.

Đào chuông xuống núi

.

1. Tết Giáp Ngọ 2014 này nhiều đường phố Đà Nẵng bỗng rực hồng những đóa hoa đào chuông rất quen mà rất lạ. Đào chuông dẫu không phải là đặc sản của riêng Đà Nẵng - ở nước ta cây đào chuông phân bố ở độ cao trên 1.400 mét tại nhiều tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa, nhưng dường như đang được thừa nhận là loài hoa đặc trưng của Đà Nẵng - một đô thị duyên hải mà lại có Bà-Nà-Tiểu-Đà-Lạt cao gần một ngàn năm trăm mét, và có thể nói so với đào chuông các tỉnh lân cận thì đào chuông Bà Nà có “thương hiệu” hơn, hoa nở xuân sắc hơn.

Thường thì đào chuông Bà Nà vẫn xuống núi từng nhánh từng cành theo chân những người mê đào chuông cất công băng rừng lội suối mang về nhà chơi Tết, nhưng riêng năm nay, đào chuông Bà Nà đồng loạt hạ sơn và hóa thân vào những bông đào chuông đại đóa to gấp ngàn lần bông đào chuông thật, khoe sắc khoe dáng không phải trên cây trên cành mà là trên các dải băng trang trí giữa phố phường.

Đường phố Đà Nẵng rực hồng những sắc hoa đào chuông. Ảnh: MINH TRÍ
Đường phố Đà Nẵng rực hồng những sắc hoa đào chuông. Ảnh: MINH TRÍ

2. Không biết ai là người đầu tiên có ý tưởng đưa đào chuông Bà Nà xuống núi theo cách này, qua đó đã nâng đào chuông từ một kỳ hoa độc đáo trên đỉnh núi Chúa thành một biểu tượng mới của thành phố bên bờ sông Hàn: Đà-Nẵng-thành-phố-hoa-đào-chuông. Hoa đào chuông thật chỉ có thể khoe sắc lúc Tết đến Xuân về, nhưng khi đã trở thành biểu tượng thì hoa đào chuông sẽ luôn đồng hành với thời gian năm tháng và với sự phát triển đi lên đi tới của thành-phố-hoa-đào-chuông này. Và lúc Tết đến Xuân về hoa đào chuông thật cũng chỉ có thể khoe dáng hình cái chuông đong đưa trong gió - chứ không thể khoe tiếng chuông ngân, nhưng khi đã trở thành biểu tượng thì hoa đào chuông sẽ luôn đồng thanh với rất nhiều giọng nói trong quá trình quảng bá thương hiệu Đà Nẵng - tất nhiên bằng ngôn ngữ riêng đầy ấn tượng của cái Đẹp. Rõ ràng đây là một trong những ý tưởng sáng tạo của người Đà Nẵng đón chào xuân Giáp Ngọ.

3. Ý tưởng đưa đào chuông xuống núi một lần nữa chứng tỏ khát vọng không ngừng vươn đến cái mới, cái khác trước của người Đà Nẵng. Có thể nói người Đà Nẵng luôn săn tìm ý tưởng sáng tạo và quan trọng hơn là luôn chung tay nâng tầm những ý tưởng ấy. Giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi - để biến cây cầu dã chiến có kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni của quân viễn chinh Mỹ được bắc qua sông Hàn sau khi lính Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng những năm 60 của thế kỷ trước và từng được đặt tên là cầu Nguyễn Hoàng thành một bảo tàng chiến tranh sống động lưu giữ ký ức của người Đà Nẵng về một thời quê hương bị ngoại bang chiếm đóng - là ý tưởng ban đầu. Người Đà Nẵng còn đi xa hơn cái ý tưởng ban đầu ấy khi đưa ra ý tưởng đầu tư để cải tạo bảo tàng ngoài trời này thành cây cầu đi bộ đầu tiên của thành phố, trong đó hạng mục cơ bản nhất là nâng nhịp tĩnh không thông thuyền từ 4,5 mét lên 7 mét nhằm đón đầu khả năng tàu thuyền qua lại khi đã khơi thông sông Cổ Cò vào phố cổ Hội An.

