Tại phòng thuốc Nam từ thiện ở Hòa Sơn, lần đầu tôi tiếp xúc vị thuốc trị phong thấp nhức mỏi do một bà lang giới thiệu tên là Buồn chún. Mặc dù được bà dẫn chỉ một cây non tái sinh (chưa ra hoa) ngoài bìa vườn chùa và nói thêm người địa phương còn gọi là Muồng tuống, nhưng tôi vẫn chưa thật sự yên tâm.
Cây muồng truổng trổ hoa ở bán đảo Sơn Trà Ảnh: P.C.T |
Cùng vài đồng nghiệp tìm đến nhà bà lang nọ ở thôn Lộc Tây, xã Quế Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam (cách Đà Nẵng khoảng 80km), tận mắt thấy một cây cao khoảng 10m đang kỳ ra hoa, tôi mới xác định được chính xác đây là cây Muồng truổng đã được GS. Đỗ Tất Lợi, TS. Võ Văn Chi, và nhiều tác giả ở Viện Dược liệu đã mô tả trong các sách thuốc Việt Nam.
Lần theo tên chữ Hán đính kèm trong sách của GS. Đỗ Tất Lợi, tra cứu trên mạng tiếng Hoa, tôi được biết thêm cây thuốc này có tên Lặc đảng (勒欓) trong sách Toàn quốc Trung thảo dược hối biên và tên Ưng bất bạc (鹰不泊) trong Trung dược đại từ điển.
Muồng truổng có tên khoa học là Zanthoxylum avicennae (Lam.) DC., thuộc họ Cam - Rutaceae. Đây là cây gỗ nhỏ cao đến 8m; thân có gai, vỏ màu vàng sáng; cành cũng mang nhiều gai thẳng đứng và ngắn. Lá kép lông chim lẻ có 3-11 đôi lá chét hình ngọn giáo, gốc lá chét, không cân, hai bên có góc, mép nguyên hay hơi có răng. Cụm hoa hình tán kép mọc ở ngọn các cành, dài hơn lá. Hoa màu trắng nhạt. Quả dài 4mm, chia 1-3 ô, có lớp trong không tách được với lớp ngoài; mỗi ô chứa mỗi hạt màu đen. Ra hoa vào mùa xuân hè, có quả vào mùa hè thu. Thu hái rễ quanh năm, rửa sạch, thái phiến, phơi khô dùng. Thu hái lá quanh năm, dùng tươi. Quả thu hoạch vào mùa thu đông, phơi khô dùng.
Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Muồng truổng là một vị thuốc nằm trong phạm vi kinh nghiệm nhân dân. Người ta thường lấy rễ về sao vàng sắc đặc mà uống để chữa mẩn ngứa, lở loét, chảy nước. Mỗi ngày uống 6-12g rễ khô. Dùng ngoài không kể liều lượng để nấu nước tắm khi bị mẩn ngứa, lở loét, ghẻ. Một số nơi dùng lá nấu ăn.
Theo Từ điển Cây thuốc Việt Nam, Muồng truổng có vị đắng, cay, tính hơi ấm; có tác dụng khu phong lợi thấp, hoạt huyết chỉ thống, hành khí, lợi thủy. Nhân dân thường lấy lá về nấu ăn, lấy rễ hoặc vỏ thân, vỏ rễ chữa mẩn ngứa, lở loét, ghẻ. Ở Trung Quốc, người ta dùng rễ chữa viêm gan hoặc vàng da, viêm thận phù thũng, phong thấp đau nhức gân cốt, đòn ngã ứ đau. Quả dùng trị đau dạ dày, đau bụng. Lá dùng trị đòn ngã tổn thương, đau thắt lưng, viêm tuyến vú, nhọt, và viêm mủ da. Liều dùng rễ 30-60g, quả 3-6g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài lấy lá giã đắp hoặc nấu nước tắm rửa chỗ mẩn ngứa, ghẻ lở.
Theo Toàn quốc Trung thảo dược hối biên, Muồng truổng (Lặc đảng) vị đắng, cay, hơi ấm; công năng trừ phong thấp, hoạt huyết giảm đau; rễ trị viêm gan vàng da, viêm thận phù thũng, viêm khớp dạng thấp; quả trị đau dạ dày, đau bụng; lá (giã đắp) trị té ngã tổn thương, cơ lưng tổn thương vì làm nặng, viêm tuyến vú, đinh nhọt.
Theo Trung dược đại từ điển, Muồng truổng (Ưng bất bạc) có vị cay tính ấm, công năng khu phong, hóa thấp, tiêu thũng, thông kinh lạc; chủ trị yết hầu sưng đau, phù thũng vàng da, sốt rét, đau xương khớp phong thấp, đòn ngã chấn thương.
PHAN CÔNG TUẤN
Kỳ sau: Một số đơn thuốc có Muồng truổng