.

Tìm lại nụ cười

.

Những người mẹ có con bị sứt môi, hở vòm miệng luôn nghĩ phải mạnh mẽ để lo cho con, lo cho nụ cười, giọng nói của con được trọn vẹn, bởi nước mắt không làm được điều đó.

 Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu đang thăm khám cho một bé bị tật sứt môi, hở vòm họng.                 Ảnh: H.L
Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu đang thăm khám cho một bé bị tật sứt môi, hở vòm họng. Ảnh: H.L

Chuyện của chị và chuyện của tôi

Chiều 29-12-2013, nghe báo có đoàn bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng điều trị sứt môi, hở vòm miệng trẻ em, chị Trần Thị Phin, ở thôn Trung Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam bồng con ra khám với mong manh niềm hy vọng. Ôm cậu con trai Phú Nguyên bé xíu trong tay, mắt chị lúc nào cũng đỏ hoe, ai hỏi đến thì đôi mắt ấy lập tức ầng ậc nước. Con chị đến nay đã gần 3 tuổi. Cũng có nghĩa là chừng đó ngày, chừng đó tháng chị khóc con. Với tôi, với các bà mẹ ở đây, nước mắt không còn có nghĩa. Chúng tôi luôn nghĩ phải tự chiến thắng bản thân để lo cho con, lo cho nụ cười, cho giọng nói của con được trọn vẹn.

Trong số hàng chục các bà mẹ cùng đến đợt này với chị, ai cũng đau, nhưng ai cũng đầy ắp hy vọng. Bởi với họ, nước mắt không giúp con họ lấy lại đôi môi xinh tươi, giọng nói rõ chữ, nên có lẽ từ lâu rồi họ dặn lòng đừng khóc nữa. Nhưng chị lại khác. Bé Nguyên bị dị tật hở vòm họng, thiếu cả hai vành tai, nhỏ bé và yếu ớt từ lúc lọt lòng. Ra đời được 3,2kg, nhưng Nguyên bị nhiễm khuẩn nước ối nên được đưa về bệnh viện Đà Nẵng điều trị. 2 tháng xa mẹ, nằm trong lồng kính, đến khi về nhà em còn 1,8kg. Dù trước đó đã có hai đứa con gái, nhưng đến khi chăm sóc đứa con trai út, chị vẫn lóng ngóng với đôi môi và vòm họng dị tật của con. Bao lần con sặc sữa ra đường mũi và miệng phải đi cấp cứu, cũng là bao lần chị khóc ngất. Từng thìa sữa đút cho con là từng niềm vui chị vun vén mà thành.

Chị bảo, hồi chị sinh hai cô con gái, chỉ có bà con trong họ đến chia vui. Vậy mà đến khi sinh bé Phú Nguyên, cả làng ùn ùn kéo đến “thăm”. Lòng chị càng đau nhói. Chị đóng cửa nhà suốt từ hồi đó đến giờ, không đưa con đi chơi bất kỳ nhà ai, không cho con gặp người lạ. Mấy ngày ra Đà Nẵng chờ thăm khám cho con, dù đã quen với bác sĩ và các cô điều dưỡng, chị vẫn cho con đội mũ len để tránh ánh mắt tò mò xung quanh. Chị cố giữ cho con được “yên ổn” bằng cách cả hai mẹ con cùng trốn tránh thực tại.

Trước đây tôi cũng có tâm trạng giống chị. Mỗi lần đưa con đi tiêm chủng về, tôi càng tủi thân vì trong số hàng trăm đứa trẻ chỉ thấy có con mình khiếm khuyết. Nhưng khi đến những buổi thăm khám cho trẻ dị tật sứt môi, hở hàm ếch, chứng kiến nhiều người mẹ phải đối diện với những nỗi đau lớn hơn mình, tôi đã học cách nhìn lên để cùng con đối diện với bệnh tật và nhận thấy trong đôi mắt trong veo bé nhỏ ấy là cả bầu tương lai tươi sáng.

Bồng con đi tìm… hy vọng

Những bà mẹ có con bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch có lẽ kiên cường không thua kém những người mẹ có con mắc các bệnh hiểm nghèo khác. Ở đâu có các đoàn chuyên gia, bác sĩ đến khám và phẫu thuật, thì dù xa xôi đến mấy họ cũng lặn lội bồng con tới. Và dù hết lần này đến lần khác, câu trả lời vẫn là “hãy chờ đợi” thì họ cũng không thôi hy vọng.

  Các bác sĩ sẽ trả lại nụ cười tươi tắn, đôi môi xinh cho con nhé!    Ảnh: T.V
Các bác sĩ sẽ trả lại nụ cười tươi tắn, đôi môi xinh cho con nhé! Ảnh: T.V

Trong các đợt khám và phẫu thuật do đoàn bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 thực hiện tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, trẻ bị sứt môi, hở vòm miệng chủ yếu ở độ tuổi từ 3 tháng đến 3 tuổi. Duy chỉ có Bùi Văn Mến, con trai chị Nguyễn Thị Ánh (Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) thì đã 14 tuổi. Em cũng là bệnh nhi duy nhất tại đây đã cao hơn mẹ và biết hổ thẹn với vẻ ngoài của mình. Mến cứ thỏ thẻ: “Mẹ cố dành dụm tiền làm cái môi đẹp đẹp lại cho con nghe”.

