.

Như lời tri ân

.

Sân trường đỏ rực màu phượng vĩ. Những cây phượng tháng ngày chắt chiu nhựa sống để lại cháy hết mình mỗi khi hạ sang. Sắc hoa nồng nàn, cháy bỏng gợi nhắc trong lòng những ai đã từng đi qua quãng đời áo trắng nỗi nhớ cồn cào về một thời hoa đỏ.

Phượng hồng trên trang lưu bút. 							        Ảnh: V.T.L
Phượng hồng trên trang lưu bút. Ảnh: V.T.L

Ai trong chúng ta hẳn cũng đã từng ít nhất một lần phiền lòng về thế hệ học trò hôm nay. Có lẽ những tác động của đời sống vật chất hiện đại khiến các em sống thờ ơ và vô tình, thậm chí chai sạn trước những rung động tinh tế của cuộc sống, của số phận con người. Các em có thể bỏ ra hàng giờ để lên mạng, lướt web nhưng có thể các em không dành trọn được năm phút để ngắm một chiếc lá rụng, một áng mây trôi.

Vậy nên, khi cầm tập bài sáng tác của các em gửi về tham gia cuộc phát động của nhà trường hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường THPT Thái Phiên, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng. Một con số không hề nhỏ nói lên sự hưởng ứng nhiệt tình của các em: hơn 450 bài thơ, gần một trăm bài văn xuôi và một số thuộc thể loại khác đã được tuyển chọn ở các lớp.

Sáng tác của các em viết về nhiều đề tài khác nhau, có em chia sẻ những kỷ niệm tuổi thơ, những tình cảm về quê hương, gia đình, những dòng ngợi ca về thành phố thân yêu hay những trải nghiệm, suy tư già dặn về cuộc sống, nhưng chiếm số lượng đông đảo nhất vẫn là những dòng viết về thầy cô, mái trường và những kỷ niệm tuổi học trò. Chúng tôi chưa tìm ra những bài viết thật sự xuất sắc, nhưng có một điểm chung rất dễ nhận thấy đó là bài viết nào cũng dạt dào cảm xúc. Có lẽ khi chạm đến được miền yêu thương trong sâu thẳm tâm hồn, thì từng câu chữ, dòng thơ cũng bật lên một cách tự nhiên, dung dị như chính hơi thở, tiếng nói hằng ngày của các em vậy.

Có đọc những sáng tác của các em mới cảm nhận hết được những tình cảm gắn bó mà các em dành cho ngôi trường thân yêu này. Cũng dễ hiểu thôi, bởi thầy cô, mái trường và bạn bè chính là mái nhà, là gia đình thứ hai của các em, là nơi các em gắn bó và trải qua những kỷ niệm của một thời hoa mộng - quãng thời gian đẹp nhất của đời người.

Ta bắt gặp ở đây những cảm xúc của các em ngày đầu bỡ ngỡ bước vào mái trường Thái Phiên đầy mơ ước, ngày đầu tiên được khoác lên mình tà áo trắng tinh khôi để thấy mình đã lớn. Và rồi, cái bỡ ngỡ ban đầu qua đi, để đến một ngày các em chợt nhận ra: “Ngôi trường ngày nào ấy/ Là một phần trong tôi” (Phạm Quách Tường Vi – Mãi trong tôi ngôi trường ấy).

Ở đó lưu giữ giùm các em những kỷ niệm trong sáng tuổi học trò, là cái nắng chói chang, những cơn mưa rào bất chợt hay sân trường với hoa phượng đỏ rực cả một khoảng trời. Là đám bạn thân với những trò nghịch quái chiêu, là những lần ngủ gục, ăn vặt trong lớp bị cô phạt, là những khi phát hiện ra thầy cô mình cũng thật tâm lý và xì-tin ghê gớm, là nụ cười má lúm đồng xu, là những rung động trong trẻo, ngọt ngào buổi ban đầu…

Bởi thiết tha, gắn bó nên con người, cảnh vật nơi đây đều trở thành những kỷ niệm yêu thương, thành niềm day dứt, tiếc nuối của những học sinh khối 12 trong giây phút chia xa: “Không ai không cảm thấy tiếc… Cái cảm giác bồi hồi lúc chia xa, thật nhớ, nhớ thật nhiều… Nhớ ghế đá, nhớ hàng phượng vĩ thân quen, nhớ dãy hành lang, nhớ sân trường đầy nắng… Nhớ lời thầy, cô; nhớ những lúc không thuộc bài và cả các con điểm yếu, kém; nhớ không thể nào quên những lúc quậy phá với biết bao trò tinh quái của tuổi “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba... học trò”, nhớ tà áo dài trắng tinh khôi trong vóc dáng nhỏ bé của những cô bạn học…”. (Đặng Phước Hậu - Tháng năm).

Hay là những bâng khuâng, lưu luyến trong buổi học cuối cùng: “Ngày cuối cùng đến lớp/ Gửi mến yêu lại trường/ Sau này ai có nhớ/ Trở về tìm vấn vương”. (Xuân My - Chia tay).

Và cảm động hơn cả là trong những dòng cảm xúc thân thương ấy luôn in đậm bóng dáng của thầy cô - những người lái đò tận tụy trên dòng sông tri thức. Có thể nói những tình cảm chân thành đó là món quà quý giá nhất các em dành tặng các thầy cô giáo - những người có đóng góp không nhỏ vào thành công trên đường đời của các em: “Nay cầm bút vò đầu suy nghĩ/ Viết bài thơ dâng tặng lên thầy/ Những vần thơ ngượng ngạo, thơ ngây/ Nhưng chan chứa tình người thầy dạy” (Hoàng Văn Tuấn - Bài thơ tặng thầy).

Mỗi một người đi qua thời áo trắng đều lưu giữ trong mình kỷ niệm về thầy cô, từng câu nói, từng lời giảng như một bài học cuộc sống để làm đầy thêm hành trang của các em trên đường đời: “Bụi phấn xôn xao/ Trong lời giảng ấm nồng tình cô giáo/ Và trong tim chúng em/ Có một màu/ Phấn trắng yêu thương”. (Hồ Thị Châu - Bụi phấn).

Là học trò ai cũng mong thời gian nghỉ hè để được vui chơi, để khỏi học bài, nhưng em Nguyễn Đình Anh Thư lại bày tỏ những tâm sự chân thật của em trong bài viết của mình: “Vì nhớ cô đôi lúc/ Em không mong mùa hè”.

Hồn nhiên và cảm động biết bao! Những dòng thơ mộc mạc, chân thành đó như là một lời tri ân sâu sắc của các em gửi đến thầy, cô giáo. Những tình cảm trong sáng, những kỷ niệm một thời, mong các em sẽ luôn trân trọng và phong giữ nó. Rồi mai này các em sẽ lớn khôn, đôi cánh ước mơ sẽ đưa các em đến với nhiều chân trời mới, những gì của hôm nay sẽ là chốn yêu thương để tâm hồn các em tìm về nương náu giữa chênh chao cuộc đời. Bởi các em đã dành cho nơi đây rất nhiều những yêu thương.

Và bởi tôi tin các em không phải là những vị khách sang sông hững hờ.

TRƯƠNG THỊ MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.