Nghệ sĩ Nguyễn Nho Túy còn có tên gọi là Đội Tảo, sinh năm 1898 (Mậu Tuất) tại làng Phú Hanh, nay thuộc xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông gốc người làng La Qua (Vĩnh Điện), phủ Điện Bàn, quê hương của nhà soạn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.
Tổ tiên của ông lên Phú Hanh lập nghiệp đã ba đời. Cha ông, thầy Bốn Quản là một kép hát. Trong tác phẩm “Năm mươi lăm năm trên sân khấu tuồng” do Vụ Văn hóa quần chúng xuất bản năm 1968, ông viết: “Cha tôi là một kép hát cũng vào loại lành nghề, vì vậy bị vua quan Nhà Nguyễn bắt ở lính. Đó là một thứ lính hết sức lạ đời. Loại lính nầy chỉ có việc hát tuồng mua vui cho bọn chúng hội hè, yến ẩm…”.
Một cảnh trong vở Lý Công Uẩn do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh dàn dựng. Ảnh: V.T.L |
Lòng say mê nghệ thuật của ông thể hiện rõ nhất là việc mê xem hát ngay từ thời tấm bé. Những năm lên sáu, lên bảy, cậu bé Thử (tên của ông khi còn nhỏ) đã theo cha đi khắp các làng quê, nẻo chợ. Cha đi hát nơi nào, cậu cũng nằng nặc đòi theo cho bằng được và thức trắng đêm để xem cha diễn. Những lúc ấy, cậu bé Thử hòa nhập tình cảm của mình vào vai diễn của cha. Thử thích thú khi cha oai phong lẫm liệt trong vai người chiến thắng kẻ thù cứu bạn; hoặc đau buồn tuôn trào nước mắt khi thấy cha trong một nhân vật có hoàn cảnh bi thương, nghiệt ngã,… và cậu không những chỉ xem mà còn bắt chước hát cho thuộc từng câu, múa cho quen từng điệu bộ. Những ngày xa cha, phải đi chăn trâu, cắt cỏ. Cậu bé lại lấy điệu bộ, cử chỉ, cách nói năng của ông tướng tuồng để đối xử với con trâu. Một làn roi, một tiếng thét, câu hát tẩu, hát khách… cũng dùng vào việc sai khiến, điều khiển trâu.
Có một lần vì quá ham chơi, để trâu ăn lúa và bị người chủ bắt được. Bác nông dân không đánh Thử mà chỉ bảo rằng: “Mi hát một câu cho hay thì tau tha!”. Nghe vậy, Thử liền ra bộ, chỉ vào con trâu và ứng khẩu hát: “Phản tặc kia tội mày khôn thứ. Gươm thiêng dành trừ khử loài gian!”.
Bác nông dân vỗ đùi cười rồi tha cho dắt trâu về.
Năm mười ba tuổi, Nguyễn Nho Túy chính thức được cha cho học hát tuồng để nối nghiệp nhà. Là người lao động nghệ thuật nghiêm túc, ông Bốn Quản luôn nghiêm khắc trong việc dạy con học hát. Nguyễn Nho Túy biết bao lần phải chịu roi đòn khi không hát được, diễn được theo ý cha mình, đến nỗi có khi người mẹ hiền hậu của ông thấy vậy phải khóc rưng rức: “Ông đánh nó nữa tôi la làng!”.
Lòng say mê nghệ thuật tuồng đã làm cho Nguyễn Nho Túy không nản chí. Mặc dù thời bấy giờ, quan niệm “xướng ca vô loài” hay “phường bội là phường bạc”. Đây là một cách nhìn sai lầm đương thời, cho rằng những người hát xướng là tầng lớp thấp, không ra gì trong xã hội. Đôi lúc làm ông nản lòng, nhưng được ông ngoại là một thầy đồ, luôn động viên khuyến khích: “Bội là bạc nhưng mình không bạc thì thôi, do con người mà ra cả chứ đâu phải do nghề!”. Từ đó, ông yên tâm học tuồng. Hết học cha, ông quay sang học nhiều người nổi tiếng khác. Tưởng chừng nghề tuồng gắn bó với đời mình đến mức như không có nó là không thể sống được.
Khi bước vào tuổi thanh niên, ông tiếp tục theo học trường tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và trở nên nổi tiếng. Ông đóng được kép và còn đóng được cả đào; hát hay, múa đẹp. Khán giả thời bấy giờ tặng ông danh hiệu “Con rồng trên sân khấu”.
Năm hai mươi tám tuổi, ông được triều đình Huế phong chức “Phó ca”, là chức chỉ huy, quản lý các gánh hát tuồng trong địa bàn một tỉnh. Bằng nghệ thuật đi hia điêu luyện có một không hai, ông đã diễn tả sinh động bao nhiêu tâm trạng khác nhau trong các lớp tuồng: Có lúc đau khổ ly biệt (Đổng Kim Lân), khi tình yêu xao động (Đào Phi Phụng - Địch Thanh), hoặc uất hận dâng trào (Hoàng Phi Hổ)… Ông là một trong “ngũ mỹ” (năm diễn viên tuồng xuất sắc của miền Trung từ đầu thế kỷ này). Những vai tuồng hay nhất của ông, nửa thế kỷ qua chưa ai sánh kịp. Ông cũng là người mở đường thành công cho sân khấu tuồng đi vào đề tài hiện đại bằng vai Ông Bảng trong vở “Chị Ngộ”.
Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông tham gia cách mạng với tư cách là một nghệ sĩ tuồng. Ông đã đi biểu diễn khắp chiến trường Liên khu 5, sau này trên miền Bắc. Đem tài nghệ của mình ra phục vụ đất nước, khi đã là bậc thầy nhưng ông không bao giờ tự phụ, tự mãn, vẫn cắp sách đi học văn hóa, chính trị, lý luận nghiệp vụ… Ông nói: “Càng học thì càng thấy sáng ra trong sáng tạo”. Ngoài việc nghiên cứu, biểu diễn; ông còn đào tạo ra hàng loạt diễn viên có tài như: Đinh Quả, Võ Sĩ Thừa, Vĩnh Phô, Quang Hạnh… Học trò của ông hiện nay là những diễn viên chủ chốt ở các đoàn tuồng khắp đất nước. Ông còn là người có công lớn trong việc phục hồi và phát triển nghệ thuật tuồng truyền thống, hàng chục vở tuồng cổ đã được ông ghi lại, dịch lại. Hàng trăm làn điệu, động tác ông đã truyền lại cho thế hệ trẻ.
Nguyễn Nho Túy – chú bé Thử chăn trâu đói nghèo ngày xưa của làng Phú Hanh, đã thể hiện tấm gương lao động nghệ thuật một cách kiên trì không mệt mỏi. Suốt đời chỉ biết phục vụ cho đất nước bằng tài năng sáng tạo của mình. Với công lao đó, ông được Nhà Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy chương Kháng chiến; là chiến sĩ thi đua 10 năm liền (1956 – 1965). Là đại biểu Quốc hội khóa III. Ông là một trong những nghệ sĩ lớp đầu tiên được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Nguyễn Nho Túy qua đời năm 1977. Ông mất đi, nhưng những di sản nghệ thuật của “con rồng trên sân khấu” vẫn sống mãi với các thế hệ hôm nay và mai sau, trong lòng những người làm nghệ thuật sân khấu và những người yêu nghệ thuật tuồng.
NGUYỄN HẢI TRIỀU