.

Cây xanh đường phố Đà Nẵng

.

Tốc độ đô thị hóa thành phố Đà Nẵng khá nhanh chóng. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vấn đề đô thị hóa cũng đặt ra những khó khăn, thách thức cần tập trung. Trong đó, cây xanh đường phố là một trong những vấn đề quan trọng, để thực hiện mục tiêu Đà Nẵng đến năm 2020 là thành phố xanh, sạch, đẹp, thân thiện, văn minh.

Cây xanh thành phố Đà Nẵng. Ảnh: ÔNG VĂN SINH
Cây xanh thành phố Đà Nẵng. Ảnh: ÔNG VĂN SINH

Cây xanh đường phố khác với cây xanh nói chung ở chỗ: cây xanh đường phố có những yêu cầu khắt khe, cây sống lâu năm nhưng không gãy đổ vì mưa bão, bộ rễ phải bền vững nhưng không được phá vỡ vỉa hè, công trình ngầm. Cây xanh tươi, ít rụng lá, nhiều hoa sắc màu rực rỡ, có hương thơm nhưng không nồng độc, có trái nhưng không cứng, không lớn, rơi xuống đường không gây ra tai nạn; lá nhiều, có thể che nắng, che bụi, tạo thành cảnh quan đẹp cho thành phố. Mỗi loại cây phải được trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng, từng khu vực, từng loại đường phố.

Thành phố Đà Nẵng thuộc dải đất miền Trung, khí hậu khắc nghiệt, bão lụt, nắng hạn thường xuyên. Hơn nữa, Đà Nẵng là đô thị có thổ nhưỡng đa dạng: vùng núi, trung du, đồng bằng, nội thành dễ chọn cây hơn vùng ven biển. Đường phố ven biển, nước mặn nằm sát mặt đất, không thể trồng loại cây có rễ cọc, rễ trụ, vì nước mặn sẽ làm rễ cây không cắm sâu xuống lòng đất nên khi mưa bão, đất mềm, cây dễ ngã đổ. Vì thế, việc xác định trồng loại cây gì cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Đà Nẵng không phải là điều đơn giản.

Thành phố Đà Nẵng có nhiều loại đường, nhiều vỉa hè rộng, hẹp khác nhau, nhiều khi cùng một loại đất nhưng tuyến đường Đông - Tây phải trồng loại cây xanh khác với những tuyến đường Bắc - Nam. Bởi vì, tuyến đường Đông - Tây cần nhiều bóng cây che ánh nắng mặt trời chói chang của mùa hè miền Trung, nên cây trồng phải có tán lá to, dày, che chắn được nắng, gió, bụi bặm, hạ bớt nhiệt độ nóng phả ngược từ mặt đường, lên nhà, lên phố.

Đa số đường phố cũ của thành phố Đà Nẵng đều có vỉa hè hẹp và cây xanh được trồng ngay dưới các hàng dây điện, dây điện thoại, gần hệ thống cấp thoát nước, cáp quang… Vì thế, dễ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh. Hơn nữa, những đường phố cũ, cây xanh trồng không đồng nhất về chủng loại, tuổi cây. Những đường phố mới ở các khu tái định cư, người dân tự trồng cây, chiếm tỷ lệ khá cao khoảng 42,18%, hầu hết là những cây tạp, tuy cho bóng mát nhanh nhưng không phù hợp với đường phố. Ở những vùng ven biển, Đà Nẵng chưa trồng được các đai rừng dương liễu phòng hộ, các vành đai xanh cách ly, nhằm che chắn gió biển, cải thiện điều kiện khí hậu, phụ trợ cho hệ thống cây xanh ở các tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Trường Sa... Vì thế, hậu quả sụt lở kè đường biển Nguyễn Tất Thành sau cơn bão số 9 năm 2009 là một tất yếu. Đồng thời, cho đến nay các đường phố ven biển cũng chưa xác định trồng loại cây gì cho phù hợp, đang trồng thử nghiệm một số loại cây nhưng phát triển rất chậm như: Muồng tím, bàng biển, bàng vuông...

