.

Đà Nẵng với Hiệp định Genève năm 1954

.

Đà Nẵng có một cơ duyên đặc biệt đối với Hiệp định Genève năm 1954. Sở dĩ nói vậy bởi từng có khả năng Đà Nẵng - chứ không phải Quảng Trị - trở thành giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam.

Hội nghị Quốc tế về Đông Dương đã họp tại Genève (Thụy Sĩ) ngày 20-7-1954, các hiệp nghị về Đông Dương đã được ký kết giữa các bên liên quan. (Ảnh tư liệu)
Hội nghị Quốc tế về Đông Dương đã họp tại Genève (Thụy Sĩ) ngày 20-7-1954, các hiệp nghị về Đông Dương đã được ký kết giữa các bên liên quan. (Ảnh tư liệu)

1. Đà Nẵng có một cơ duyên đặc biệt đối với Hiệp định Genève năm 1954. Sở dĩ nói vậy bởi từng có khả năng Đà Nẵng - chứ không phải Quảng Trị - trở thành giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Chính Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai là người đầu tiên đề xuất lấy mô hình Triều Tiên - chia cắt thành hai miền, áp dụng cho trường hợp Việt Nam và trong bức điện gửi cho Đảng Lao động Việt Nam vào đầu tháng 3 năm 1954, Chu Ân Lai gợi ý: “Có thể tham khảo vĩ tuyến 16 độ Bắc” và nhìn chung trong các cuộc đàm phán tại Hội nghị Genève, Chu Ân Lai vẫn giữ quan điểm: “Vĩ tuyến 16 độ Bắc có thể được coi là một trong những phương án để xem xét” (Qian Jiang: Zhou Enlai and the Geneva Conference,  Ibid, p.26, dẫn lại của Hồ Khang: Trung Quốc và quá trình ký kết Hiệp định Genève 1954, Văn hóa Nghệ An online, 9 tháng 5 năm 2014).

Tuy nhiên, theo nhà thơ Việt Phương - thành viên của Phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa dự Hội nghị  Genève 1954 - thì khi bước vào thời điểm phân định vĩ tuyến bắt đầu từ ngày 13 tháng 7 năm 1954, “Trung Quốc và Pháp đã có những cuộc trao đổi riêng với nhau và ngầm thỏa thuận sẽ chọn vĩ tuyến 17, sau đó Chu Ân Lai cũng đã đề nghị với Liên Xô chấp nhận điều kiện này” (dẫn theo Dân Việt online, 22 tháng 6 năm 2014). 

2. Sở dĩ nói Đà Nẵng có một cơ duyên đặc biệt đối với Hiệp định Genève năm 1954 còn bởi theo Hiệp định này, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cùng các đảo nằm ở phía nam vĩ tuyến 17 thuộc quyền quản lý của Chính phủ Quốc gia Việt Nam và sau đó là Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Trên cơ sở pháp lý được quốc tế - kể cả Trung Quốc - thừa nhận ấy, ngày 13 tháng 7 năm 1961, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thiện Khiêm, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ban hành Sắc lệnh số 174-NV, với nội dung: “Quần đảo Hoàng Sa, trước kia thuộc tỉnh Thừa Thiên, nay đặt thuộc tỉnh Quảng Nam; Một đơn vị hành chánh xã bao gồm trọn quần đảo này được thành lập và lấy danh hiệu là xã Định Hải, trực thuộc quận Hòa Vang. Xã Định Hải đặt dưới quyền một phái viên hành chánh; Bộ trưởng Nội vụ, Tỉnh trưởng Thừa Thiên và Tỉnh trưởng Quảng Nam, chiếu nhiệm vụ, lãnh thi hành Sắc lệnh này” (Nguồn: Công báo Việt Nam Cộng hòa 1961).

Ngày 21 tháng 10 năm 1969, Tổng trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa Trần Thiện Khiêm tiếp tục ban hành Nghị định số 709-BNV/HCĐP/26 về việc sáp nhập xã Định Hải vào xã Hòa Long thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam có kèm theo một bản đồ địa giới xã Hòa Long mới. (Xin nói thêm là trong cuộc chiến bản đồ liên quan đến đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, những bản đồ đính kèm các hiệp định quốc tế như Hiệp định Genève năm 1954 hoặc đính kèm các văn kiện hành chính công quyền như Nghị định số 709-BNV/HCĐP/26 mới có giá trị pháp lý và được các tòa án quốc tế công nhận).

Có thể nói từ thời điểm tháng 7 năm 1961 - tức 7 năm sau ngày Hiệp định Genève  được ký kết - và với hai văn kiện hành chính công quyền quan trọng dẫn trên, Đà Nẵng - bao gồm thị xã Đà Nẵng và quận Hòa Vang thuộc tỉnh Quảng Nam đương thời - đã trực tiếp tham gia quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, cho đến tận ngày nay.

