Bạn có về Đà Nẵng bến sông Hàn. Mời ghé lại Hòa Vang quê tôi mùa lúa chín. Nắng trải rộng cánh đồng vàng óng ánh. Gió nhẹ đưa hương lúa say nồng... Bức tranh nông thôn mới đã được thí sinh Hồ Thanh Châu “vẽ” nên bằng làn điệu chân quê dân ca bài chòi trong bài Về với Hòa Vang của Nguyễn Thúc Dũng tại Hội thi Tiếng hát mãi xanh (THMX) do Trung tâm Văn hóa thành phố Đà Nẵng tổ chức lần đầu tiên vào Tết Giáp Ngọ 2014.
Hoàng Cúc với bài chầu văn Đà Nẵng quê em (trái) và Thu Hương với bài Điệu ví dặm là em là hai trong những tiết mục xuất sắc Hội thi Tiếng hát mãi xanh. Ảnh: V.T.L |
Khi được hỏi, vì sao lại chọn dân ca bài chòi mà không chọn một thể loại nào khác, Thanh Châu cười: Tôi muốn gởi đến giới trẻ một “đặc sản” của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng để các bạn có cái nhìn thiện cảm hơn và không quay lưng lại với vốn văn hóa cổ truyền của quê hương, dân tộc.
Một tiết mục cổ truyền khác tại hội thi là hát chầu văn do chị Hoàng Cúc đến từ CLB Tao đàn Phương Nam thành phố Đà Nẵng biểu diễn với bài “Đà Nẵng quê em” của tác giả Kỳ Châu. Trong trang phục áo dài khăn xếp, chị vừa nhấn nhá cây đàn nguyệt vừa luyến láy giọng hát lên bổng xuống trầm, làm nên một nét quen mà lạ cho hội thi: Tôi yêu Đà Nẵng quê em. Biển ôm phố mộng vào đêm gợi tình. Ngũ Hành Sơn đứng lặng thinh. Tiên Sa đứng ngắm dáng hình nước non... Làm nền cho giọng hát của chị còn có 3 nhạc cụ nữa bên cánh gà sân khấu là trống, đàn ghi-ta phím lõm và song loan.
Gốc Huế nhưng sinh ra ở Đà Nẵng, chị đến với loại hình nghệ thuật vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể này qua người cha nguyên là nghệ sĩ nhã nhạc cung đình Huế xưa. Theo đánh giá của ban giám khảo, tuy tiết mục của chị chưa thực sự xuất sắc, nhưng vậy là đã đầy chất chầu văn, đủ để khơi gợi trong lòng khán giả trẻ hôm nay những nét tinh túy của âm nhạc cổ truyền dân tộc.
Hai tiết mục của Thanh Châu và Hoàng Cúc đã được ban giám khảo đánh giá cao, vì ngay trong thông báo về hội thi, ban tổ chức cũng đã khuyến khích các thí sinh phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống.
Thí sinh cao tuổi nhất là Đức Anh, 62 tuổi, đến từ quận Hải Châu. Xếp sau đó là Phạm Miễng, 61 tuổi, đến từ CLB Tao đàn Phương Nam thành phố Đà Nẵng. Ông Miễng mang lại ấn tượng khá tốt trong đêm sơ khảo khi chống nạng lên sân khấu, ôm đàn ghi-ta hát bài Áo anh sứt chỉ đường tà của nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ nổi tiếng Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan. Ông bị tai nạn giao thông, hư chân trái. Học đàn từ thời trung học, lâu nay ông giao lưu văn nghệ là chính. Vừa rồi nghe Trung tâm Văn hóa thành phố tổ chức Hội thi THMX, vợ con động viên ông tham gia để vừa đẩy mạnh phong trào vừa làm “động lực” cho lớp trẻ sau này.
Sau buổi sơ khảo hôm giữa tháng Chạp với 32 tiết mục tham gia, ban giám khảo đã chọn ra 10 tiết mục có chất lượng nổi trội vào chung kết trong 2 đêm mồng 4 và mồng 5 Tết ở sân khấu chính Hội Hoa xuân tại Công viên 29-3. Quận Hải Châu có 8 thí sinh tham gia với nhiều giọng ca khá tốt, trong đó có hai bạn trẻ cùng tuổi 30 là Phùng Anh Tuấn (với bài Dấu chân phía trước) và Lê Nam An (với bài Đường chúng ta đi).
Huyện Hòa Vang có 5 thí sinh tham gia, trong đó gây ngạc nhiên cho ban giám khảo là giọng ca của cô giáo Thu Hương, khi cô vừa xướng xong câu đầu tiên của bài hát Điệu ví dặm là em, khán giả đã ồ lên tán thưởng. Không ít người nghĩ chị hẳn phải là dân xứ Nghệ, vì phi xứ Nghệ bất thành... ví dặm! Hỏi ra, mới hay cô là dân Quảng “gin” 100%, người thôn Đông Hòa, xã Hòa Châu, vừa dạy học, vừa làm cộng tác viên của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang bấy lâu nay. Phụ trách dạy môn âm nhạc bậc tiểu học, cô từng được cán bộ Phòng VH-TT huyện Hòa Vang tập huấn chương trình “Đưa dân ca vào học đường” nên rất mê các làn điệu dân ca và tự thử thách chính mình bằng một làn điệu rất khó hát là ví dặm.
So với “cây đa cây đề” là Cuộc thi Tài năng nghệ thuật, THMX chỉ mới bước những bước chập chững đầu tiên trên sân chơi văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng. Với 4 thể loại đơn ca, song ca, tốp ca và khiêu vũ, hội thi THMX được tổ chức nhằm thăm dò khả năng của quần chúng và đã đạt được thành công ngoài mong đợi. THMX dành cho thí sinh từ 26 tuổi trở lên. Năm nay, rất đông thí sinh từ 26 đến 30 tuổi tham gia. Một thành viên ban tổ chức cho biết, nếu gọi các bạn ấy là “người lớn tuổi” thì… oan cho họ quá. Sang năm, chúng tôi sẽ xem xét nâng độ tuổi thấp nhất là 30 hoặc 35.
Trong lúc Đà Nẵng đang “khan hiếm” các sân chơi nghệ thuật, việc cho ra đời những cuộc thi như THMX sẽ mang lại cho công chúng thành phố nói chung, người cao tuổi nói riêng, một “đất diễn” để họ giữ xanh tiếng hát, cho dù đã bước qua tuổi thanh xuân.
ĐOAN PHƯỢNG