“Giữ lửa” một chuyên mục trên báo Nhân dân là tập sách tập hợp 123 bài xã luận tiêu biểu của PGS, TS nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đề cập mọi vấn đề thời sự trọng tâm của đất nước suốt 18 năm qua.
Nhà xuất bản Văn học chỉ chọn quá nửa số bài trong chuyên mục “Vấn đề tháng này” (đăng trên Báo Nhân Dân hằng tháng), từ số đầu tiên tháng 6-1997 đến số tháng 3-2014, bao gồm các vấn đề chính trị, kinh tế-xã hội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng… được tác giả phân tích, luận bàn, góp sức gợi mở, định hướng thông tin.
Lần giở cuốn sách dày, đập vào mắt tôi là những bài báo ngắn diễn đạt khá mềm mại, súc tích, mang hơi hướng văn chương bút ký của nhà báo Hồng Vinh. Là “cây xã luận” suốt 18 năm qua, kể cả khi đã chuyển sang công tác khác, dù biểu dương hay phê phán ông vẫn luôn giữ được cái tâm trong sáng và cái tầm trí thức không ngừng được bồi đắp. Nhà báo Hồng Vinh tâm sự rằng, dù mỗi bài chỉ viết trên dưới 500 từ, song không ít lần ông phải “đánh vật” với con chữ, sửa đi, sửa lại; thậm chí có hôm báo lên mo-rat rồi, ông vẫn xin được sửa hoặc bổ sung vài chữ. Sau nhiều năm một mình “gánh” chuyên mục này, từ thực tiễn lại nảy sinh một vấn đề làm người viết “đau đầu”, đó là chuyện trùng lặp các vấn đề trọng tâm trong từng tháng.
Bởi ai cũng biết, ngoài các sự kiện chính trị, xã hội, đối ngoại đột xuất, thì những sự kiện như đón Tết Âm lịch, Tết Dương lịch, kỷ niệm các ngày lễ lớn như thành lập Đảng, Quốc tế Phụ nữ, Ngày sinh nhật Bác, Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Cách mạng Tháng Tám… lặp lại hằng năm, hằng tháng. Nếu không “động não”, thay đổi tư duy, cách diễn đạt, thì các bài viết dễ đi vào lối mòn, lặp lại chính mình dễ khiến bạn đọc nhàm chán. Nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, những kinh nghiệm, bản lĩnh chính trị, cộng tâm hồn thơ phú không những giúp nhà báo Hồng Vinh trụ vững với nghề, mà những bài xã luận của ông cũng luôn được bạn đọc trân trọng, trở thành động lực để ông tiếp tục cầm bút, duy trì chuyên mục.
Có lẽ, không phải ngẫu nhiên tôi lại ấn tượng về cách tiếp cận, triển khai đề tài thời sự, chính trị của nhà báo Nguyễn Hồng Vinh. Dù diễn đạt nhẹ nhàng, ngắn gọn, tôi vẫn tìm thấy trong đó luồng tư tưởng xuyên suốt và rất mạch lạc. Như trong bài xã luận Hãy làm cho hoa thơm át đi cỏ dại, ông viết “Xúc động và trân trọng biết bao những hành động cao đẹp của các mẹ tự nguyện hiến đất của gia đình để xây trường học, bệnh viện; các chị tình nguyện nhận nuôi nấng, dạy dỗ hàng chục cháu bị mồ côi, lang thang, cơ nhỡ trở thành người có ích. Với suy nghĩ “đói cho sạch, rách cho thơm”, không ít chị làm việc ở cơ quan ngân hàng trong mười năm liền đã hàng trăm lần trả lại tiền thừa cho khách.
Cao đẹp nhường nào khi hàng ngàn cô giáo chấp nhận mọi gian truân, sẵn sàng hy sinh tuổi xuân để gắn cuộc đời mình với vùng sâu, vùng xa, góp sức đem cái chữ làm sáng lòng, sáng dạ con em đồng bào các dân tộc thiểu số”. Cách viết gần gũi như thế đã giúp mỗi bài báo của ông dễ dàng đi vào lòng người, đọng lại nơi độc giả niềm tin, niềm hy vọng vào cuộc sống.
PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh quê xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, hiện là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Tác giả từng đảm nhiệm nhiều trọng trách như Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đại biểu Quốc hội các khóa X, XI.
Ông bắt đầu bước vào nghề báo từ năm 1968, làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân từ năm 1996 và là anh cả trong làng báo chí Việt Nam thời bấy giờ. Trong quá trình lãnh đạo Báo Nhân Dân, ông đã thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển, đổi mới tờ báo, không chỉ tăng về số lượng trang Báo Nhân Dân số ra hằng ngày mà còn nâng cao chất lượng ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần, Nhân Dân hằng tháng với nhiều chuyên mục mới mang lượng thông tin đa dạng, phong phú, hấp dẫn bạn đọc.
TIỂU YẾN