3. Hiệp định Genève năm 1954 đã làm thay đổi diện mạo của Đà Nẵng trên phương diện kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như chính trị. Trước hết là thay đổi về cấu trúc dân cư. Sau Hiệp định Genève, nhiều gia đình người Đà Nẵng tham gia kháng chiến chống Pháp không thuộc diện chuyển quân tập kết ra miền Bắc đã hồi cư về thành phố; những cán bộ Việt Minh/đảng viên cộng sản được phân công trụ bám địa bàn Đà Nẵng cũng tìm cách thâm nhập vào nội thành để bắt đầu những ngày giữ lửa. Cùng lúc đó, nhiều người ở phía bắc vĩ tuyến 17 mà hầu hết là tín đồ Thiên chúa giáo đã di cư vào một số khu vực ở Đà Nẵng, thành lập thêm các giáo xứ mới như Tam Tòa, Chính Trạch, Thanh Bồ - Đức Lợi, Nhượng Nghĩa…

Tiếp theo là thay đổi về văn hóa ẩm thực. Trong bài Đầu năm bàn chuyện ẩm thực Đà Nẵng đăng trên Báo Đà Nẵng cách đây mấy năm, tôi từng khẳng định rằng không chỉ sau ngày đất nước thống nhất, cả nước sum họp một nhà, các món ăn xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam mới được du nhập vào Đà Nẵng, mà chí ít là từ 60 năm qua, đặc sản ẩm thực miền Bắc đã trở nên khá quen thuộc đối với khẩu vị của người Đà Nẵng.

Đầu thập niên 50 của thế kỷ trước - tức từ sau ngày Hiệp định Genève được ký kết - theo chân những người Bắc di cư vào Nam, một số đặc sản ẩm thực miền Bắc cũng đã chính thức nằm trong thực đơn đặc sản ẩm thực Đà Nẵng, chẳng hạn như phở hoặc bánh cuốn, hay dân dã hơn nữa là thịt chó... Thịt chó quen thuộc đến mức ngã ba Trưng Nữ Vương - Phan Châu Trinh từng được mệnh danh là Ngã ba Thịt Chó. Rồi có một thương hiệu bánh cuốn Bắc vẫn nổi tiếng cho đến tận bây giờ là Bánh cuốn Tiến Hưng. Còn phở Bắc thì cũng khá phổ biến - trước năm 1975 có tiệm phở Cấp Tiến ở đường Yên Bái luôn luôn đông khách…

4. Hiệp định Genève năm 1954 không chỉ làm thay đổi diện mạo của Đà Nẵng trên nhiều phương diện như nêu trên mà còn mang lại cho người Đà Nẵng một nỗi buồn chiến tranh - chữ dùng của nhà văn Bảo Ninh. Những tưởng sau chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” (nói theo cách của nhà thơ Tố Hữu) và sau chiến thắng Bồ Bồ - một chiến công cũng rất lẫy lừng trên một chiến trường được xem là Điện-Biên-Phủ-miền-Trung, người Đà Nẵng đã có thể có được cuộc sống hòa bình, có thể trở lại làm người tự do, trở lại làm công dân một quốc gia độc lập.

Nhưng lịch sử lại đi theo một hướng hoàn toàn khác với những gì người Đà Nẵng mong đợi suốt chín năm trời kháng chiến... Chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954 tuy rất là vẻ vang và là kỳ tích của dân tộc Việt Nam anh hùng trong đó người Đà Nẵng có một phần đóng góp, nhưng suy đến cùng đó cũng chỉ là thắng lợi của một chiến dịch chứ chưa phải là thắng lợi của cả cuộc chiến tranh.

Thắng lợi đã đến quá gần nhưng dẫu sao vẫn là chưa đến hẳn, chưa phải là thắng lợi cuối cùng, nhất là vào thời điểm này, khi Mỹ vừa muốn chia lửa với Pháp lại vừa muốn hất cẳng Pháp, lộ liễu tới mức tướng Pháp Henri Navarre đã phải than phiền trong hồi ký: “Địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ”.

Để đi đến thắng lợi cuối cùng, người Đà Nẵng còn phải sải bước trường chinh cùng với cả đất Quảng, cả miền Nam và cả nước ròng rã hai mươi năm nữa. Và cũng do Hiệp định Genève  về Đông Dương quy định sông Bến Hải - vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời để quân đội hai bên chuyển quân tập kết, nên nhiều người sinh năm Giáp Ngọ 1954 ở phía Nam giới tuyến này - trong đó có Đà Nẵng - ngay khi mới sinh ra đã phải chịu cảnh sống xa cha và không ít người trong số họ lớn lên/già đi mà không có cơ hội trùng phùng với người cha thân yêu của mình…

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.