.

Gánh nước giếng quê thơm thảo

.

Chuyện được một lần hạnh ngộ với đêm giao thừa ở Làng Mai (nước Pháp), hay là các tu viện khác ở Mỹ, Đức, Úc, Thái Lan, Hồng Kông, với tôi quả thực là chuyện chỉ có thể ở trong những giấc mơ.

Ấy vậy mà cái giấc mơ ấy, trong dịp Tết Quý Tỵ (2013) vừa qua, đã dẫn đường tôi góp mặt trong buổi Thiền sư Nhất Hạnh cùng với Tăng đoàn Làng Mai quây quần với nhau tại Xóm Mới bình thơ đón giao thừa. Nói cho chính xác hơn, là thơ tôi có mặt chứ không phải con người thịt xương bụi bặm của mình. Đấy là một bài thơ có tên “Khúc quê” tôi đã đăng trên một tờ báo Tết nào đó, đã có duyên lành lọt vào cái nhãn quan thi sĩ của thầy, để có dịp ngân lên một khúc quê nhà giữa Làng  Mai. Chẳng những thế, mà qua Internet trực tuyến còn được đến với các tu viện ở nhiều nước khác.

Giếng nước, bụi tre, một đặc trưng của vùng quê. Ảnh: Internet
Giếng nước, bụi tre, một đặc trưng của vùng quê. Ảnh: Internet

Bình thơ đón giao thừa là một nét đẹp trong các sinh hoạt văn hóa truyền thống suốt từ nhiều năm nay ở Làng Mai. Chủ đề bình thơ đón Tết Quý Tỵ vừa qua, Thiền sư Nhất Hạnh chọn chủ đề “Bếp lửa hồng”, bình một số những bài thơ và nhạc của các tác giả: Phạm Duy, Phạm Thế Mỹ, Nhất Hạnh, Nguyễn Nhã Tiên và Xuân Tiên. Đặc biệt thầy Nhất Hạnh đã dành phần nhiều thời lượng nói về âm nhạc của cố nhạc sĩ Phạm Duy.

Cái chất giọng văn hiền như tâm tình của mẹ nói với con của thầy đã làm tôi bồi hồi xao xuyến. Dường như gần một nửa thế kỷ xa quê, giong ruổi vạn dặm khắp mọi miền trên trái đất này, quê xứ chưa bao giờ rời xa thầy nửa bước. Những làng Mai, xóm Thượng, xóm Hạ, xóm Mới, những hoa sen, hoa súng, hoa sim, hoa ổi, hoa chanh, những con đò, dòng sông, quả đồi, ngọn núi…, tất cả hòa tan trong máu huyết của thầy, tất cả thần thánh cùng bước chân thiền hành của thầy nhẹ như mây bay cùng trời cuối đất. Lời thầy nói về cái chủ đề “Bếp lửa hồng” nó ca dao, nó ruột rà, nó sông suối như thế này đây:

Bếp lửa hồng tượng trưng cho sự đoàn tụ, cho sự ấm áp, cho tình thương, cho hạnh phúc. Bếp lửa đó nằm ở đâu? Nó nằm đây (Pháp), hay ở bên nhà (Việt Nam)… Bếp lửa là hình ảnh rất thân quen. Chúng ta ai nấy đều mong muốn có một bếp lửa hồng, có một cái tổ ấm. Chính người xuất gia cũng vậy… Chất lửa phải từ trong trái tim đi ra. Đạo Bụt dạy chúng ta làm ra lửa, làm ra tình thương, làm ra sự hiểu biết. Và khi chúng ta học giáo lý Bụt thì chúng ta có thể chế tác được lửa, ngọn lửa ở trái tim chúng ta…

Bình bài thơ “Khúc quê” của tôi, thầy nói cứ y như ở giữa lòng xứ sở quê nhà, chẳng văn hoa bóng bẩy, chẳng triết lý cao siêu, chẳng miên mật ngữ nghĩa nào. Cứ tuột tuồn tuột từ tim phổi gan ruột trôi ra, như chính thầy là người mẹ, người chị, người em ra giếng gánh nước đêm giao thừa vậy.

