.

Người Ve

.

Đồng bào Ve là tộc người định cư khá lâu đời trên dãy Trường Sơn, với dân số gần ba ngàn người, cư trú chủ yếu ở xã Đắc Pre và Đắc Pring của huyện Nam Giang, Quảng Nam.

Phong tục tập quán, ngôn ngữ đều có nét khác biệt với cộng đồng các dân tộc anh em. Làng của người Ve thường ở núi cao, nhiều người gọi đó là làng lưng chừng trời. Mới thoáng qua, khó có thể phân biệt đâu là làng của người Ve và người hàng xóm Tà Riềng. Phần lớn 2 tộc người này có nhiều điểm tương đồng, nhưng xét về đặc trưng văn hóa, thì đây là hai tộc người hoàn toàn khác nhau. Địa bàn cư trú của đồng bào Ve giáp với tỉnh Kon Tum. Có nhiều ý kiến cho rằng, người Ve có nguồn gốc từ Tây Nguyên di cư sang. Giả thiết này được các nhà dân tộc học đưa ra dựa trên các luận chứng về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ.

Nghệ nhân người Ve giới thiệu cồng chiêng. Ảnh: Đ.V
Nghệ nhân người Ve giới thiệu cồng chiêng. Ảnh: Đ.V

Xã Đắc Pre - một xã vành đai biên giới của huyện Nam Giang. Khi đường sá đi lại thuận lợi, đời sống của bà con cũng có nhiều thay đổi để hòa nhập với đời sống người anh em ở miền xuôi. Cho đến nay, đồng bào nơi đây vẫn còn giữ nguyên tên do cán bộ cách mạng đặt tên để giữ bí mật trong thời kháng chiến chống Mỹ như thôn 48, 56, 58. Nơi đây, trong kháng chiến chống Mỹ, ngoài lực lượng vũ trang, nhiều cơ quan, đơn vị của cách mạng đứng chân tại đây. Người dân xã Đắc Pre nổi tiếng với chiến thắng bắt sống được biệt kích của Mỹ - ngụy trong những năm chống Mỹ. Xã Đắc Pre vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT năm 2013.

 Đồng bào Ve hiện nay có các họ lớn như họ Hiên, họ Jơ Râm, họ Brôi, họ Tờ Ngôn… Mỗi họ đều có một truyền thuyết khác nhau. Họ Jơ Râm có nguồn gốc từ sự tích đã tìm ra chiếc cầu ngầm để qua được dòng sông Đắc Pring hung dữ. Còn họ Tờ Ngôn bắt nguồn từ chuyện con cáo. Đó là những cách lý giải về nguồn gốc của tộc họ rất cổ xưa giống nhiều dân tộc khác ở Trường Sơn.

Một trong những đặc trưng văn hóa của đồng bào Ve đó là ngôi nhà truyền thống. Ngôi nhà người Ve có nhiều điểm khác so với nhà đồng bào Cơtu và Tà Riềng. Nhà thường dựng theo hướng Đông - Tây. Mỗi ngôi nhà có 2 cầu thang. Cầu thang chính phía đông dành cho đàn ông; còn cầu thang phụ phía Tây dành cho phụ nữ. Xưa kia, nhà người Ve không lợp nhà bằng lá mà lợp bằng nứa. Đây là nét độc đáo rất riêng của tộc người này. Nứa được chẻ ra làm đôi sau đó lợp 2 lớp theo kiểu âm dương. Những cánh rừng ở đây, nứa mọc rất nhiều nên người Ve tận dụng để dựng nhà. Nứa không chỉ dùng để lợp mà còn dùng để làm phên và sàn nhà.

Hiện nay, ngôi nhà truyền thống cũng dần biến mất. Một mặt, chính quyền địa phương ra sức bảo tồn văn hóa nhưng mặt khác thực hiện chủ trương xóa nhà tạm. Chính vì vậy, những ngôi nhà truyền thống đồng bào Ve đang dần bị thay thế bởi những căn nhà xây mới bằng bê-tông khá hiện đại. Đây cũng là bài toán khó tạo ra sự mâu thuẫn mà chính Chủ tịch xã Brôi Trường cũng rất phân vân. Và tất nhiên, khi ngôi nhà bị thay thế thì nếp nhà truyền thống trong mỗi gia đình và cả văn hóa làng cũng bị thay đổi.

Tuy cuộc sống còn nhiều vất vả, nhưng người phụ nữ Ve rất duyên dáng. Họ được xem là những đóa hoa rừng. Đến nay, người Ve vẫn còn giữ được tục lệ cưới truyền thống. Ngày tốt để chọn làm lễ cưới là ngày trăng tròn. Theo quan niệm, trăng tròn được ghép từ hai mảnh trăng khuyết, biểu tượng của tình yêu và hạnh phúc. Khi hai bên đồng ý ngày cưới, cô gái bắt đầu đi lấy củi cưới để mang sang nhà chồng làm quà. Số củi cưới thường 100 gùi, củi càng nhiều thể hiện sự đảm đang và khỏe mạnh của người con gái. Những bó củi cưới mà gia đình này vừa mới nhận được như là món quà cưới của họ nhà gái. Số củi cưới đủ để một gia đình nhà trai dùng trong 3 tháng liền. Đây là nét đẹp cần phải giữ gìn bởi nó vượt ra ý nghĩa về vật chất và mang đậm dấu ấn của văn hóa rừng.

