.

Mới đó đã mười năm

1. Mới đó đã mười năm kể từ khi Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo nhận thức của người Đà Nẵng thì văn kiện lịch sử này chính là sự định hướng của những nhà lãnh đạo cao cấp của quốc gia đối với việc Đà Nẵng sẽ đi lên, đi tới ở tầm vĩ mô như thế nào, đặt Đà Nẵng trong tương quan với các tỉnh miền Trung và với cả nước ra sao, từ đó mà đề ra cho Đà Nẵng những yêu cầu gì trong quá trình phát triển. Không phải đây là lần đầu đất Hàn được những nhà lãnh đạo cao nhất của quốc gia định hướng phát triển trong tương quan chung cả nước. Từ đầu thập niên 70 thế kỷ XV, Lê Thánh Tông từng nhìn đất Quảng bằng cái nhãn quan vĩ mô này: khi đặt tên vùng đất vừa mới thuộc về quyền lực của Nhà nước Đại Việt là Quảng Nam - mở rộng về phương nam, nhà vua đã định hướng phát triển cho đạo thừa tuyên thứ mười ba trong tương quan với mười hai đạo thừa tuyên còn lại, trực tiếp là với đạo thừa tuyên Thuận Hóa - phương nam đây là phía nam Thuận Hóa đồng thời là phía nam Đại Việt. Định hướng phát triển cho đất Quảng lúc đó cũng chính là định hướng phát triển cho đất Hàn sau này, bởi ngay thời điểm 1472 đất Hàn vẫn còn thuộc đạo thừa tuyên Thuận Hóa nhưng đến đầu thế kỷ XVII - đời Nguyễn Hoàng, đất Hàn đã được sáp nhập vào trấn Quảng Nam (1), chính thức cùng với cả đất Quảng trở thành trạm trung chuyển và là bàn đạp vững chắc cho công cuộc Nam tiến của dân tộc.

2. Và đến đầu thập niên thứ nhất thế kỷ XXI, cũng bằng cái nhãn quan vĩ mô ấy, Bộ Chính trị lại một lần nữa định hướng phát triển Đà Nẵng “trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính-viễn thông và tài chính-ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh của khu vực miền Trung và cả nước” (2). Và do đặc điểm hình thể nước ta kéo quá dài theo hướng Bắc - Nam nên với tư cách một trong những đô thị lớn của cả nước, một thành phố trực thuộc Trung ương - đô thị loại 1, Đà Nẵng mười năm trước đây còn được hình dung là một cực phát triển mới bên cạnh hai cực phát triển - và chỉ hai cực mà thôi - trong hơn phần tư thế kỷ là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Có điều việc Đà Nẵng trở thành một cực phát triển mới trong ba cực phát triển của đất nước không tách rời việc Đà Nẵng trở thành một trung tâm phát triển của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Có thể nói nếu Đà Nẵng ngày nay không làm tròn vai trò trung tâm phát triển của khu vực miền Trung và Tây Nguyên thì khó có thể làm tròn vai trò cực phát triển mới của đất nước, bất kể danh nghĩa thành phố trực thuộc Trung ương hay đô thị loại 1 hay danh nghĩa gì đi nữa.