4. Điều đáng nói là người Đà Nẵng vẫn chưa chịu dừng lại, vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn, bởi giải pháp nâng nhịp tĩnh không thông thuyền không chỉ rất tốn kém mà còn có thể làm thay đổi hình dạng vốn có của cây-cầu-bảo-tàng, từ đó có người nêu ý tưởng sẽ thiết kế theo hướng hạ thấp độ cao những chiếc tàu du lịch cho phù hợp với độ tĩnh không thông thuyền hiện tại của cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi, thay vì phải nâng nhịp tĩnh không thông thuyền của chính cây cầu này để vận hành theo kiểu cất lên hạ xuống. Hoặc người Đà Nẵng đề xuất và được Bộ Chính trị chấp thuận cho nghiên cứu để mở thêm tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây thứ hai từ cảng Tiên Sa ngược lên cửa khẩu Đăk Ốc, qua cao nguyên Boloven của Lào rồi nối tiếp với Chongmek-Nakhon-Bangkok của Thái Lan, tuy nhiên có người cho rằng điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây mới này nên là cảng Liên Chiểu thay vì là cảng Tiên Sa - bởi tải trọng của cầu Tuyên Sơn rất hạn chế.

5. Ý tưởng sáng tạo - nói rộng hơn là khát vọng không ngừng vươn đến cái mới, cái khác trước - là đầu mối của tiến bộ xã hội. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế lại nhấn mạnh quan điểm “chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”, để trên cơ sở đó mà “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực”.

6. Nhà văn Nguyên Ngọc từng kể với người viết bài này: Mình nhớ hồi học phổ thông, bọn mình may mắn gặp được một thầy giáo rất giỏi là thầy Đoàn Nồng dạy Quốc học Huế. Ngay hôm đầu tiên vào lớp, ông bảo bọn mình: Các anh chị đến đây là để học cách học. Vậy đó, qua dạy kiến thức, ông chủ yếu dạy bọn mình cách học, tức cách chủ động tư duy độc lập, tự mình đi tìm lấy tri thức. Ông bảo: Có ai ngồi ở trường được suốt đời đâu, vậy phải học cách học, để rồi tự mình sẽ học suốt đời. Ông cũng không bao giờ dạy cho bọn mình hết chương trình, mà chỉ dạy chừng hai phần ba, phần còn lại để bọn mình tự học lấy… Câu chuyện của thầy trò Nguyên Ngọc từ thập niên 40 của thế kỷ trước đến nay vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Rõ ràng nếu không có những người thầy hiện đại đến ngỡ ngàng như thầy Đoàn Nồng của Nguyên Ngọc thì sẽ khó lòng mà đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, càng khó lòng có được những người học luôn khát vọng không ngừng vươn đến cái mới, cái khác trước.

7. Nói thầy Đoàn Nồng hiện đại đến ngỡ ngàng là bởi ngay từ đầu thiên niên kỷ này, UNESCO đã gợi ý rằng mục đích học tập ngày nay là để biết cách học, để làm, để khẳng định mình và để sống với nhau. Học để biết cách học khác với học để biết. Làm sao biết cho hết được mọi điều khi mà thế giới quanh ta vừa chật chội vừa mênh mông? Một cô giáo trẻ từng than phiền với người viết bài này rằng học trò thời nay hư hỗn quá và dẫn chứng rằng có học sinh sau khi nghe cô kể chuyện Phạm Ngũ Lão làng Phù Ủng ngồi đan sọt ở giữa đường, vì mải nghĩ việc nước nên khi quân triều đình hò hét bảo Phạm Ngũ Lão đứng lên tránh lối cho xe Trần Hưng Đạo đi qua, thậm chí dùng giáo đâm vào đùi đến chảy máu mà Phạm Ngũ Lão vẫn như không hề hay biết, đã dám thắc mắc: “Thưa cô, làm sao mình biết ông Phạm Ngũ Lão lúc đó đang nghĩ việc nước? Ngộ nhỡ ông ấy đang nghĩ tới người yêu thì sao ạ?”. So với số đông học sinh sẵn sàng tuân phục vâng lời, dễ dàng chấp nhận cái lô-gích đã là ông Phạm Ngũ Lão thì chắc lúc nào cũng phải lo nghĩ việc nước, em học sinh không dễ dãi chấp nhận như vậy, biết hoài nghi khoa học như vậy, biết “Quảng Nam hay cãi” như vậy mới thực sự là… biết cách học, từ đó mới có thể biết cách nghĩ và biết nghĩ cách… đưa đào chuông xuống núi!

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.