.

Du lịch biển Đà Nẵng: Viên gạch nhỏ xây thương hiệu lớn

.

Cách đây hơn 10 năm, Đà Nẵng mới thực sự chú ý đến tiềm năng du lịch biển mà thành phố này đang có ưu thế. Phải mất nhiều năm sau đó, từ chỗ chỉ dành cho việc đánh bắt ngư nghiệp, phục vụ người dân địa phương, biển Đà Nẵng dần trở thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách trong và ngoài nước…

Nét quyến rũ trên biển Đà Nẵng. (Ảnh do BQL Bán đảo Sơn Trà cung cấp)
Nét quyến rũ trên biển Đà Nẵng. (Ảnh do BQL Bán đảo Sơn Trà cung cấp)

Mở hướng đi mới

Năm 2005, Tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn biển Đà Nẵng là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Đây được xem là kênh PR tuyệt vời thu hút khách du lịch đến với thành phố. Nhưng mãi đến đầu năm 2010, biển Đà Nẵng mới thực sự được đánh thức sau khi UBND thành phố đồng ý phê duyệt Đề án Quản lý và Khai thác các bãi biển du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là Đề án 1584) với tổng kinh phí gần 4,6 tỷ đồng. Đề án được thực hiện trong 2 năm, 2010 và 2011, từ Sao Biển đến Khu nhà tắm nước ngọt số 1. Nguồn kinh phí này tập trung vào việc sắp xếp, quản lý các khu thể thao trên biển, xây dựng trạm điều hành, thiết lập đường dây nóng, lắp đặt thêm 6 nhà vệ sinh công cộng, hệ thống biển báo, bảng hướng dẫn, trồng cây xanh nâng cấp vỉa hè, bố trí thêm 100 ghế đá ở công viên ven biển, quy hoạch các bãi giữ xe, khu tắm nước ngọt…

Việc điều tra, khảo sát để từng bước thực hiện các hạng mục của đề án cũng nêu ra nhiều thiếu sót, hạn chế về tiện ích công cộng và dịch vụ du lịch bãi biển mà Đà Nẵng đang mắc phải. Đó là phương tiện cứu hộ còn thô sơ, chưa đồng bộ, tình trạng bán hàng rong, ốc hút, vui chơi thể thao không đúng quy định vẫn còn diễn ra. Chưa kể, rác thải tràn lan trên bãi biển mỗi buổi sáng do không thu gom kịp gây phản cảm với nhiều du khách. Công tác an ninh trật tự chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, nhắc nhở nên không giải quyết triệt để các hành vi vi phạm…

Nhìn thấy hạn chế và từng bước khắc phục là những gì Đà Nẵng đang làm để mở ra hướng đi mới cho du lịch biển Đà Nẵng. Tại Hội thảo “Các ý tưởng xây dựng TP. Đà Nẵng” lần 2 tổ chức ngày 12-7 vừa qua, có nhiều ý kiến của chuyên gia, nhà làm du lịch đề xuất, góp ý cho việc phát triển du lịch biển tại thành phố này. Tại hội thảo, TS KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đã đề xuất nhiều ý tưởng được xem là “quá sức” nhưng không kém phần hấp dẫn. Theo ông, Đà Nẵng cần có trung tâm du thuyền quy mô lớn, phù hợp với điều kiện địa hình, cảnh quan để phục vụ khách du lịch như Osaka (Nhật Bản), Marseille, Monaco (Pháp), Rotterdam (Hà Lan)..., kết hợp xây dựng đảo nhân tạo trên Vịnh Đà Nẵng. Cũng theo ông Chính, việc xây dựng cảng du thuyền sẽ làm tăng tính hấp dẫn và là yêu cầu cần thiết của đô thị du lịch biển mà Đà Nẵng đang có nhiều ưu thế.