3. Vậy cần hiểu vai trò trung tâm như thế nào? Trước hết trung tâm là không bao giờ được đơn độc trong quá trình phát triển. Trung tâm chắc không thể tràn lan, chỗ nào cũng là trung tâm, song trung tâm rõ ràng không thể, nói đúng hơn, khó có thể chỉ là một địa phương nào đó. Và như vậy trung tâm là phải có cả sức thu hút lẫn sức lan tỏa. Đương nhiên thu hút và lan tỏa không chỉ với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nhưng trước tiên phải là với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Nói cách khác, Đà Nẵng ngày nay sẽ trở thành một cực phát triển mới trong ba cực phát triển của đất nước không chỉ bằng nội lực của chính mình, điều đó đã đành, mà còn là và quan trọng hơn là bằng sức mạnh của cả miền Trung và Tây Nguyên. Cho nên nhìn lại mười năm Đà Nẵng sau Nghị quyết số 33-NQ/TW, cần phải đánh giá xem Đà Nẵng đã làm được những gì để tạo nên cả sức thu hút lẫn sức lan tỏa của một trung tâm, để khắc phục cái yếu kém từng được nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW: “Vai trò trung tâm, sức lan tỏa, lôi kéo các tỉnh lân cận và các tỉnh Tây Nguyên còn hạn chế” (3)? Đơn cử như việc hoa hồng, hoa ly, tranh thêu X.Q, trà Ô Long… của Đà Lạt đang được người tiêu dùng Đà Nẵng ưa chuộng - tức đã có sức thu hút - nhưng dường như hải sản tươi sống của Đà Nẵng vẫn chưa có chỗ đứng trong thị hiếu tiêu dùng của người Đà Lạt và người Tây Nguyên - tức vẫn chưa có sức lan tỏa. Không chừng ăn tôm vẫn tươi và mực vẫn tươi trong không khí se lạnh của cao nguyên có thể sẽ càng thú vị và điệu nghệ. Muốn vậy đương nhiên Đà Nẵng phải có nhiều sức lan tỏa hơn nữa (4).

4. Một trung tâm còn cần phải đi tiên  phong trong việc tạo nên sự khác biệt. Trước hết là sự khác biệt trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Khi đặt vấn đề Đà Nẵng sẽ “là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính-viễn thông và tài chính-ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ của miền Trung”, hẳn là Bộ Chính trị muốn nhấn mạnh yếu tố dịch vụ trong cơ cấu kinh tế sắp tới của cả Đà Nẵng. Tuy nhiên về lộ trình đưa dịch vụ lên tuyến đầu thì Nghị quyết số 33-NQ/TW chỉ nêu: “Có kế hoạch và bước đi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nay đến năm 2010 theo hướng cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, sau năm 2010 chuyển sang cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp”. Ở đây vấn đề có ý nghĩa về mặt khoa học là thời điểm đưa dịch vụ lên vị trí số một, giữ vai trò hàng đầu trong cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng có nhất thiết phải là sau năm 2010 không? Hay có thể xuất phát sớm? Thật ra sớm hay muộn hơn, nhanh hay chậm hơn thời điểm 2010 hoàn toàn phụ thuộc vào việc ngay từ khi có Nghị quyết số 33-NQ/TW, người Đà Nẵng làm dịch vụ, đúng hơn là chuẩn bị mọi tiền đề để phát triển dịch vụ theo một tầm cao mới, một chất lượng khác hẳn như thế nào. Và về cơ bản Đà Nẵng đã làm được như vậy. Nếu chọn trong Nghị quyết số 33-NQ/TW một số mục tiêu cụ thể mà Đà Nẵng phải về đích sớm thì có lẽ mục tiêu mà Đà Nẵng về đích sớm nhất chính là đã đưa dịch vụ lên tuyến đầu ngay từ giữa nhiệm kỳ Đại hội XX Đảng bộ thành phố - năm 2008. Chính sự khác biệt này cho phép Đà Nẵng thực hiện mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW: “Phấn đấu trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020” bằng cách của riêng mình: sẽ góp phần vào diện mạo Việt Nam - nước công nghiệp với vị thế một Đà Nẵng - thành phố dịch vụ/thành phố công nghiệp có công nghệ cao.   

