.
Giới thiệu sách

Thang máy Sài Gòn (*)

.

Những người yêu văn học không còn xa lạ với cái tên Thuận, tác giả của một loạt tiểu thuyết như “Made in Vietnam”, “Paris 11 tháng 8”, “T mất tích”, “Vân Vy”, “Chinatown”.

 

Đầu tháng 9-2013, Thuận cho ra đời cuốn tiểu thuyết thứ 6: “Thang máy Sài Gòn”, được nhận định là ly kỳ, hài hước. Với tôi, cuốn sách là tất cả những đặc điểm của văn phong mà chị đeo đuổi: cách viết kỹ thuật, rất “Tây”, sự giễu cợt và nhân vật luôn chứa chất sự tưởng tượng.

“Thang máy Sài Gòn” là một câu chuyện kể đầy ly kỳ và thú vị. Tai nạn bất ngờ và phi lý của bà mẹ khi rơi từ tầng thượng xuống tầng trệt. Thang máy là nguyên nhân của vụ tai nạn thảm khốc ấy. Có thể do bà mẹ bấm nút gọi nhưng hộp thang máy không chạy lên, bà bước vào cửa thang máy và rơi tự do xuống đất. Toàn thân bà mẹ nát hết, trừ khuôn mặt vẫn lành lặn đẹp đẽ mà bà đã cố dùng tay che chắn trong khi bị rơi. Chỉ có cô con gái băn khoăn về chi tiết này. Vài tuần sau đám tang, cô phát hiện ra bức ảnh một người đàn ông mà mẹ cô dành tình yêu suốt đời cho người này - Paul Polotski - người mà mẹ cô đã từng gặp gỡ và yêu trong nhà tù Hỏa Lò vào đêm trước chiến dịch Điện Biên. Trở về Pháp, cô gái cất công đi tìm và theo dõi từng đường đi nước bước của Paul như một thám tử…

40 chương tiểu thuyết lặp đi lặp lại với các tiêu đề: Sài Gòn, Paris, Bình Nhưỡng. Bạn muốn chọn chương nào đọc trước cũng được vì tác giả không sắp xếp theo một trật tự nào. Bởi thế cuốn sách có một nhịp điệu riêng.

“Thang máy Sài Gòn”, đọc qua thì thấy hoàn chỉnh hơn hẳn so với các tiểu thuyết trước, nhưng vẫn thấy những dáng dấp thân quen từ những tiểu thuyết trước của Thuận. Đó là nhân vật nữ tha hương nơi đất Pháp, làm nghề dạy học, sống một mình với đứa con nhỏ (giống trong Chinatown). Vẫn mở đầu tác phẩm bằng một biến cố, sau đó nhân vật biến thành thám tử đi theo dõi người khác (giống trong T mất tích). Vẫn những câu chuyện về bố mẹ trong thời bao cấp ưa bệnh thành tích và tình cảm chẳng mặn nồng (giống trong Vân Vy). Vẫn có một người anh ở Việt Nam giàu có tiêu tiền như nước và một người em gái sống xa quê trong tằn tiện (giống Paris 11 tháng 8). Giao lưu với bạn đọc Hà Nội sau khi cuốn sách xuất bản, Thuận từng phát biểu rằng: “đối với tôi, viết một cái gì không quan trọng bằng viết như thế nào. Có thể là những tiểu thuyết của tôi cũng chỉ kể một câu chuyện - đại khái là một người phụ nữ ở Pháp, có con nhưng không có chồng và hằng ngày làm những công việc như thế… Bạn có thể thấy rất rõ, trong T mất tích, Thang máy Sài Gòn, Paris 11 tháng 8. Vẫn là hình ảnh lặp đi lặp lại nhưng mỗi một tiểu thuyết lại có một cách khác nhau kể câu chuyện đó. Tôi nghĩ rằng nhân vật chính đó sẽ còn quay lại với tôi, tôi chỉ dừng lại nếu tôi không thể tiếp tục tìm được một hình thức mới nữa mà thôi”.

Và nữa, Thuận có tài trong việc lấy người này để phản chiếu người khác, lấy câu chuyện này để phản chiếu câu chuyện khác.

“Anh phải nói với Paul là dù thế nào tôi cũng không quên anh ấy”. Trong câu chuyện tưởng tượng của nhân vật, ở chương gần cuối của cuốn tiểu thuyết, người mẹ nhờ chú Điền sang Pháp tìm gặp Paul để nói với ông ấy như thế. Câu nói này được lặp đi lặp lại nhiều lần, như một day dứt khôn nguôi từ đáy lòng đã được gói ghém quá kỹ càng và muốn thổ lộ ra. “Dù thế nào tôi cũng không quên anh ấy” là câu nói, là tình cảm, là nỗi lòng của người mẹ xuyên suốt câu chuyện, xuyên suốt từ thời chiến tranh cho đến thời bình, chuyển tiếp qua các không gian của nhà tù Hỏa Lò, đến Hà Nội, Sài Gòn, Pháp.

Và cô con gái, cô cũng có một câu nói để đời như bà mẹ: “Cô muốn nói với Kai là dù thế nào cô cũng không quên anh ấy”.

Một câu nói ngắn ngủi trong một chương ngắn nhắc đến Kai. Người đọc không biết Kai là ai, có phải là cha của đứa con trai trong nhân vật tôi hay không. Nhưng Kai hiện hữu trong một ngăn kéo tình cảm của cô gái, và đứng vững ở đó qua bao tháng, bao năm. Như bà mẹ. Như thế thì cô gái cũng đâu có khác mẹ. Cô cũng có một tình yêu lớn giống mẹ. Cho dù suốt câu chuyện thì tình cảm của mẹ và cô mờ nhạt, yếu ớt.

Câu chuyện của cô và Kai, câu chuyện của mẹ và ông Paul, chuyện nào là chính, chuyện nào là phụ? Người đọc không thể nào đoán ra. Bởi nhân vật của Thuận bao giờ cũng gói ghém những khao khát thầm kín, giấu kín trong một ngăn sâu thẳm nào đó, chỉ chờ một cơ hội để được vỡ òa ra. Cái người ta ít nói đến, đôi khi là điều mà người ta muốn lảng tránh, không muốn chạm vào nỗi đau, chứ không phải là không quan trọng. Một câu chuyện nhỏ về tình yêu được lồng trong một câu chuyện lớn về tình yêu. Chuyện nào là hư, chuyện nào là thực, không phụ thuộc vào độ dài hay độ ngắn của câu chuyện. Điều quan trọng nhất vẫn là một tình yêu được giấu sâu kín trong lòng không thể cất nên lời.

Một điều nữa, trong “Thang máy Sài Gòn”, là mọi nhân vật đều diễn rất tài tình. Vai diễn để đời mỗi người đảm nhận từ khi biết yêu cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Mẹ diễn, bố diễn, anh Mai diễn, chú Điền diễn, cô Hòa diễn… Cả đám tang người ta cũng diễn. Người sống diễn, người chết rồi cũng diễn. Cả tiếng Việt cũng diễn. Tiếng Việt khi dạy cho người nước ngoài thì khác nhưng nếu người nước ngoài mang đến sử dụng tại Việt Nam lại được đặt trong từng ngữ cảnh khác nhau... “Thang máy Sài Gòn”, vì thế mông mênh, hư hao…

HOÀNG NHUNG


(*) Đọc Thang máy Sài Gòn - Thuận, NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa truyền thông Nhã Nam liên kết ấn hành tháng 9-2013.

;
.
.
.
.
.