Một tháng trước đó, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cũng thực hiện chương trình “Cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch” năm 2013 cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố. Cơ sở đạt chuẩn phải cam kết cung cấp dịch vụ du lịch tốt nhất cho du khách, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và cùng nhau hợp tác để kích cầu du lịch, nhằm thu hút du khách đến Đà Nẵng trong thời gian tới.

Muốn lớn, phải đi từ nhỏ

Chưa đủ thực lực để sánh bằng Nha Trang (Khánh Hòa), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Mũi Né (Bình Thuận) về các dịch vụ thể thao trên biển nhưng Đà Nẵng đã làm được những “vấn đề nhỏ ấn tượng” tạo sự hài lòng cho không ít du khách khi đến tắm biển tại đây. Giữa tháng 7, anh Nguyễn Anh Tuấn (Hà Nội) cùng gia đình vào Đà Nẵng tắm biển chia sẻ, trước khi chọn Đà Nẵng thực hiện chuyến du lịch mùa hè cho cả gia đình, qua tìm hiểu, anh được biết biển Đà Nẵng rất an toàn, ít xảy ra tình trạng đuối nước. Ngoài ra, rất nhiều người bạn của anh khi du lịch tại đây chẳng may để quên vật dụng đắt tiền như điện thoại, ipad, máy ảnh đều được người làm công tác giữ gìn an ninh trên bãi biển gửi trả lại. Đó là lý do anh rất muốn đến Đà Nẵng mùa hè năm nay.

Thông tin từ BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, vào mùa hè, trung bình mỗi ngày có khoảng 40.000 lượt khách đổ về tắm biển. Khách đông, kéo theo sự vất vả của đội cứu hộ và đội quản lý trật tự du lịch biển (thuộc BQL). Vào giờ cao điểm, lực lượng trực ban liên tục huýt còi cảnh báo, ra hiệu cho người tắm trở vào nơi an toàn, tránh vùng nước sâu, nước xoáy.

Anh Nguyễn Quốc Vinh, đội trưởng đội cứu hộ cho biết, từ năm 2009 đến nay, biển Đà Nẵng chưa để xảy ra tình trạng du khách chết vì đuối nước dù không hiếm trường hợp bị sóng cuốn ra xa. Trung bình mỗi năm, lực lượng cứu hộ ứng cứu khoảng 300 trường hợp gặp nguy hiểm khi đang tắm biển. Bên cạnh đó, không ít du khách đến Đà Nẵng tắm biển cùng gia đình, xuống nước cùng nhau, nhưng khi lên bờ thì chẳng thấy con đâu mới hoảng hốt đi tìm vì không biết con mình đang ở dưới nước hay trên bờ. Nhận được tin báo, đội quản lý trật tự nhanh chóng lấy đặc điểm nhận dạng, thông báo trên loa phát thanh rồi phân nhau đi tìm theo từng khu vực. Đơn cử trường hợp mới đây nhất, vợ chồng chị Nguyễn Thị Lan Hương (TP. Hồ Chí Minh) cùng đoàn mải mê tắm biển tại khu vực biển Phạm Văn Đồng đã để thất lạc cô con gái 3 tuổi. Vợ chồng chị hốt hoảng, nước mắt ngắn dài chạy đến trạm điều hành nhờ các đồng chí đang trực ban tìm giúp. Giữa bãi biển đông người, sau 15 phút nỗ lực tìm kiếm, kết hợp phát thông tin trên hệ thống loa phát thanh chưa đạt kết quả thì có một người phụ nữ tốt bụng đã bế cháu bé đến trạm điều hành giao cho đồng chí trực ban. Lúc đón con gái tại trạm, chị Hương xúc động chỉ biết khóc và rối rít cảm ơn.

