Đang lững thững trở về nhà ở trung tâm thành phố Abidjan, nhiếp ảnh gia người Anh Barnus Sevi Gbedike nhận thấy một điều gì đó bất thường: một nhóm trẻ em đường phố chơi bóng với những đứa trẻ hàng xóm.
“Những trẻ em đường phố tới đây có thể là những đứa may mắn bởi chúng có thể nhận được thức ăn hay có được một sự thay đổi nhỏ nào đó”, Gbedike thầm nghĩ. Đơn giản, bọn chúng bị kỳ thị, thậm chí là bị tấn công. Những đứa trẻ khác luôn được bố mẹ giữ khoảng cách nhất định với trẻ em đường phố như thể bọn chúng là ổ vi trùng!
Trẻ em đường phố đang chơi bóng. |
Ông thu thập tài liệu, hình ảnh về trẻ em đường phố ở thủ đô của Bờ Biển Ngà suốt một năm qua nhằm thực hiện một cuộc triển lãm nên đúc kết được rằng xem trẻ em đường phố chơi bóng là khoảnh khắc hiếm hoi chúng có được cơ hội làm… trẻ em. Có lẽ nhờ bóng đá đã phá bỏ rào cản đó. Bọn chúng quần áo tả tơi, rất bẩn nhưng lại rất giống với những đứa trẻ bình thường khác khi cùng nhau quần thảo cùng trái bóng. Đó là thời điểm tất cả không hề phân biệt giai cấp, tầng lớp để vui cùng quả bóng.
Số lượng trẻ em đường phố ở Bờ Biển Ngà tăng vọt sau cuộc khủng hoảng chính trị đã chia cắt đất nước, phía bắc do phiến quân quản lý và phía nam do chính phủ quản lý, hồi năm 2012. Nửa triệu trẻ em mồ côi do virus HIV. Điều này chẳng có gì lạ bởi vì Bờ Biển Ngà là nước có tỷ lệ nhiễm HIV cao thứ nhì trong khu vực. Bóng đá trở thành điểm sáng trong môi trường sống khắc nghiệt và không thể dự báo trước được điều gì.
Gbedike chụp được bức ảnh rất xúc động: Cậu bé 15 tuổi ngủ trên chiếc ghế và lấy đôi giày của mình lót dưới chân ghế. Cậu bé giải thích chỉ cần ngủ say là có thể bị mất trộm đôi giày mà mất nó thì không có để đá bóng. Cậu cho biết thêm là cậu rất mê đá bóng. Những cậu bé đường phố xem siêu sao Didier Drogba hay anh em ruột nhà Toure là thần tượng và cũng là giấc mơ đổi đời.
Bọn chúng tìm mọi cách để theo dõi World Cup 2014 tại Brazil khi luẩn quẩn ở những quán bar hay khu vực có màn hình rộng ngoài trời. Bọn chúng thất vọng ê chề khi tuyển Bờ Biển Ngà bị loại sau vòng bảng. Gbedike nhận ra một trong những giá trị thực của một trận đấu là nằm ở những đứa trẻ đường phố này. Bọn chúng chơi bóng không chỉ đơn thuần là một môn thể thao mà nó giúp bọn chúng sống và cùng nhau lớn lên. Bọn chúng bỏ học, cũng chẳng thèm đi làm kiếm tiền. Bọn chúng chỉ cố tập đá bóng với hy vọng một ngày nào đó có thể theo như những thần tượng của mình sang châu Âu thi đấu để đổi đời…
TỊNH BẢO