Quan niệm về họ hàng sao cho đúng đắn là một vấn đề không đơn giản. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường, trong một chương trình trên VTV1 năm 2003, nói rằng chính vấn đề dòng họ gây ra bao chuyện tiêu cực ở nông thôn đã thôi thúc ông viết nên tác phẩm đặc sắc “Mảnh đất lắm người nhiều ma”.
Trước kia, trong bài viết “Thiếu quê hương” in trong tập “Đời hoa” (NXB Hội Nhà văn, 1999), tôi viết về nỗi thắc mắc của một người mẹ rằng con bà sống gắn bó với bên ngoại từ nhỏ, chưa hề về thăm quê cha một lần, vậy mà trên mọi bản khai lý lịch “theo mẫu quy định” đều phải ghi quê quán theo người cha. Quả là bất bình đẳng và coi khinh nữ giới!
Lễ giỗ tổ ở một dòng họ. |
Chưa hết, vẫn còn những khía cạnh, do chúng ta quen nghĩ theo nếp tự ngàn xưa, nên ít khi suy xét cho thấu đáo. Ông Nguyễn Văn, một người nghiên cứu sinh học ở nước ngoài, trong thư viết cho tôi đặt vấn đề: “Quan niệm về gia tộc của chúng ta có lỗi thời lắm không?”. Ông nêu dẫn chứng như khi đọc tiểu sử một danh nhân Việt Nam, ta thường thấy nói đến cụ tổ bốn hay năm đời đến lập nghiệp ở một vùng nào đó lập nên một dòng họ mới; như vậy mặc nhiên chỉ cụ ấy là tổ duy nhất của vị danh nhân. Cũng như khi nói đến gia phả của một người nào, chúng ta hay bảo người ấy thuộc về họ Nguyễn hay họ Lê. Làm như các họ khác không có liên hệ gia tộc gì với đương sự hết. Có quan niệm như thế vì trọng nam khinh nữ (“nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” - một con trai xem như đã có, mười con gái vẫn bằng không); một phần cũng do thời xưa không biết nhiều về sinh lý và di truyền, nên cho rằng trong việc sinh đẻ, người cha truyền khí huyết cho người mẹ; người mẹ nhận lấy nuôi dưỡng thành đứa con (“cha sinh mẹ dưỡng”, có nghĩa là khí huyết của đứa con hoàn toàn thuộc người cha). Ngày nay, khoa sinh học đã cho chúng ta biết người mẹ cũng đóng góp một phần tương đương với người cha trong việc tạo thành một đứa con. Nói cách khác, đứa con sinh ra, một nửa thuộc về họ người cha, một nửa thuộc về họ người mẹ.
Nhưng ông Nguyễn Văn chưa dừng lại ở đó. Ông đề nghị chúng ta thử đi ngược lên một thế hệ nữa, nếu mẹ của người cha (bà nội) thuộc họ Lê và mẹ của người mẹ (bà ngoại) thuộc họ Phạm thì ta thấy ngay từ thế hệ ấy đã có 4 họ đóng góp vào việc cấu tạo nên huyết thống của người con. Giả như người cha họ Nguyễn, người mẹ họ Trần thì người con đó là con cháu của 4 họ Nguyễn - Lê - Trần - Phạm, có bà con với tất cả những người trong 4 họ kể trên chứ không chỉ bà con với một dòng họ Nguyễn! Theo cách tính này, cứ tính ngược lên một đời thì số họ có quan hệ bà con tăng lên gấp 2, 4, 8, 16, 32, 64, v.v… Và như vậy, có thể nói, trên một địa bàn cố định, hầu hết mọi người đều bà con với nhau, trừ những người mới đến nhập cư. Do đó, cách lập gia phả theo một dòng họ như lâu nay vẫn làm rõ ràng là khiếm khuyết vì mới chỉ cho ta biết bà con trong dòng họ đó mà thôi; hơn nữa, nó có thể có hại, gây chia rẽ, nếu quá đề cao một dòng họ này và xem thường những dòng họ khác… Cũng từ quan niệm này, nên không thiếu trường hợp quỹ học bổng hay quỹ cứu trợ chỉ xét cấp cho người trong một dòng họ, trong khi người bên cạnh xứng đáng hơn (và thực ra cũng là bà con cả) lại không được đoái hoài đến.