Trước đây, nhà chị Ánh ở tận trên vùng núi xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Hai vợ chồng làm ruộng, nuôi heo đắp đổi cuộc sống qua ngày. Đến hồi mang thai em Mến, chị đau ốm suốt, chẳng được siêu âm thai lần nào. Khi sinh con ra, thấy bé bị dị tật, anh chị sốc tưởng không đứng lên nổi. “Cháu ra đời được 3kg, sau một tháng rưỡi thì còn đúng 1,5kg. Tôi nhìn con mà đứng ngồi không yên, đành bảo chồng ở nhà chăm con để mình ra Đà Nẵng kiếm thứ gì buôn bán có tiền mua sữa bồi bổ cho thằng nhỏ”, chị Ánh tâm sự. Rồi Mến được 6 tháng tuổi, chị đưa con đến bệnh viện phẫu thuật vá hở môi lần đầu tiên.

Đến năm 7 tuổi, bé mới đủ sức khỏe chấp nhận đợt phẫu thuật thứ hai vá hở vòm họng. Giờ con đã là cậu thiếu niên biết ngắm nghía vẻ ngoài của mình, chị càng nóng lòng lo cho nụ cười, giọng nói của con. 10 năm nay cả nhà dời hẳn ra Đà Nẵng sinh sống, anh chị chuyển sang nghề buôn bán, việc chăm lo cho các con cũng đỡ cực nhọc hơn trước, nên tìm lại bờ môi xinh cho con là mong ước lớn nhất của chị.

Tìm thấy nụ cười

Số trẻ bị sứt môi, hở vòm miệng tại Đà Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung như trường hợp con chị Phin hay chị Ánh không phải là ít. Bằng chứng là số trẻ đến khám, điều trị tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng tăng dần theo từng đợt. Tháng 4-2013, Bệnh viện tiếp nhận 20 em, đến tháng 12-2013 có 30 trẻ phẫu thuật. Đối với một số trẻ mắc hội chứng Piere-Robin, hay còn gọi là tình trạng xương hàm rất bé và lùi về phía sau thì sẽ được chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh điều trị. Ngoài việc được miễn phí, trẻ còn nhận hỗ trợ 300 nghìn đồng tiền chi phí đi lại.

Điều đáng mừng cho trẻ và các gia đình có con bị dị tật này là thời gian qua, tất cả chi phí phẫu thuật đều được tài trợ bởi đoàn bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 và tổ chức Smile Train (Mỹ). Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng-Hàm-Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, nếu không được tài trợ thì mỗi ca phẫu thuật sứt môi, hở vòm miệng trẻ em thông thường có giá từ 1,3 đến 10 triệu đồng.

Trong thời gian tới, các bác sĩ tại Đà Nẵng có thể triển khai xử lý các ca bệnh dị tật sứt môi, hở vòm miệng dạng phức tạp. Theo đó, trung bình hai tháng sẽ có một đợt phẫu thuật tập trung bệnh này cho trẻ em khu vực miền Trung. Qua đánh giá của các chuyên gia Răng-Hàm-Mặt thành phố Hồ Chí Minh, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho khám và điều trị dị tật sứt môi, hở vòm tại Đà Nẵng hiện rất tốt, có thể sẵn sàng phục vụ bệnh nhi. Với sự phối hợp chuyển giao kỹ thuật giữa các bệnh viện tuyến trên cho đội ngũ bác sĩ tại Đà Nẵng, dự kiến, khoảng 1 năm nữa, việc phẫu thuật có thể thực hiện tại chỗ thay vì đợi sự hỗ trợ từ các chuyên gia trong và ngoài nước.

Trong hai ngày 30 và 31 tháng 12-2013, Bệnh viện Phụ sản-Nhi phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 1 tổ chức đợt phẫu thuật miễn phí sứt môi hở vòm miệng cho 30 trẻ em Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Năm 2013, đoàn gồm những bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1, đồng thời là thành viên của Hội đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng tại thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 3 đợt phẫu thuật miễn phí cho trên 50 trẻ em. Chương trình được tài trợ bởi Smile Train (Mỹ), một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận có mục tiêu giúp đỡ trẻ em sinh ra bị dị tật sứt môi trên toàn thế giới.

Năm 2014, hai nội dung chính được bệnh viện Nhi đồng 1 triển khai tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi là tiếp tục khám, điều trị cho trẻ em sứt môi, hở vòm miệng và chuyển giao kỹ thuật cho ekip thực hiện gồm bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê và dụng cụ viên (người chuẩn bị dụng cụ mổ).

HIỀN LƯƠNG - TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.