Một lần đến nhà tôi, thấy mấy cây cối xay đứng ở góc vườn, lương y Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch Hội Dược liệu thành phố Đà Nẵng liền đọc: “Phạm phòng thì có cối xay/ Buồn phiền mệt nhọc trị hay vô cùng”.
Cây cối xay - Abutilon indicum. Ảnh: P.C.T |
Không biết có phải vì cái “chứng lạ” kia không, mà câu ca đã rạch một đường hằn trên bộ óc của tôi, khiến tôi không thể không chú ý “trên mức bình thường” đến cái cây thuốc vốn mọc hoang khắp nơi chi xứ, từ bờ bãi, mé vườn, đến vệ đường, ngõ xóm.
Cây cối xay, còn gọi là giằng xay (không lầm với cây ngọt nghẽo - Gloriosa superba có độc, cũng có nơi gọi là giằng xay), vì có quả giống hệt cái thớt trên của cối xay lúa bằng tre ngày xưa. Cả người Trung Hoa, có lẽ có cùng kiểu tư duy nông nghiệp như ta nên cũng gọi cây cối xay là... cây cối xay, tất nhiên theo ngôn ngữ của họ, tức là 磨盤́草 - ma bàn thảo (ma là cái cối đá - theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu thì phải đọc âm má mới đúng nghĩa này, bàn là mâm hay thớt, còn thảo là cây vậy). Về cái tên ma bàn thảo, trong một bộ sách dược liệu nổi tiếng của Việt Nam, tên chữ Hán viết kèm rất rõ ràng nhưng tác giả trong một tích tắc sơ ý đã hạ bút phiên âm là ma mãnh thảo (do chữ bàn 盤́ na ná chữ mãnh 艋 chăng?), khiến cho không ít người đã vô tư “bé cái nhầm” sai theo suốt mấy chục năm mà không hay biết.
Trở lại với bài thuốc nói trên, lương y Dũng cho biết nam nữ mới ốm dậy, hoặc đang ốm, mệt nhọc mà sinh hoạt vợ chồng, sau đó thấy người mệt mỏi, buồn phiền, ăn không tiêu, đầy hơi, da vàng, bụng trên trướng lên, bụng dưới nóng ran, khó thở,… Đông y gọi là chứng phạm phòng, để kéo dài rất nguy hiểm. Nên dùng độc vị cây cối xay 50g sắc uống, vài ba thang sẽ khỏi. Bài thuốc kinh nghiệm này lương y Dũng đã chữa cho nhiều bệnh thành công nên rất lấy làm tâm đắc. Khi hỏi về xuất xứ bài thuốc, lương y Dũng cho biết đã đọc được trong một cuốn sách thuốc nhưng vì quá lâu không còn nhớ tên sách là gì.
Vốn ưa “uống nước tận nguồn”, tôi đã để tâm tìm kiếm suốt mấy năm ròng, tra trong nhiều sách thuốc cổ kim, từ Tuệ Tĩnh, Lãn Ông, đến Đỗ Tất Lợi, Võ Văn Chi... đều không thấy. Cuối cùng, cũng đã tìm thấy bài thuốc trong mục “Phòng thất” (tức phạm phòng) tại trang 345 sách Y lược Giải âm Tạp chứng của Tạ Phúc Hải soạn thuật, in tại Hà Nội năm 1931. Nguyên văn sách này giới thiệu rất nhiều bài thuốc bắc, thuốc nam chữa chứng phạm phòng, tùy người tùy chứng mà áp dụng, như đoạn cuối viết “chứng (phạm) phòng chậm phát dùng Bình vị tán, khí hư dùng Tứ quân tử thang, huyết hư dùng Tứ vật thang đều gia Ngũ linh chi 2 đồng (8g), Nhân trần 2 đồng (8g). Hựu phương (hoặc dùng phương): Lá cối xay 1 lạng (40g) sao vàng, Bẹ mèo cau 5 đồng (20g) sao vàng, cùng sắc nước uống”.
Như vậy bài thuốc nam sách nêu ngoài lá cối xay còn có thêm bẹ mèo cau (còn gọi meo cau, tức bẹ bọc hoa cau còn non).
Chúng tôi sẽ nói thêm về những ứng dụng khác của cây cối xay vào kỳ sau.
PHAN CÔNG TUẤN