Sinh ra và lớn lên tại một xóm lao động nghèo nằm sâu trong con hẻm nhỏ đường Điện Biên Phủ, hai anh em Lê Hoàng Anh (sinh viên năm 4 khoa Công nghệ thông tin, ĐH Sư phạm Đà Nẵng), Lê Anh Tiến (sinh viên năm 4 khoa Điện tử viễn thông, ĐH Bách khoa Đà Nẵng) khiến nhiều người phải xuýt xoa vì thành tích học tập đáng nể. Với óc sáng tạo tuyệt vời, họ lần lượt cho ra đời những mô hình, phần mềm tin học được các nhà khoa học đánh giá cao…
Hai anh em cùng với những chiếc huy chương đoạt được trong các cuộc thi sáng tạo trẻ. |
Đích danh “con nhà nghèo học giỏi”
Mẹ bán nước ở vỉa hè, kết hợp dán giấy thuê cho các cơ sở hàng mã. Ba làm tài xế xe khách. Nhà 24m2 là nơi cả gia đình sinh sống. Đó là những gì Tiến giới thiệu về gia đình em. Những chia sẻ của Tiến dường như rất ngắn so với bản thành tích cá nhân dài kín 2 trang giấy A4 của hai anh em mà Tiến đã gửi cho tôi từ trước. Trong đó phần lớn là tên các tác phẩm sáng tạo, những giải thưởng trong và ngoài nước mà hai anh em sinh đôi Lê Hoàng Anh, Lê Anh Tiến nhận được thời gian qua.
Ngay từ khi còn nhỏ, mỗi sáng, mỗi chiều, chỉ cần rảnh giờ nào là hai anh em lại chạy ù ra chỗ má bán nước để vừa giúp má, vừa thỏa sức ngắm phố phường và dòng người qua lại. Tiến bảo, cuộc sống gia đình khó khăn đã mang lại cho hai anh em suy nghĩ phải học thật giỏi để sau này có điều kiện báo hiếu ba má. Kết quả của những năm tháng tự học, tự bảo ban nhau là những bằng khen, giấy khen dán kín trên 4 mảnh tường loang lỗ trong ngôi nhà nhỏ hẹp, trở thành niềm tự hào của ba mẹ Tiến giữa xóm lao động nghèo.
Nuôi mơ ước sáng tạo từ năm lớp 10, khi đang học ở Trường THPT Thái Phiên, Anh và Tiến bắt đầu tạo ra sản phẩm đầu tay của mình là phần mền tin học “Tìm đường ngắn nhất”, đoạt Giải khuyến khích Tin học trẻ không chuyên thành phố Đà Nẵng năm học 2005-2006. Tiếp đó là Huy chương đồng cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh-thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần 3, năm lớp 11 với phần mền “Từ điển sinh vật”… Suốt những năm sau đó, hầu như năm nào hai anh em cũng nhận được giải thưởng từ những sáng tạo của mình. Đặc biệt hơn, năm 2012, phần mềm “Hệ thống nhận dạng vân tay” của hai anh em vượt qua nhiều đối thủ nặng ký đến từ các quốc gia khác trên thế giới để đoạt Huy chương vàng tại Triển lãm sáng tạo khoa học công nghệ trẻ quốc tế tại Đài Loan. Trước đó một năm, sản phẩm này cũng đã giành Huy chương bạc cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh-thiếu niên-nhi đồng toàn quốc lần 7 (VIFOTEC).
Đạt nhiều thành tích khá ấn tượng, nhưng ít ai biết rằng, trong quá trình thực hiện nhiều sáng chế trẻ, hai anh em Anh, Tiến vấp phải rất nhiều khó khăn. Ban đầu là tài chính, sau đó là thời gian và kiến thức chuyên môn. Lê Anh Tiến cho biết: “Phần lớn thời gian chúng em tập trung cho việc học ở lớp nên thời gian dành cho sáng tạo rất ít. Khi chưa có máy tính, hai anh em thường đến các nhà sách để “đọc ké”. Em quan niệm “sách là thầy”, chính nhờ đọc sách đã giúp em mở mang rất nhiều kiến thức về công nghệ thông tin”.
Sau những giải thưởng ban đầu của hai anh em, cả gia đình gom góp tiền dành dụm mua một máy tính để bàn đã qua sử dụng. Hoàng Anh cho biết, chiếc máy ấy đã cùng hai anh em “chiến đấu” và đem về những thành tích cao. Tuy nhiên, chỉ một năm sau máy tính hỏng. Phải mất rất lâu sau đó, Anh và Tiến mới dành dụm tiền từ các giải thưởng để mua lại chiếc máy khác phục vụ công việc nghiên cứu của mình.
Lê Anh Tiến (hàng đầu, thứ 3 từ phải qua) cùng người anh trai song sinh và các bạn trong CLB Sáng tạo trẻ TP. Đà Nẵng. |
Cùng nhau khởi nghiệp
Hoàng Anh và Anh Tiến đã nhận được nhiều giải thưởng từ các cuộc thi sáng tạo dành cho thanh-thiếu niên-nhi đồng toàn quốc (VIFOTEC). Nhưng VIFOTEC chỉ dành cho học sinh từ 6 – 19 tuổi, nên sau khi hết tuổi dự thi, Anh và Tiến bắt đầu tìm kiếm các cuộc thi khác để thỏa mãn niềm đam mê khoa học của mình. Đó cũng là lý do đưa hai anh em đến với Giải thưởng Hồ Nghinh thông qua CLB Sáng tạo trẻ thành phố Đà Nẵng và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng.
Thông qua CLB Sáng tạo trẻ, nhiều ý tưởng sáng tạo của Anh, Tiến sẽ được tài trợ kinh phí, đăng ký bản quyền cũng như phát triển để ứng dụng vào đời sống thực tế. Đặc biệt, với những phần mềm sáng tạo có tính ứng dụng cao, sẽ được Công ty TNHH TecViet (thuộc CLB) thương mại hóa và đưa ra thị trường.
Như một thói quen, mỗi khi tiếp cận với một phần mềm mới, hai anh em lại bỏ thời gian tự học ngôn ngữ lập trình để vận dụng vào công việc của mình. Đến nay, một số phần mềm sáng tạo đoạt giải của Anh và Tiến được phổ biến rộng rãi trong trường học cũng như trên thị trường như Từ điển sinh học, phần mềm Vui học đến trường, phần mềm Gõ phím dành cho người khuyết tật. Lê Anh Tiến khá tự tin khi cùng CLB Sáng tạo trẻ TP. Đà Nẵng sáng lập ra TecViet, xây dựng trên mô hình “Vườm ươm doanh nghiệp”, hoạt động về lĩnh vực phầm mềm công nghệ và thiết kế web. Đây được xem là những bước đệm cần thiết để Lê Hoàng Anh và Lê Anh Tiến tiếp tục nuôi dưỡng đam mê, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm có tính ứng dụng rộng rãi, góp phần xây dựng Đà Nẵng là thành phố công nghệ cao trong thời gian đến.
HUỲNH LÊ