Người Ve vốn rất yêu âm nhạc. Thông thường bố mẹ thường dạy cho con các loại nhạc cụ truyền thống. Một người con trai Ve thực thụ, sau khi trải qua lễ cà răng còn phải biết đánh đàn, thổi sáo, đan gùi. Đến nay tục cà răng đã bỏ song một số nghi thức truyền thống vẫn còn được gìn giữ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhạc cụ của người Ve không khác biệt nhiều so với người Tà Riềng nhưng tên gọi và cách sử dụng hoàn toàn khác nhau. Điều này phần nào cho thấy sự khác biệt trong văn hóa giữa hai dân tộc cư trú trên cùng một địa bàn.

Một trong những món ăn truyền thống được xem là đặc sắc nhất là món Láp. Món Láp thường được chế biến từ các loại thịt tươi. Công đoạn chuẩn bị cũng rất cầu kỳ. Sau khi thịt được băm nhỏ, trộn gia vị như bột bắp, tiêu rừng vào thịt. Sẽ không thể ăn được nếu thiếu các loại rau thơm, trong đó quan trọng nhất phải kể đến đó là lá chua. Lá chua được bóp vào thịt, sau vài phút sẽ làm chín thịt. Món ăn này phản ánh sinh động văn hóa ẩm thực của đồng bào vùng cao. Hầu như trong những ngày lễ hay nhà có khách, Láp là món ăn không thể thiếu. Dường như ẩm thực của người Ve cũng đơn giản, phần lớn đều dựa vào rừng. Ngoài nguồn thực phẩm được lấy từ rừng, các con suối quanh làng cũng mang lại nguồn thực phẩm đáng kể. Tuy nhiên, các con suối lớn hiện nay bị ô nhiễm bởi tình trạng khai thác khoáng sản nên một số loại cá được xem như đặc sản có nguy cơ biến mất hoàn toàn.

Cũng giống như đồng bào các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên, cồng chiêng là một phần trong đời sống văn hóa tinh thần của người Ve.  Xưa kia bộ cồng chiêng có 7, 9 hoặc 12 chiếc nhưng đến nay chỉ còn 3 chiếc. Đồng bào Ve còn dùng thêm một ống nứa đệm theo dàn cồng chiêng gọi là tít. Đi cùng với dàn chiêng phải có trống, nếu không có trống thì sẽ có thêm một chiếc chiêng để đảm nhận vai trò của trống. Theo quan sát của chúng tôi, từ tiết tấu đến vũ đạo trong cồng chiêng Ve có nhiều điểm gần giống với đồng bào ở Tây Nguyên. Những người sở hữu chiêng được xếp vào những gia đình giàu có và có vị trí cao trong cộng đồng làng. Chính vì vậy, họ luôn có ý thức giữ gìn bộ chiêng cổ. Qua thời gian, cồng chiêng người Ve cũng dần bị mai một, các nghệ nhân Ve hiện nay chỉ còn biểu diễn được từ 4-5 bài.

Đồng bào Ve rất giỏi ca hát. Họ có thể hát mọi lúc mọi nơi. Người già thì hát dạy dỗ con cháu, người trẻ thì hát tự sự, tự tình. Với người Ve, dân ca không có bài bản sẵn, người hát tự ứng tác, sáng tác lời tại chỗ. Khi hai người phụ nữ sắp kết sui gia, họ thường mượn lời hát để kể chuyện gia đình và bàn tính chuyện tổ chức lễ cưới cho con. Tục hát đối đáp trong lễ cưới của người Ve đến nay vẫn được gìn giữ. Hát đối đáp ở nhà sàn trước sự chứng kiến của mọi người là lời công nhận chính thức của 2 bên gia đình và khó mà thay đổi. Đây mới chỉ là những lời hát dạm hỏi, đến lễ cưới chính thức, bà con hai họ có thể hát thâu đêm.

Như thành một hoạt động thường xuyên, tối đến, Bộ đội Biên phòng Đồn 661 đóng tại xã Đắc Pring không ngại khó khăn tuần tra khắp các thôn làng. Người Ve thường gọi các anh Bộ đội Biên phòng như… dầu cù là. Đau gì cũng dùng dầu cù là, và có việc gì cùng nhờ đến biên phòng, kể cả đau ốm và mâu thuẫn gia đình. Đây là cách so sánh rất hình tượng nhưng rất thật dành cho những người lính biên phòng vùng cao. Cùng với nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc, giữ bình yên cho bà con, các anh còn là người bạn, người thầy của đồng bào. Hầu như các anh thuộc tên từng đứa trẻ, nhớ tuổi từng người.

Những lời ca tiếng hát chưa bao giờ tắt trên những ngôi làng của người Ve. Và những dòng suối nơi đây chưa bao giờ khô cạn - mạch nguồn văn hóa của người Ve mải miết tuôn chảy từ những cánh rừng Trường Sơn. Hết mưa lại nắng, hết ngày lại đêm, họ vẫn hồn nhiên bên nhà sàn, họ bắt đầu kể lại cho chúng ta nghe những câu chuyện mà tổ tiên họ đã kể. Câu chuyện ấy chính là bức tranh văn hóa chân thật của một tộc người mà chúng tôi đã ghi lại được cho dù chỉ thoáng qua trong bài viết này. Bức tranh văn hóa này sẽ bị phai mờ theo bước chân của thời gian nhưng chúng tôi dự cảm rằng, thời gian cũng sẽ tôn thêm nét đẹp văn hóa đầy đặn của người Ve bởi những ngôi làng xa đó còn có rất nhiều người như nghệ nhân ngày đêm luôn thắp lên ngọn lửa dẫn dắt con cháu người Ve sống với nguồn cội của dân tộc.

ĐỖ VINH

;
.
.
.
.
.