Đối với văn hóa Việt Nam, hình ảnh của ngọn lửa đi đôi với hình ảnh gánh nước. Gánh nước đêm ba mươi. Có nhiều địa phương ở Việt Nam, đêm ba mươi gánh nước là một nghi lễ. Dù cho mấy cái chum, cái lu trong nhà đầy rồi thì mình vẫn đi gánh nước ở giếng như thường. Và đêm ba mươi người ta gặp nhau ngoài giếng, gánh một gánh nước cuối cùng, và người ta kể chuyện cho nhau nghe. Người ta nói hy vọng của nhau đối với một năm mới tới. Do đó gánh nước đêm ba mươi trở thành một đề tài thi ca. Nếu chúng ta sinh ra trong thời đại mới này thì chúng ta nên biết là ở trong nhà ngày xưa, có người em gái, người mẹ đi ra giếng gánh nước cho đầy chum, đầy lu, đầy vại. Đó là chuyện phải làm trong ngày Tết… Lu nước (đầy), chum nước (đầy) tượng trưng cho những tiện nghi vật chất, nếu trong nhà đầy nước thì có nghĩa là chúng ta có nhà ở, có cơm ăn, có áo mặc, chúng ta có lương bổng đường hoàng… Điều này người nào cũng làm được. Không cần phải là người giàu. Bất cứ người nào dù nghèo cách mấy cũng có thể lấy thùng đi gánh một đôi nước về. Đó là điều bình đẳng. Và giếng trong làng đóng vai một vị Đại Bồ Tát cung cấp nước cho tất cả dân ở trong làng mà không kỳ thị. Người giàu cũng nước đó. Người nghèo cũng nước đó. Vậy nên nhìn vào cái giếng chúng ta có thể thấy đó là một vị Bồ Tát không kỳ thị, không phân biệt, là một nguồn sống, nguồn hạnh phúc cho làng…

Theo dõi cuộc bình thơ đón giao thừa của Thiền sư Nhất Hạnh và Tăng đoàn Làng Mai, đến đây tôi không thể ngăn nỗi cảm xúc đang òa vỡ. “Thầy ơi! Bài thơ con viết cũng là cho mẹ mình, chị mình. Và, cho cả con nữa. Mẹ con lúc còn sinh thời bảo rằng: Gánh nước đêm giao thừa là một mỹ tục có ý nghĩa chúc phúc cho một năm mới đủ đầy như nước đổ vào nhà. Bây giờ thì tất cả đã là người xưa. Đêm giao thừa con lại chạy ra giếng, cúi đầu vào giếng gọi tên mình thật to. Từ lòng giếng sâu tận đáy, tiếng hồi âm lại cho con là cả một thiên đường tuổi thơ. Trong cái thiên đường đó, con mãi là thằng Út nhỏ nhoi cầm đèn soi đường chạy trước cho mẹ gánh nước bao lần đêm giao thừa. Trong cái thiên đường đó, nhiều khi con nhận ra mình giông giống cái nhân vật cậu bé đứng bên bậu cửa trông ra đường ngắm mưa, đẹp như suối trong, như ánh sáng trong sách “Nẻo về của ý” của thầy. Nghe lời bình thơ của thầy là con đang hít thở đều đặn trong thế giới nhiệm mầu ấy. Đấy là diệu âm vô tận, hay nói khác hơn là cái đẹp hằng cửu trong ý niệm đức tin vĩnh hằng mà Dostoyevsky từng nói đến, rằng: “Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”. Liệu rồi bài thơ “Khúc quê” của con có là hạt cát trên bến sông Hằng lấp lánh một giấc mơ?”.

Tôi lại chợt nhớ đến câu nói kinh điển của một nhà thơ phương Tây rằng: “Điều gì xuất phát từ trái tim thì đích tới là những trái tim”. Vâng, nguyên ủy của cái chân, cái thiện, cái mỹ bắt nguồn từ đấy. Một “Khúc quê” nhỏ nhoi ấy có là gì đâu, thậm chí nó dễ bị mất hút giữa ngút ngàn rừng rừng thơ Tết. Ấy vậy mà, cái gánh nước giếng quê thơm thảo đó có mặt giữa làng Mai vào đúng cái giờ đón giao thừa. Nhiệm mầu hay những điều mông mênh thuộc về siêu lý? Không, nó đích thực là: cái gì xuất phát từ trái tim thì đích tới là mọi trái tim!

                                                                                                                                                  
Khúc quê

Em va gàu vào giếng khuya gọi ngàn đêm
                                                                           thức giấc
bếp lửa thức xa xôi rực đỏ một góc trời
ngọn gió thức ngoài đường chập chùng
                                                                   cung bậc
trừ tịch thức gọi người đủ mặt lứa đôi

Đập vỡ thời gian hoa lửa rơi rơi
mọi ẩn nấp xô bật tường rêu nhú lời cỏ biếc
bấc se se ngập ngừng ngoài sân đợi Tết
nước tràn mái, tràn thùng, em gánh tiếp
                                                                 niềm tin (*)
Giếng ngời ngời gương mặt của đêm
đêm cháy sáng
đêm giũ mình bóng tối
những cát bụi không còn nơi ẩn trốn
hạnh phúc từ ngực người nhuộm thắm cỏ hoa

Cả ngàn nhà, nước từ giếng chia ra
cười nói dội vang vang hồi âm của đất
có một thiên đường đêm ba mươi rất thật
trừ tịch chia đều mọi ngõ trầm hương
Khói bay trong nhà, khói bay hàng hiên
về em nhé
giao thừa đang điểm
có tiếng gàu ai bỏ quên ngoài giếng
chạm vào tôi ngân mãi khúc quê mùa.

NGUYỄN NHÃ TIÊN


(*) Mỹ tục người Quảng, gánh nước đêm giao thừa như chúc phúc cho một năm mới.

;
.
.
.
.
.