Ở thành phố Đà Nẵng, cây xanh dành cho công viên, vườn hoa, vườn dạo rất hiếm và khá “khiêm tốn”. Trước năm 2000, chủ yếu chỉ có công viên 29-3. Sau khi điều chỉnh quy hoạch trên diện rộng,  nhiều mảng cây xanh cũng xuất hiện trên họa đồ quy hoạch tổng thể đô thị và quy hoạch chi tiết Đà Nẵng, nhưng tất cả vẫn còn ở phía trước.

Nhìn chung, cây xanh đường phố Đà Nẵng chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng sinh thái. Diện tích cây xanh đường phố Đà Nẵng bình quân đầu người những năm gần đây mới chỉ đạt 0,69m2/người. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam, thì mật độ cây xanh đường phố đô thị loại 1 phải đạt tỷ lệ 1,9m2-2,2m2/người. Nói đến thành phố môi trường, không gian xanh đô thị, trong đó có cây xanh đường phố là một trong những tiêu chí hàng đầu của văn hoá đô thị, là bộ phận cấu thành không thể thiếu trong bố cục không gian đô thị. Hơn nữa, không gian xanh đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa không khí, cải thiện môi trường sống, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, làm tăng vẻ đẹp cảnh quan đô thị.

Qua phân tích, thực trạng cây xanh đường phố Đà Nẵng, qua nghiên cứu ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà chuyên môn về cây xanh đô thị; đồng thời, qua khảo sát thực tế cây xanh ở đường phố Đà Nẵng, thành phố Hội An, thành phố Huế…, người viết bài này xin đề xuất một số cây xanh trồng ở đường phố Đà Nẵng.

Đường phố ven biển, trồng các loại cây đã được thử nghiệm thành công như phi lao, dừa, phong ba, muồng tím, bàng vuông, bàng biển, bàng Đài Loan…Đường phố xa biển, trồng các loại cây lim xẹt, dái ngựa, bàng Đài Loan, cọ Mỹ, cọ dầu… Đường phố nội thành, ở những đường phố lớn, trồng các loại cây dầu rái, sấu, sưa, phượng vĩ...; ở những đường phố nhỏ, trồng các loại cây như: Osaka, muồng hoàng yến, bằng lăng tím, muồng anh đào, sò đo cam, muồng hoa vàng...

Hiện nay thành phố Đà Nẵng đang mở rộng không gian đô thị, vì thế, có nhiều đường lớn, nhiều dải phân cách, trục giao thông. Để đường phố Đà Nẵng thông thoáng, sạch đẹp, cần trồng các loại cây phù hợp như huỳnh liên, chà là, hoàng lộc, muồng tây, (trúc bá diệp), chuỗi ngọc, vạn tuế, mai chiếu thủy lá nhỏ, cau bụng... Ngoài ra ở các bờ tường, bờ rào, ở những lan can, các đường Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng... cần trồng những loại cây hoa,  để tạo vẻ mỹ quan cho thành phố như hoa giấy, ánh hồng, huỳnh anh, cát đằng hoa to, rạng đông... Đồng thời, một số loại cây qua khảo sát thực tế và trồng thử nghiệm, nên hạn chế trồng ở đường phố Đà Nẵng như cây viết, không phù hợp với thổ nhưỡng Đà Nẵng, chậm phát triển, dễ sâu bệnh; cây hoa sữa mùi hương nồng, nếu có trồng chỉ nên trồng xen kẽ và rất hạn chế; cây trứng cá phát triển nhanh, song lá rụng nhiều, bộ rễ không bền vững, dễ ngã đổ; cây vông đồng thân dòn, dễ gãy cành và ngã đổ, cây nhiều gai nhọn, rơi xuống đất, dễ gây tai nạn; cây trúc đào nhựa rất độc…

Cây xanh không chỉ mang lại cho con người bóng mát, tạo ra vẻ đẹp từ hoa và lá, mà còn có thể đi vào lòng người nhờ sự hữu ích và ấn tượng của nó, tạo nên vẻ đẹp lãng mạn cho mỗi con đường, mỗi công viên, vườn dạo, thậm chí tạo nên sắc thái văn hóa riêng cho mỗi vùng đất, mỗi địa phương. Chính vì thế, không gian xanh đô thị, trong đó có cây xanh đường phố trở thành dấu ấn khắc sâu trong tâm khảm, ký ức không thể nào quên của cư dân đô thị.

TRẦN VĂN THIẾT

;
.
.
.
.
.