.

Học trò trường huyện

.

Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hùng Dũng, trong một phát biểu mới đây liên quan đến chất lượng bóng đá trẻ, nhìn nhận rằng mô hình hoạt động của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal JMG đáng để học tập.

Thừa nhận VFF cho đến nay hãy còn lúng túng trong việc tìm ra mô hình hoạt động cho Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, ông Dũng cho rằng sắp tới bóng đá Việt Nam nên học cách làm bóng đá trẻ của HAGL để đào tạo thế hệ cầu thủ tương lai. “Chớ có sĩ diện! Thấy ai giỏi hơn mình thì cần phải học theo!”, nhân vật thứ hai của cơ quan điều hành nền bóng đá nước nhà quả quyết.

Lứa cầu thủ của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG đang luyện tập. (Nguồn: baomoi.com)
Lứa cầu thủ của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG đang luyện tập. (Nguồn: baomoi.com)

Nếu ví Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF đặt tại Hà Nội là trường cấp thành phố - thậm chí thành phố trực thuộc Trung ương, tọa lạc ngay chính thủ đô - thì cái học viện lẻ loi ở phố núi kia xứng đáng là ngôi trường cấp huyện quanh năm đìu hiu quạnh vắng. Còn thấp hơn cả cấp huyện nữa vì đây chỉ là ngôi trường được dựng lên bằng công sức của một doanh nghiệp. Học trò của trường huyện, như trong một bài thơ của thi sĩ Nguyễn Bính, không xênh xang áo mão, chỉ lặng thầm mài miệt ngày hai buổi cắp sách đến trường, đâu dám đua đòi bay nhảy hoặc trịch thượng ta đây. Họ chuyên chú say mê học tập, bình dị hồn nhiên với tháng ngày thơ mộng như hình ảnh “những buổi học về không có nón nên phải đội đầu chung một lá sen tơ”.

Không xa hoa, phù phiếm, không chạy theo những giá trị ảo của căn bệnh hình thức, trường huyện HAGL-Arsenal JMG âm thầm xây cho mình không gian trong lành nuôi dưỡng và chắp cánh cho bao tâm hồn thơ trẻ. Học trò của trường, vì thế, say mê học tập, không chỉ học đá bóng mà, quan trọng không kém, còn học làm người. Thầm lặng trau dồi tài nghệ, rèn luyện nhân cách, họ nép mình trong cảnh vắng vẻ của phố huyện và chỉ trình diện với đời qua những kỳ thi. Công chúng hầu như chỉ biết đến họ qua ngôi á quân giải bóng đá U-19 Đông Nam Á vừa rồi và chiếc vé dự vòng chung kết giải bóng đá U-19 châu Á sau khi toàn thắng ở vòng đấu bảng.

“Học bạ” của từng học trò trường huyện có nhiều dấu son, nhất là khi đã được công chứng bằng những cuộc tỉ thí sòng phẳng trên đấu trường quốc tế. Nhưng quan trọng không kém - cũng là điều khiến công chúng hài lòng nhiều hơn - là những điểm mười về phẩm hạnh của lứa cầu thủ trẻ. Dễ dàng tìm thấy trong họ tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản”, một ý thức rằng cái đẹp của sân cỏ phải bao hàm cái đẹp về lối ứng xử trên sân bóng và trong quan hệ giữa người với người. Khán giả tìm thấy niềm vui khi xem họ thi đấu, cùng hân hoan với chiến thắng và buồn đau vì thất bại. Vào lúc sân cỏ nước nhà đánh mất chỗ đứng trong lòng công chúng vì đủ chuyện tầm phào, chính các học trò trường huyện này trở thành chiếc phao níu kéo tin yêu, làm hồi sinh nhiều khát vọng chân chất về một tương lai sánh vai ngang ngửa với bè bạn.

Cái hồn của học trò trường huyện bàng bạc trong từng trận đấu, gần gụi mà sống động, lặng lẽ mà ấm nồng cảm hứng. Nhưng từ đây, vì thế, xuất hiện một nỗi lo từ phía công chúng nhiệt thành: Các lứa học trò rồi sẽ rời trường huyện để đến với cuộc đời rộng lớn nhưng không thiếu cạm bẫy, bất trắc ngoài kia; liệu họ có đủ độ miễn nhiễm với các căn bệnh dễ lây truyền bao năm rồi làm hao mòn cơ thể bóng đá nước nhà? Phố huyện có thể sẽ không tiêu điều như trong thơ của thi sĩ vì nghe nói trường huyện bắt đầu chiêu sinh nhiều khóa mới. Nhưng “chút nhụy hờ” từ hương sen từng ấp ủ những tâm hồn bóng đá thơ trẻ trinh nguyên liệu có theo họ đến cùng để dệt thành những giấc mơ cao hơn, thánh thiện hơn cho bóng đá Việt Nam?

ĐÌNH XÊ
 

;
.
.
.
.
.