái tên nổi lên mà bây giờ người ta mới thấy có lý, đó là nhà thơ Cầm Giang và Bút Tre...

Nông Quốc Chấn là một “cây sào” đẩy con thuyền văn hóa Việt Nam vượt qua nhiều ghềnh thác và sóng gió bằng chính tình cảm và hành động của ông. Quả thật, tấm gương của ông và kinh nghiệm của ông làm bài học thực tiễn cho các tầng lớp cán bộ văn hóa ở cơ sở. Chưa bao giờ người ta thấy ông nói những lời to tát, và khi gặp vấn đề phức tạp hay khi cán bộ của mình mắc khuyết điểm thì ông tìm hướng giải quyết nhẹ nhàng với tình cảm thân ái, chính vì thế ông như “cục nam châm” thu hút bạn bầu và cán bộ cấp dưới nể trọng, tự giác phục tùng.

Ngay trong những bức thư gửi cho cấp trên hay viết cho cấp dưới, lúc nào ông cũng tìm những ngôn từ khiêm tốn và giản dị song đầy thuyết phục. Chính tôi biết lá thư của ông gửi Tổng Bí thư Đỗ Mười về việc xin thành lập “Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số” cũng rất chân tình và giản dị, chính vì thế, thư ông đã được trả lời ngay là đồng ý, và chính đồng chí Tổng Bí thư gợi ra lộ trình để từng bước tiến hành.
Ông là nhà thơ và là Thứ trưởng Bộ Văn hóa nhưng có cuộc sống rất bình dị. Nhà ông lúc đầu ở tầng 3 khu tập thể Kim Liên, sau lại chuyển về con phố cụt giáp với chợ Giời, phố Yên Bái. Ông ở lầu 2 một căn hộ hình thước thợ, nhìn hướng tây nên mùa hè nóng như rang. Mãi vài năm cuối đời, ông làm Tổng Biên tập Tạp chí Toàn Cảnh, anh em mới sắm cho ông được cái máy điều hòa nhiệt độ và cái ti-vi 21 inch của hãng JVC do Việt Nam lắp ráp.

Gần như suốt thời kỳ “làm quan” ông vẫn chỉ tiếp khách bằng bộ sa-lon gỗ gụ đã bạc phếch. Đối với ông, các hàng quán chỉ là một thứ xa xỉ. Sáng nào, trước khi đến nhiệm sở ông cũng “làm” hai bát cơm nóng với thức ăn đơn giản, có khi lại ăn cơm rang do bác gái dậy sớm chuẩn bị, có lúc vội thì “xơi” cơm nguội.

Có lần, tôi được Bộ cử đi công tác ở Tiệp Khắc, do ông ký quyết định. Trước khi đi tôi vào thăm ông đang nằm viện. Ông dặn dò và đưa cho tôi vài chục “cua-ron” (tiền Tiệp) và bảo: Sang đấy nhớ mua cái mũ nồi mà đội, cậu đội loại mũ này hợp đấy, còn thừa tiền mua cho mình cái “đùi gà” của cái ấm đun nước bị cháy để chị ấy có cái đun nước hằng ngày nhé. Tôi buộc phải cầm tiền mà thấy lòng ái ngại vô cùng, vì năm ấy lần đầu tiên được xuất ngoại chẳng biết thế nào, nhưng thôi thủ trưởng dặn thì cứ biết thế, rồi sau này tùy cơ ứng biến.

Lại lần nữa, ông bảo, tôi với anh đi mua cho thằng cháu (con anh cả) đôi giầy “bat-kết”. Thằng cháu đi học về, lếch thếch một chân giầy, một chân đất. Thì ra, mải chơi đùa cu cậu đánh mất một chiếc giầy. Ông nội đành cầm nốt chiếc giầy còn lại để cùng tôi mang ra hiệu mua đôi khác. Mua được cho cháu đôi giầy mới, tưởng ông vứt chiếc giầy cũ đi, ai ngờ ông mang về cất để “phòng” khi nó đánh mất một chiếc lần nữa, thì đã có chiếc này thay thế. Tôi thấy mình muốn tủm tỉm cười về cái tính “cẩn thận” của ông, mà sự cẩn thận ấy là cái hồn nhiên vô tư không hề tính toán của một nhà thơ đâu kém phần lãng mạn.

Người ta bảo làm “quan” ở Bộ Văn hóa, ông Chấn là một người “thiệt thòi” nhất, cũng là bởi ông chẳng bao giờ đòi hỏi, so bì với ai. Có thế nào hưởng thế ấy. Có lần đi công tác Sài Gòn, ông mang cả gói đường, hộp sữa và cà-phê trong cặp. Ấy thế mà tiện, nằm cùng phòng với ông trong nhà khách Bộ ở Sài Gòn, sáng nào ông cũng dậy sớm pha cà-phê và cho tôi uống cùng, chả mấy khi ra hiệu. Cứ đi công tác ở đất “phồn hoa đô hội” này thì đâu có tốn.

Quả thật bài thơ của Xuân Sách nói về Nông Quốc Chấn trong cuốn “Chân dung nhà văn” thật oan cho ông, và không chính xác, không đúng 100%, bởi tôi biết, chưa bao giờ ông “giành nhà” hoặc hưởng thụ xa hoa như thơ Xuân Sách nói. Nông Quốc Chấn lúc mất cũng yên lặng như chính sự lặng lẽ của đời ông, mà ngay cả gia đình cũng bất ngờ.

Trước khi mất vài tháng, ông còn bảo tôi: Hôm nào rảnh rỗi, anh dẫn tôi và nhà tôi đi ăn bánh tôm Hồ Tây nhé. Từ ngày về Hà Nội đến nay, bà nhà tôi chưa một lần được biết Hồ Tây. Thế đấy, anh em chưa kịp hẹn nhau trọn nghĩa tình thì anh ấy đã vội đi xa, thế là cái quán bánh tôm Hồ Tây ấy vẫn còn đây mà không bao giờ có cơ hội nữa để đón vợ chồng nhà thơ xuất sắc của dân tộc Tày đến thưởng thức bánh tôm và một lần bà lão được ngắm Hồ Tây như ước nguyện thật đơn giản như những gì đơn giản nhất của đời ông…

Nông Quốc Chấn, nhà văn người dân tộc Tày, tên thật là Nông Văn Quỳnh, sinh ngày 18-11-1923 tại Ngân Sơn, Cao Bằng, mất ngày 4-2-2002. Ông là người dân tộc thiểu số đầu tiên “mang hơi thở núi rừng Tây Bắc vào thi ca”. Ông được xem là cánh chim đầu đàn của những người cầm bút các dân tộc thiểu số. Ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đợt II.

TRẦN TRƯƠNG

;
.
.
.
.
.