Sau thảm họa sóng thần - hạt nhân tháng 3-2011, Nhật Bản có quỹ đặc biệt lên tới hơn 100 tỷ yen để giúp đỡ nạn nhân vượt qua khó khăn bằng cách tạo việc làm mới. Sau hơn hai năm, báo chí nước này phát hiện một khoản tiền lên tới hàng chục tỷ yen bị sử dụng sai địa chỉ, tức là được sử dụng ở những vùng không bị ảnh hưởng bởi sóng thần.
Thảm họa sóng thần năm 2011. |
Báo Asahi Shimbun tiết lộ, số tiền sử dụng sai mục đích đó rơi vào những chuyện như xuất bản hướng dẫn nhà hàng, công bố linh vật cho một địa phương, thậm chí được sử dụng vào chương trình… khuyến mãi pho-mát và rượu vang. Có tới 97% số người tìm được việc làm từ quỹ hỗ trợ này không hề sống trong vùng bị ảnh hưởng sóng thần. Asahi đưa ra con số chỉ có 2.000 trên tổng số 65.000 người có việc làm mới sống trong vùng bị ảnh hưởng.
Một “điển hình” về việc sử dụng ngân quỹ sai mục đích là chuyện dùng tiền hỗ trợ việc làm vào công việc bảo tồn rùa biển. Các quan chức quận Kagoshima (cách 1.000km về hướng tây nam của vùng biển bị ảnh hưởng) chi ra 3 triệu yen để trả lương cho 10 người làm công việc đếm rùa biển khi nó lên bờ như một phần việc trong việc bảo tồn sinh vật này. Asahi dẫn lời một người làm công việc đếm rùa biển cho biết rất nhàn hạ, thậm chí họ không được yêu cầu di chuyển trứng tới nơi an toàn, tức là kế hoạch bảo tồn chỉ nửa vời.
Tiết lộ của tờ Asahi làm cho Chính phủ của Thủ tướng Abe thực sự bối rối. Người phát ngôn Chính phủ Yoshihide Suga nói với các nhà báo rằng những thông tin của Asahi sẽ được điều tra. Một khi có kết quả điều tra, Chính phủ sẽ có những biện pháp chắc chắn hơn trong việc sử dụng quỹ. Asahi đưa ra suy đoán rằng có thể các địa phương đã lợi dụng quỹ này để tạo việc làm chung cho mọi người chứ không nhắm tới đối tượng đặc biệt (bị ảnh hưởng sóng thần).
Nên nhớ trong buổi lễ kỷ niệm năm thứ hai thảm họa Fukushima vào tháng 3-2013 vừa qua, thống kê vẫn còn cho thấy có hơn 300.000 người sống trong nhà tạm và nhiều người chưa tìm được việc làm mới. Thủ tướng Abe trước đó cũng hứa sẽ tăng ngân sách tái thiết Fukushima, giúp nạn nhân nhanh chóng tìm việc làm mới.
An toàn lao động ở lò phản ứng hạt nhân Fukushima. Cách đây không lâu, tạp chí Châu Á-Thái Bình Dương xuất bản bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Sumi Hasegawa về những khó khăn trong công việc của người lao động tại trung tâm Fukushima. Có hơn 3.000 công nhân lau chùi làm việc liên tục tại khu vực bị phá hủy ở Fukushima. Hai năm sau thảm họa hạt nhân, cuộc tranh luận vẫn chưa kết thúc về điều kiện làm việc. Họ nhận lượng phóng xạ rất cao nhưng tất cả đều không bao giờ được kiểm tra sức khỏe xem liệu có thể tiếp tục làm việc nữa hay không? |
ANH THƯ (Theo The Guardian)