Ý kiến ông Nguyễn Văn nêu lên quả đã gợi ra một vấn đề lý thú, nó cung cấp kiến thức giúp thay đổi nếp nghĩ cũ, ít ra cũng giảm bớt sự độc tôn dòng họ người cha khi nói đến một con người.
Nhưng mặt khác, chính là vì bàn đến con người - sản phẩm kỳ diệu của tạo hóa - nếu chỉ đơn thuần dựa vào cách phân tích rành rẽ như toán học, thiết nghĩ chưa hẳn đã hết nhẽ. Và xét đơn thuần về khoa học di truyền, các nhà sinh học tuy đã chỉ ra đứa con sinh thành từ “nửa mẹ nửa cha” hợp lại, nhưng ai đã dám nói chắc hai nửa ấy là cân bằng trong việc tạo nên tính cách và cả thể chất của người con? Và như thế, các con số “2, 4, 8, 16, 32, 64…” theo cách tính của ông Nguyễn Văn không hoàn toàn chính xác, nhất là xét về “chất”. Chưa ai dám khẳng định phần nửa khí huyết của người cha có ảnh hưởng vượt trội hơn người mẹ trong việc tạo nên phẩm cách của một con người (hoặc ngược lại) nhưng chỉ dựa vào “cơ chế” thụ thai (trong một tháng, người mẹ chỉ có thể thụ thai trong một ngày, còn người cha thì - nếu “được phép” có thể “giúp” hàng chục phụ nữ thụ thai; như vua Minh Mạng, tương truyền mỗi đêm “chấm” 5 bà nên có câu “nhất dạ ngũ giao tam hữu tử” - một đêm 5 lần ân ái, 3 lần có con) đã có thể khẳng định là hai “nửa” ấy không cân bằng nhau.
Đó là chưa nói đến mối quan hệ xã hội, nền nếp sinh hoạt theo truyền thống dân tộc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến phẩm cách một con người. Thông thường, người ta vẫn trưởng thành lên từ quê hương bên nội, sống trong vòng tay người thân bên nội, nên xưa nay đa phần thiên hạ lấy họ bên nội cũng có cái lý của nó. Tất nhiên cũng có trường hợp con lấy theo họ mẹ, khi người mẹ - do một hoàn cảnh nào đó, không muốn cho con biết cha nó là ai.
Xã hội ngày nay biến động nhiều, nhất là ở thành thị, một con người trưởng thành không nhất thiết gắn với bên nội, nên theo tôi, cách ghi “họ kép” bao gồm cả họ cha lẫn họ mẹ là hợp lý hơn cả. Với quan niệm trên, có lẽ các bản lý lịch cũng nên thay đổi mục “quê quán” thành “quê cha” và “quê mẹ” thì đầy đủ và đúng đắn hơn.
Vấn đề quan niệm về họ tộc quả là điều đáng bàn. Thay đổi một nếp nghĩ quen thuộc đã bao đời là rất khó, nên thiết nghĩ cần phải tạo thành dư luận xã hội, không phải để mỗi người “đeo” vào trước cái tên của mình một chuỗi họ có liên hệ, mà để có một nhãn quan rộng rãi hơn về họ hàng thân thuộc, để ý thức rằng thân mình mỗi chúng ta và cả phẩm cách nữa không chỉ mang huyết thống dòng họ của bố mà còn của mẹ, của bà nội, bà ngoại, cố nội, cố ngoại… nghĩa là có phần đóng góp của nhiều dòng họ khác. Từ đó, những tiêu cực và hiềm khích ganh tỵ giữa các dòng họ sẽ bị loại trừ và mọi người sẽ giúp đỡ lẫn nhau không phân biệt dòng họ để toàn thể xã hội cùng tiến bộ.
NGUYỄN KHẮC PHÊ