“Việc đăng ký học hai chương trình, khi tốt nghiệp được nhận 2 bằng đại học của một trường mở ra rất nhiều cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên (SV)”, bạn Ngô Hoàng Tùng, cựu SV Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng cho biết.
Hoàng Tùng là một trong 123 SV của trường này đã nhận thêm bằng tốt nghiệp đại học thứ hai cho một chuyên ngành khác với chuyên ngành đăng ký ban đầu khi thi đỗ vào đại học. Trường ĐH Kinh tế chủ trương đào tạo song song hai chương trình cũng giúp SV các trường khác thuộc ĐH Đà Nẵng có hai tấm bằng tốt nghiệp, hành trang tìm việc cũng nhờ đó đầy đặn hơn.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng nhận bằng tốt nghiệp (Ảnh mang tính minh họa) |
Thi đỗ vào ĐH Kinh tế năm 2009, Ngô Hoàng Tùng đăng ký học ngành quản trị kinh doanh thương mại. Học được một kỳ, Tùng đăng ký thêm ngành thứ 2 là kiểm toán, ngay khi trường thông báo sẽ đào tạo song song hai chương trình, khi tốt nghiệp SV sẽ được cấp hai bằng đại học. Tùng cho biết: “Khi học phổ thông, làm đơn đăng ký thi đại học, em vẫn chưa xác định được ngành mình thích nên đăng ký vào ngành quản trị kinh doanh thương mại. Học thương mại là học kinh doanh, nhưng trong quá trình học em thấy thích học các con số hơn, thấy đầu óc mình logic hơn nên sau học kỳ 1 của năm thứ nhất, em đăng ký thêm ngành học thứ 2 là kiểm toán”.
Tốt nghiệp ĐH Kinh tế Đà Nẵng tháng 7-2013, hiện nay Hoàng Tùng đang làm việc cho một công ty phần mềm. Công việc nghe có vẻ không liên quan nhiều đến tấm bằng kiểm toán và kinh doanh thương mại, vì Tùng đang đảm nhận vị trí kế toán cho công ty. Tùng chia sẻ là ở Đà Nẵng ít công ty kiểm toán nên số đầu việc cũng không nhiều. Nhưng bạn tin rằng cơ hội việc làm với đúng ngành nghề của mình trong tương lai sẽ không thiếu, và đây cũng là cơ hội của nhiều bạn SV sau khi tốt nghiệp 2 chương trình đại học. “Em nghĩ việc đăng ký học hai chương trình, khi tốt nghiệp được nhận 2 bằng đại học của một trường mở ra rất nhiều cơ hội việc làm. Học hai chương trình cũng là giải pháp cho những người thiếu điểm ở một số ngành họ thích khi thi đỗ vào trường đại học. Ngoài ra, việc học hai chương trình tạo ra áp lực cho mình, buộc mỗi người phải cố gắng rất nhiều trong quá trình học”, Hoàng Tùng cho biết thêm.
Cùng tốt nghiệp vào năm 2013 trường ĐH Kinh tế như Hoàng Tùng, bạn Nguyễn Thị Bích Hà khi đang học năm nhất ngành kinh tế phát triển đã đăng ký học thêm chuyên ngành thứ 2 là tài chính doanh nghiệp. Theo Bích Hà thì với những môn học là kiến thức chung thì khi học bằng 2, bạn không cần đăng ký học lại và đặc biệt là với những người có hai bằng đại học, một lợi thế hơn hẳn là khi đi phỏng vấn xin việc làm, nếu bằng đại học này không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng thì đã có tấm bằng khác - với những kiến thức đào tạo chuyên sâu bổ trợ, thì cơ hội việc làm mở ra rất nhiều…
Bà Huỳnh Thị Hồng Hạnh, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng cho biết, từ việc đào tạo bằng tín chỉ, khi trường mở song song đào tạo 2 chương trình, cấp hai bằng tốt nghiệp cho 1 SV, thì tùy vào khả năng, SV có thể chọn số lượng tín chỉ học vừa sức (trong chương trình 1 SV cần hoàn thành tối thiểu 14 tín chỉ/năm và chương trình 2 cần hoàn thành ít nhất 3 tín chỉ/năm). Tuy nhiên, đa số SV đăng ký tín chỉ và hoàn thành chương trình cùng một lần; trong số những bạn đã tốt nghiệp có những SV giỏi học xong 2 bằng trong 4,5 năm. “Hầu hết những SV đăng ký học chương trình 2 có học lực khá nhưng có những rủi ro khi thi đầu vào, nên việc học và tốt nghiệp với 2 bằng sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn”, bà Hồng Hạnh nhấn mạnh lợi ích của chương trình đào tạo này.
Một điều thuận lợi khi ĐH Kinh tế mở đào tạo song song 2 chương trình là trường đã xây dựng một mảng học phần thống nhất, trọn vẹn; ngoài ra, khối ngành kinh tế có nhiều môn chung, đặc biệt là hai năm học đầu, giúp SV thuận lợi trong quá trình tích lũy tín chỉ. Năm 2009, có 110 SV đăng ký học chương trình 2 thì đến năm 2010 số SV đăng ký học là 163 em. Từ năm 2011 trường tiếp nhận đào tạo cho SV các trường thuộc ĐH Đà Nẵng, chủ yếu là SV đến từ ĐH Ngoại ngữ với 127 SV. Năm đầu tiên có 19 em, thì đến năm 2013 đã có 66 SV ngoài trường học tại đây.
Riêng kỳ học đầu tiên của năm 2014, có 31 SV ĐH Kinh tế đăng ký học chương trình 2 và 32 SV các trường khác nhập học. Theo bà Hồng Hạnh thì SV ĐH Ngoại ngữ chọn học bằng 2 tại trường vượt trội so với các trường khác vì có một số môn học của hai trường giống nhau, có thể chuyển điểm dễ dàng. Và hiện nay trường không tuyển SV ở các trường ngoài ĐH Đà Nẵng do điểm chuẩn vào trường của các trường này thường thấp hơn ĐH Kinh tế; ngoài ra trường không kiểm soát được chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo, SV không thể chuyển điểm các môn đã học…
Hiện nay số lượng trường đào tạo cùng lúc 2 chương trình không nhiều, nên việc học và nhận một lúc 2 bằng đại học của SV ĐH Kinh tế và một số trường thuộc ĐH Đà Nẵng mở ra nhiều cơ hội việc làm cho những ai ham học và biết nhiều ngành nghề; đây cũng là tiêu chuẩn mà nhiều cơ quan, doanh nghiệp đang hướng tới khi tuyển chọn nhân sự.
SONG LINH