.

Cho và nhận

.

Tạm gác công việc kinh doanh, những kế hoạch, dự định riêng hay cả những hạn chế về mặt sức khỏe, những ngày qua, 17 thành viên của Hiệp hội kỹ năng lành nghề của thành phố Daegu, Hàn Quốc sang Đà Nẵng để viết tiếp hành trình thiện nguyện đã có chiều dài 5 năm của mình.

Một tình nguyện viên của Hiệp hội kỹ năng lành nghề thành phố Daegu đang trò chuyện cùng em nhỏ trường tiểu học Nguyễn Trung Trực, quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Ảnh: M.C.M
Một tình nguyện viên của Hiệp hội kỹ năng lành nghề thành phố Daegu đang trò chuyện cùng em nhỏ trường tiểu học Nguyễn Trung Trực, quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Ảnh: M.C.M

Các tình nguyện viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, mỗi người một nghề như cắt tóc, sửa quần áo, sửa đồng hồ, máy móc, lắp đặt màn chống côn trùng… Khác nhau là vậy nhưng ở họ có một điểm chung là: “Mong muốn sống cuộc sống không đơn điệu, để trái tim luôn có nhịp đập yêu thương bằng các hoạt động tình nguyện, bằng cách mang đến niềm vui cho người khác và từ đó cảm nhận hạnh phúc của sự sẻ chia”, đại diện cho toàn Hội, ông Lee Jong Han chia sẻ.

Trong 5 năm qua, Hội lựa chọn Đà Nẵng làm điểm đến trong hành trình thiện nguyện bởi ở đây các tình nguyện viên cảm nhận được tình cảm nồng hậu, chân thành từ những người dân mộc mạc; họ cảm nhận sức sống bền bỉ, tính kiên trì và nỗ lực không ngừng của các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Đến thăm Trung tâm Bảo trợ Xã hội và Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, các thành viên trong đoàn không chỉ trao quà cho các em nhỏ mà còn tham gia chơi đùa, cắt tóc, sửa áo quần, sửa đồng hồ… Anh Jang Taeho là nghệ nhân sửa đồng hồ bị tàn tật, phải di chuyển bằng nạng nhưng trên môi anh luôn nở nụ cười khi trò chuyện. Anh còn tặng cả dụng cụ sửa chữa đồng hồ cho các em nhỏ.  “Hạn chế nào mình cũng có thể vượt qua, miễn là có niềm tin và nghị lực”, anh Jang Taeho chia sẻ: “Chính nghị lực của các em là món quà quý giá tôi nhận được trong lần tình nguyện này, mặc cho những hạn chế về mặt sức khỏe hay khiếm khuyết về cơ thể, các em vẫn bền bỉ cùng con chữ hay quyết tâm học nghề để trở thành một công dân có ích”.

Đến thăm những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời gặp nhiều bất hạnh, đoàn mong muốn tất cả những bạn trẻ hiểu rằng, việc có thể nói tròn vành rõ chữ, có thể lắng nghe tiếng chim hót mỗi sáng, hay có được một gia đình hạnh phúc là điều vô cùng may mắn, đừng bao giờ lãng phí sự may mắn đó. Đừng bao giờ nói những điều không hay, đừng bao giờ vô tâm với tình yêu của mẹ cha, với tình thân của bạn bè, bởi giá trị của cuộc sống nằm ngay trong những điều tưởng chừng như bình thường nhưng mãi là niềm ao ước của không ít những bạn trẻ kém may mắn khác.

M.C.M

;
.
.
.
.
.