5. Khác biệt ở đây còn là khác biệt về cơ chế phát triển. Mười năm trước, Bộ Chính trị đã “bật đèn xanh” cho Đà Nẵng: “Thành phố có phương án trình Chính phủ phê duyệt thí điểm thực hiện một số cơ chế mới đối với những vấn đề mà thực tiễn thành phố đặt ra nhưng chưa có quy định hoặc đã quy định nhưng không còn phù hợp” (5). Tiếc là Đà Nẵng đã chưa tranh thủ hoặc tranh thủ chưa đến nơi đến chốn lợi thế này suốt một thập niên qua. Nói chung Đà Nẵng mới dừng ở việc phát hiện từ thực tiễn một số vấn đề “chưa có quy định hoặc đã quy định nhưng không còn phù hợp”, cao hơn mức nữa là tự mình quy định hoặc quy định lại một vài vấn đề cho phù hợp với thực tiễn, dẫn đến hiệu quả không cao thậm chí có khi không nhận được sự ủng hộ cần thiết của cấp trên. Đơn cử như đi đôi với việc tiếp tục trải thảm đỏ đón người tài, tiếp tục thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao - đồng nghĩa với việc khuyến khích nhập cư vào thành phố đối với những người có năng lực và tâm huyết đóng góp công sức xây dựng thành phố ngày càng văn minh hiện đại và trong nhiều trường hợp là bao gồm cả vợ con họ, thời gian qua Đà Nẵng dự kiến không giải quyết nhập cư vào khu vực trung tâm/nội thành một số đối tượng rất hẹp như người có nhiều tiền án tiền sự, người không có việc làm, không có nhà ở… Tuy nhiên do Đà Nẵng không giống Hà Nội vừa có Luật Thủ đô “chống lưng”, nên giải thích về chủ trương hạn chế nhập cư thế nào thì trong khi chưa điều chỉnh luật vẫn cứ được xem là phạm luật.

6. Ngày càng có cơ sở để xác định Đà Nẵng là thành phố cảng biển - thành phố cảng biển chứ không chỉ là thành phố biển. Nghĩa là lợi thế so sánh của Đà Nẵng vừa ở cảng lại vừa ở biển. Nhiều nơi chỉ có cảng chứ không có biển, cảng nằm xa biển. Ngược lại nhiều nơi có biển mà không có cảng, hoặc có cảng nhưng cảng không sâu, không kín gió, không có bề dày lịch sử hàng trăm năm như cảng Đà Nẵng. Cũng có nghĩa một trong những thế mạnh của Đà Nẵng sẽ là kinh tế biển. Không phải ngẫu nhiên mà trong tầm nhìn 2020, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã thay mặt cả nước đòi hỏi thời gian đến Đà Nẵng phải ra sức “khai thác tiềm năng kinh tế biển” (6). Nhưng càng không phải ngẫu nhiên mà ở đây kinh tế biển của Đà Nẵng chỉ được hình dung dưới dạng tiềm năng. Cho nên người Đà Nẵng ngày nay cần phải nghĩ tiếp nhiều chuyện lắm, cần phải làm tiếp nhiều việc lắm mới có thể phát triển đúng mức thế mạnh về kinh tế biển của một vùng đất từng có nhiều kinh nghiệm trên lĩnh vực này; mới có thể nhanh chóng thoát khỏi tình trạng - nói một cách hình ảnh là - tiến ra đại dương mênh mông bằng những chiếc thuyền thúng vừa nhỏ nhoi vừa mỏng mảnh; mới có thể đối diện đương đầu với những tranh cướp - chứ không phải tranh chấp - chủ quyền trên biển, với những hành động của ai đó coi thường công pháp quốc tế và tình hữu nghị giữa các nước láng giềng.

BÙI VĂN TIẾNG


(1) Xem thêm Bùi Văn Tiếng, Đà Nẵng – nhìn từ Vọng giang đài, in trong sách Khát vọng miền Trung, Nxb. Lao Động, 2006, trang 229-234.

(2) Trích Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

(3) Như dẫn trên.

(4) Xem thêm Bùi Văn Tiếng: Rừng núi dang tay nối lại biển xa..., Báo Đà Nẵng số ra tháng 12 năm 2009.

(5) Trích Nghị quyết số 33-NQ/TW.

(6) Trích Nghị quyết số 33-NQ/TW.

;
.
.
.
.
.