Gần đây trên một trang mạng thông tin giải trí xã hội có đăng bài “Cây thuốc chữa bệnh về gan, kể cả ung thư thời kỳ cuối”. Theo yêu cầu của một số đồng nghiệp, tôi đã tra cứu và xác định cây “An xoa” trong bài viết này chính là cây Tổ kén cái.
Cây “an xoa” là cây tổ kén cái. Ảnh: P.C.T |
Theo bài viết lan truyền trên mạng, một bệnh nhân 50 tuổi sống ở thị trấn Lộc Ninh, Bình Phước, có triệu chứng vàng da, bụng chướng, ăn uống không được, sức khỏe yếu dần, nên đã đến một bệnh viện lớn ở TP. Hồ Chí Minh kiểm tra và được chẩn đoán có một khối u trong gan, đề nghị phải phẫu thuật. Do đau buồn, tuyệt vọng, bệnh nhân đã quyết định về nhà “chờ chết”.
Đang khi sức khỏe suy giảm nghiêm trọng (sút đến 20 cân), người bệnh tình cờ được một người bạn (gốc người Campuchia) chỉ cho phương thuốc bí truyền của gia đình là dùng cây “an xoa” hái về xắt nhỏ, rửa sạch, phơi khô, sao vàng hạ thổ rồi đem nấu nước uống. Khi uống vào bụng cồn cào, sôi sùng sục, như cảm giác bụng đói, hơi khó chịu. Trong 3 ngày đầu uống thuốc, đi ngoài ra phân sệt và rất tanh hôi, sang ngày thứ tư thì đi phân bình thường, bắt đầu có cảm giác thèm ăn, giấc ngủ cũng sâu và ngon hơn trước.
Bệnh nhân tiếp tục uống thuốc sau 3 tháng thì hoàn toàn bình phục, tái khám bệnh viện cho thấy khối u biến mất. Từ kinh nghiệm của mình, người bệnh này đã chỉ rất nhiều người bệnh về gan như viêm gan siêu vi B, C, ung thư gan, men gan cao, hay thậm chí những người hay đau lưng, nhức mỏi, da xanh, mất ngủ, kể cả những người tim hay mệt dùng cây “an xoa” sắc uống cũng đều thấy giảm bớt.
Nhờ những hình ảnh kèm theo bài viết, chúng tôi đã khảo sát và xác định cây “an xoa” chính là cây Tổ kén cái. Để tránh nhầm lẫn, tôi đã lấy mẫu cây Tổ kén cái có mọc hoang ở Đà Nẵng gửi cho TS Võ Văn Chi và tác giả Từ điển Cây thuốc Việt Nam tái xác định đã định danh đúng.
Tổ kén cái còn có tên Dó lông, tên khoa học Helicteres hirsuta Lour., thuộc họ Trôm - Sterculiaceae.
Đây là cây bụi cao 1-3m; nhánh hình trụ, có lông, lá hình trái xoan dài 5-17cm, rộng 2,5-7,5cm, gốc cụt hay hình tim, đầu thon thành mũi nhọn, mép có răng không đều, mặt dưới màu trắng, cả hai mặt phủ đầy lông hình sao; gân gốc 5, cuống lá dài 0,8-4cm; lá kèm hình dải, có lông, dễ rụng. Cụm hoa là những bông ngắn, đơn hay xếp đôi ở nách lá. Hoa màu hồng hay đỏ; cuống hoa có khớp và có lá bắc dễ rụng; đài hình ống phủ lông hình sao, màu đo đỏ, chia 5 răng; cánh hoa 5; cuống bộ nhị có vân đỏ; nhị 10, nhị lép bằng chỉ nhị; bầu có nhiều gợn, chứa 25-30 màu trong mỗi lá noãn. Quả nang hình trụ nhọn (có lông, trông như tổ kén); hạt nhiều, hình lăng trụ. Ra hoa kết quả gần như quanh năm.
Tổ kén cái được phân bố khắp nơi nước ta, còn có ở Nam Trung Quốc và nhiều nước Nam Á châu. Cây dùng làm thuốc chữa ung nhọt. Rễ dùng làm dịu đau, dùng chữa kiết lỵ, đậu sởi, cảm cúm và làm thuốc tiêu độc, còn dùng chữa đái dắt.
Với quan điểm “đừng vội tin, cũng đừng vội bác bỏ”, chúng tôi rất mong các nhà khoa học và lâm sàng vào cuộc nghiên cứu, kiểm chứng thêm về tính năng tác dụng của cây thuốc này.
PHAN CÔNG TUẤN