Thông qua hệ thống loa phát thanh và đường dây nóng, từ đầu năm đến nay, lực lượng cứu hộ đã tìm kiếm thành công 500 trẻ thất lạc bố mẹ khi tham gia tắm biển. Đặc biệt, mô hình loa phát thanh trên bãi biển Đà Nẵng được xem là đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này trên cả nước. Anh Nguyễn Đức Vũ, Trưởng phòng Tổ chức sự kiện và Vận động tài trợ, BQL Bán đảo Sơn Trà và Các bãi biển du lịch Đà Nẵng chia sẻ, để từng bước thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng, việc hoàn thiện các dịch vụ du lịch biển là rất cần thiết. Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung củng cố những ưu thế mà biển Đà Nẵng đang có, trước khi tiếp tục phát triển những hạng mục, công trình mới nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu du khách.

Điều du khách quan tâm

Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2013, Đà Nẵng đã đón 1,5 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhiều du khách Hà Nội khi được phỏng vấn đều trả lời vào Đà Nẵng chỉ với lý do tắm biển do biển ở đây sạch sẽ và an toàn, ít có tình trạng chặt chém. “Bên cạnh bãi biển sạch sẽ, tôi ấn tượng Đà Nẵng vì có hệ thống loa phát thanh dành riêng cho bãi biển. Chúng tôi được nghe thông báo những quy định lẫn giá cả các dịch vụ, mặt hàng đang kinh doanh tại đây. Nếu xảy ra tình trạng chặt chém, chúng tôi được hướng dẫn phản ánh tại đường dây nóng sẽ được giải quyết. Thế nhưng hầu như chẳng bao giờ tôi phải nhờ đến đường dây nóng vì các anh, chị bán hàng ở đây rất dễ thương, có khi còn cho tôi ký gửi đồ để thoải mái đi tắm biển”, chị Ngô Thị Nguyệt Minh, du khách đến từ Vĩnh Phúc cho biết.

Khác với các bãi biển du lịch khác trong cả nước, tại Đà Nẵng, hầu hết trên các bảng hiệu của người kinh doanh đều ghi hai thông tin chính: giá cả và số điện thoại đường dây nóng. Cũng theo anh Nguyễn Đức Vũ, tất cả những trường hợp sai phạm về giá cả được phản ánh về Ban, sau khi xử lý từ 3 lần trở lên, chúng tôi sẽ kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động tại bãi biển, nhường vị trí đó cho hộ khác có nhu cầu. Do vậy, rất hiếm khi xuất hiện tình trạng chặt chém xảy ra.

Cách đây không lâu, sau khi nhận được phản ánh của một số du khách về trường hợp khi đi băng qua bãi tắm nước ngọt bị thu tiền oan, BQL đã yêu cầu các chủ bãi tắm phải dựng các bảng thông báo ngay trước bãi tắm, hướng dẫn những người không sử dụng dịch vụ tại bãi tắm thì ra biển bằng các con đường mở bên cạnh. Anh Frank, du khách người Anh, đang du lịch tại Đà Nẵng cùng cô bạn gái tên Julia chia sẻ: “Khi đến Đà Nẵng, chúng tôi rất thích sự yên tĩnh, lịch sự và quy củ tại đây. Ngoài giá cả dịch vụ khá rẻ, việc có những biển báo chỉ dẫn trên bãi biển khiến chúng tôi hoàn toàn yên tâm vì biết mình phải làm gì, làm như thế nào để không gặp phải những phiền toái trong thời gian tắm biển và tắm nắng tại bãi biển”.

Tuy việc khai thác, sử dụng và quản lý biển ở thành phố thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra nhưng với “tuổi đời du lịch” còn rất trẻ, chắc chắn biển Đà Nẵng còn nhiều cơ hội để thực hiện ước mơ trở thành thị trường du lịch bền vững. Để làm được điều đó, cần có sự phối hợp hiệu quả giữ các đơn vị liên quan mà cụ thể là các ngành du lịch, văn hóa, tài nguyên, môi trường, quy hoạch đô thị, từng bước xây dựng thương hiệu biển Đà Nẵng quen thuộc và gần gũi trong lòng du khách.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.