Ngày nay, mỗi năm có hàng mấy trăm cuộc triển lãm nghệ thuật châu Phi được tổ chức trên thế giới. Các nhà bảo tàng, phòng bày bán tác phẩm nghệ thuật và những nhà sưu tập tư nhân ở Paris, New York, hay ở Tokyo đua nhau mua các bức tượng nhỏ, những tranh tượng mẹ con hay mặt nạ của châu Phi. Trong những cuộc bán đấu giá lớn trên thế giới, nhiều tác phẩm nghệ thuật ấy giành được hàng triệu đô-la Mỹ.
Trước đây, các nhà truyền giáo đến châu Phi đã vứt các tượng và mặt nạ này, cho rằng, đó không phải là tác phẩm nghệ thuật, nhưng về sau, những mặt nạ và tượng gỗ ấy được bán với giá tiền rất cao. |
Sự hâm mộ nghệ thuật châu Phi mới có gần đây, trong đầu thế kỷ XX. Trước đây, những bức tượng, mặt nạ ấy do các nhà thám hiểm, truyền giáo và các nhà dân tộc học mang về từ châu Phi không được xem là tác phẩm nghệ thuật. Người ta cho đó là những vật thờ được chạm trổ một cách thô thiển. Mỗi lần người châu Âu bắt gặp những vật thờ này, họ ném vào lửa. Các nhà truyền giáo thì đốt chúng nhằm ngăn chặn việc thực hiện các lễ tế truyền thống mà họ cho là “dã man” và cũng để phát triển Thiên chúa giáo trong người bản xứ.
Thời bấy giờ ở châu Âu cũng như ở châu Phi, các nghệ sĩ khó được thừa nhận. Những họa sĩ vẽ tranh thánh, những nhà điêu khắc trang trí các nhà thờ La Mã, nhà thờ trung đại chỉ được xem như những thợ thủ công. Người ta cho rằng các nhà điêu khắc mặt nạ thờ cúng tổ tiên cũng chỉ làm công việc như các thợ làm đồ gốm, thợ dệt vải, thợ đan lát. Nhưng nghệ thuật khác hoàn toàn với nghề thủ công cho dù các nghệ sĩ có làm việc trong những cơ sở nghèo nàn đi chăng nữa. Làm một cái cuốc, nồi niêu hay dao rựa không cần nhiều trí tưởng tượng, mất nhiều thời gian. Nhưng tạc tượng hay làm mặt nạ, cần đầu tư nhiều thời gian, có khi phải hàng mấy tuần lễ mới hoàn thành được một tác phẩm điêu khắc “nói chuyện” với chúng ta, làm cho chúng ta xúc động qua sự biểu thị của tác phẩm.
Ở châu Phi có nghệ thuật thiêng liêng và nghệ thuật trần tục. Phần lớn các bức tượng hay mặt nạ ở châu Phi không cần phải đẹp hay được nhiều người chiêm ngưỡng mà đó là những vật thiêng liêng để tham dự các nghi lễ tôn giáo, theo thuyết vật linh mà chỉ vài người am hiểu mới có quyền tham dự những lễ ấy. Người ta cho rằng tổ tiên, ông bà hay các vị thần linh ở trong những bức tượng hay mặt nạ ấy. Còn trong nghệ thuật trần tục thì có những tác phẩm để làm đẹp những người sử dụng chúng (như đồ trang sức chẳng hạn...) hoặc để tán dương quyền lực của các vị vua chúa, tù trưởng.
Nghệ thuật châu Phi còn thể hiện ở kiến trúc, âm nhạc và khiêu vũ. Ngoài việc giải trí, thông thường âm nhạc, khiêu vũ được sử dụng trong các tế lễ tôn giáo, chủ yếu trong các đám tang và các nghi lễ nhập môn. Trong thời xa xưa, ở châu Phi có cả một nhà thờ Hồi giáo làm hoàn toàn bằng đất (nhà thờ Djenne ở Mali) và nhiều công trình đồ sộ như vậy cũng được làm bằng đất. Phong cách nghệ thuật châu Phi biến đổi theo khu vực. Người ta phân biệt nghệ thuật trảng cỏ và nghệ thuật rừng rú. Các sáng tác ở vùng đồng cỏ ít màu sắc và ít chi tiết còn ở vùng rừng núi, gần rừng núi thì các tác phẩm diễn cảm và có tính hiện thực mạnh hơn.
Vào đầu thế kỷ XIX, người ta còn xem người châu Phi là những người quê mùa, nguyên thủy, man rợ do vậy mà họ không có nghệ thuật. Một số nghệ sĩ châu Âu, như danh họa Paul Gauguin, phản đối ý tưởng đó và cho rằng cái gọi là nền “văn minh” châu Âu không cao hơn nền văn minh của những người hoang dã, nguyên thủy. Hơn nữa, Gauguin khẳng định: “Tôi là một người hoang dã” và năm 1891, Gauguin đã đến sống ở Tahiti để sáng tác để làm những điều mới, để về với cội nguồn.
Quan niệm ấy mở ra một con đường mới nhưng phải đến gần hai thập kỷ sau, năm 1907, khi danh họa Pablo Picasso đến thăm Bảo tàng Dân tộc học ở Paris, ông ta bị đảo lộn lúc nhìn thấy các tác phẩm của châu Phi và tìm ra ở đây một vẻ đẹp mới: trường phái lập thể (Cubisme). Picasso liền sáng tác “Các cô nàng ở Avignon”, mở đầu cho trường phái lập thể, trường phái được bắt nguồn từ nghệ thuật châu Phi. Từ đó, bạn bè của Picasso như Braque, Matisse đều công nhận các tượng nhỏ, mặt nạ châu Phi là những tác phẩm nghệ thuật.
Không chỉ ở lĩnh vực điêu khắc mà một khi cải tiến nền âm nhạc theo hướng hiện đại hơn thì lục địa đen đã đi đầu trong phong trào đổi mới này, đưa ra những phong cách được cả thế giới làm theo. Hiện nay, phần lớn các câu lạc bộ khiêu vũ ở châu Âu, châu Mỹ... người ta khiêu vũ trên nền nhạc của châu Phi (“black” - antillaise, jazz...).
PHẠM NGỌC CỪ
(Theo Les arts africains của Tổ chức hợp tác văn hóa và kỹ thuật)