.
Phương hay Thuốc quý

Chùm gửi nên thuốc

.

Nhà chị bên cạnh ngôi chùa nhỏ, gọi đúng tên là cơ quan Phước Thiện của một họ đạo Cao Đài. Một thời cơ sở này do bác Giáo đầu họ là lương y nức tiếng trong vùng cai quản. Có đôi vợ chồng trẻ, kẻ thất cơ lỡ vận, người cháu chúa con vua mà sinh bất phùng thời, đã được bác Giáo cho nương nhờ đất tịnh để nên nhà nên cửa.

Một loài chùm gửi trên cây dâu.
Một loài chùm gửi trên cây dâu.

Vốn nếp nhà gia giáo, lại mang nặng thâm ân của bậc thầy đã cưỡi hạc quy tiên, suốt mấy chục năm qua, ngày ngày ngoài công việc nội trợ gia đình, chị vẫn dành thời gian tự nguyện coi sóc khói hương, vườn tược cho cơ sở họ đạo. Bây chừ, khi con cái đã trưởng thành, chị có thêm nhiều thời gian cùng chúng bạn đi đó đây trong vùng làm công tác thiện nguyện.

Một lần lên Nhà điều dưỡng tình thương Suối Hoa, ở xã miền núi Hòa Phú, chị thấy cả cái sân nhà thương phơi nhiều cây thuốc quen thiệt là quen. Thầy Thích Đức Vân, trưởng ban điều hành của nhà điều dưỡng dẫn chỉ cho chị xem nào củ cỏ cú, nào cây ngò trời, cả cây chó đẻ, cả cây lẻ bạn vườn nào cũng có…

Ui cha mạ ơi, lại cả cây chùm gửi mà cũng nên thuốc. Cây ni thì vườn chùa gần nhà chị nhiều vô thiên lủng. Trên cây bơ, cây mãng cầu, cây vú sữa đều có, nhất là trên mấy cây khế, mấy năm trước cây lá sum suê, quả sai và ngọt lắm, nhưng gần đây quả thưa và chua ngoắt, có lẽ do chùm gửi mọc um tùm, hút hết nhựa sống của cây khế.

Thầy Đức Vân giảng, chùm gửi có nhiều loài, loài lá dày, loài lá mỏng, loài lá nhỏ, loài lá to, có nhà khoa học đã thống kê nước ta có đến 47 loài chùm gửi… Theo sách xưa, chùm gửi trên cây dâu (tên chữ gọi là Tang ký sinh) là tốt nhất, nhưng theo Thầy, tất cả các loài chùm gửi trên các loài cây ăn quả đem dùng đều tốt. Theo Đông y, chùm gửi có vị đắng ngọt, tính bình; có tác dụng bổ gan thận, mạnh gân xương, khu phong trừ thấp, an thai. Thầy và các cộng sự thường dùng chữa phong thấp tê bại, đau nhức xương khớp, lưng đau gối mỏi.

Ngoài ra, còn chữa tăng huyết áp ở người trẻ hoặc do rối loạn tiền mãn kinh ở phụ nữ, bệnh tăng huyết áp ở người cao tuổi, tăng huyết áp kèm tăng cholesterol máu, hoặc viêm cầu thận mạn tính… Liều dùng từ 12 đến 20 gam, sắc riêng hay phối hợp thêm các vị thuốc khác sắc uống mỗi ngày. Có thể thu hái toàn cây, phơi khô, cắt ngắn dành dùng quanh năm.

Được lời như cởi tấm lòng, từ buổi đó về nhà, chị lại có thêm một việc làm công quả mới. Đó là hái các nhành chùm gửi trên cây cối vườn chùa, băm chặt, phơi phong cẩn thận, một phần cho bà con chòm xóm hay đau nhức mình mẩy đem về sắc uống, một phần nấu uống thay nước chè cho chị và ông xã chị vốn hay lên tăng-xông. Phần nhiều nhất chị gom góp đóng vào 6-7 bao tải lớn nhờ người chở lên biếu Nhà điều dưỡng tình thương Suối Hoa và một số phòng thuốc nam từ thiện các chùa dùng bốc thuốc cho người nghèo.  

Không biết do thuốc hay do hiệu ứng tinh thần, mà từ đận lên Suối Hoa về tới chừ đã mấy tháng, cái chứng nhức mỏi, đau vai, lưng và đầy bụng no hơi của chị bỗng dưng bay biến. Điều kỳ lạ hơn là mấy cây khế trong vườn chùa xác xơ hôm nào, sau khi cắt tỉa phần lớn các nhánh chùm gửi, giờ lại đơm hoa  kết quả lúc lỉu đầy cành… Ông bà hay nói “sống gửi thác về”, nhiều lúc ngẫm nghĩ chị thấy chẳng đợi tới kiếp sau, đời người lúc nhỏ sống gửi cha mẹ, lớn lên sống gửi vợ chồng, về già sống gửi con cháu. Trong thế giới trùng trùng duyên khởi này, con người chẳng ai độc lập được cả, nhưng chỉ cần biết chung sống một cách hòa bình thì hữu ích lắm thay, như loài chùm gửi mà nên thuốc đó…

PHAN LANG

;
.
.
.
.
.