Từ ngày 24-5-2014, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng triển khai khám và châm cứu miễn phí mỗi tuần 3 buổi (chiều thứ ba, sáng thứ bảy và chủ nhật) tại Phòng Phục hồi chức năng Nhi thuộc khoa Châm cứu – Dưỡng sinh. Chương trình này không chỉ để hưởng ứng “Tháng hành động vì sức khỏe trẻ em”, mà sẽ duy trì thường xuyên với sự tham gia của y bác sĩ của bệnh viện và một vài thầy thuốc thiện nguyện khác.
Lương y Huỳnh Sự, thầy thuốc có nhiều kinh nghiệm và tâm huyết với công tác châm cứu phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật ở Đà Nẵng. Ảnh: P.C.T |
Câm, điếc, bại liệt, chậm nói, chậm đi, chậm phát triển cả thể lực và trí tuệ… là những di chứng nặng nề đối với trẻ em không may mắc các bệnh về não như bại não, viêm não, viêm màng não, chấn thương sọ não, động kinh... Nếu được phát hiện sớm và điều trị lâu dài, châm cứu là phương pháp phục hồi chức năng khá hữu hiệu.
Một báo cáo đánh giá trên 4.000 bệnh nhi bại não điều trị trong giai đoạn 2009-2011 tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương bằng phương pháp châm cứu phục hồi chức năng cho thấy tỷ lệ khỏi bệnh hoàn toàn (đi lại, nói, đi học, hòa nhập tốt) chiếm 18% - 21%; cải thiện rõ rệt (ngồi vững, bò, đứng vịn, đứng, đi men, nói thêm từ, hiểu lời nói) chiếm 60% - 75%; chỉ có 1% - 5% trẻ không cải thiện do chịu ảnh hưởng bởi một số bệnh lý khác.
Hiện nay, bên cạnh các phương pháp châm cứu cổ truyền, các thầy thuốc còn ứng dụng nhiều thành tựu châm cứu mới (tân châm) như: Mãng châm (dùng kim to, kim dài để xuyên kinh xuyên huyệt, có tác dụng điều khí mạnh, tác động vào các nhóm cơ liệt); Điện châm (dùng một dòng điện nhất định tác động lên các huyệt châm cứu để kích thích các cơ bại liệt); Thủy châm (dùng thuốc tân dược bổ thần kinh của y học hiện đại tiêm vào các huyệt có tác dụng phục hồi các chức năng thần kinh bị suy giảm hoặc mất); Nhu châm (chôn chỉ tự tiêu vào huyệt), Vật lý trị liệu (dùng các tác nhân vật lý như nhiệt, sóng siêu âm, ánh sáng, từ trường, điện xung… giúp cho các cơ liệt phục hồi nhanh chóng).
Ngoài ra, kết hợp với tập vận động các chi yếu liệt hay toàn thân, xoa bóp bấm huyệt để điều trị giúp cho khí huyết tưới nhuần, nuôi dưỡng gân cơ, xương khớp và khai khiếu các giác quan. Một kinh nghiệm của người viết bài này thường hướng dẫn cho cha mẹ các cháu các động tác xoa miết nhẹ nhàng kết hợp véo cột sống lưng cho các cháu sẽ hỗ trợ hiệu quả điều trị khá tốt.
Cần lưu ý, chỉ có thầy thuốc chuyên khoa sau khi thăm khám mới chỉ định công thức huyệt và phương pháp điều trị cụ thể cho từng cháu. Liệu trình điều trị một đợt thường kéo dài 1 tháng, châm mỗi ngày 1 lần hoặc cách nhật, sau đó nghỉ một vài tuần rồi lặp lại đợt tiếp theo. Với trẻ bại não, các chuyên gia khuyến cáo việc điều trị bằng châm cứu chỉ thực hiện khi trẻ được 6 tháng tuổi và cân nặng trên 7 - 8kg.
PHAN LANG