Khởi công xây dựng ngày 27-8-2000, khánh thành ngày 5-6-2005 với tổng kinh phí gần 127,36 triệu USD, hầm Hải Vân là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á và là một trong 30 hầm đường bộ lớn và dài trên thế giới tại thời điểm thông xe.
Bên dưới “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á. Ảnh: LGL |
Các nghiên cứu khả thi dự án xây dựng đường hầm được thực hiện từ năm 1996, đến đầu năm 1998 Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt cho phép đầu tư xây dựng với nguồn vốn vay của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và một phần vốn đối ứng của Nhà nước.
Hầm Hải Vân được xây dựng theo phương pháp NATM (New Austrian Tunneling Method) của Áo. NATM là phương pháp thi công hầm dưới mặt đất sử dụng tất cả những phương tiện có thể để phát triển khả năng tự chống đỡ lớn nhất của đá hay đất nhằm có được sự ổn định khi tiến hành khoan mở dưới lòng đất. Hầm được làm theo dạng hình tròn để tăng khả năng chịu lực, tránh tập trung ứng suất tại góc. Sau Hầm Hải Vân, Hầm Đèo Ngang cũng được thi công theo phương pháp hiện đại nhất này.
Trước thời điểm 5-6-2005, trên hành trình từ Bắc vào Nam và ngược lại, du khách phải đi qua 21km đường đèo Hải Vân khúc khuỷu, quanh co với những khúc cua khuỷu tay rất nguy hiểm. Từ ngày Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân hoàn thành đưa vào sử dụng, đoạn đường thiên lý Bắc - Nam này chỉ còn dài 6,28km, không chỉ rút ngắn quãng đường, thời gian qua đèo mà (quan trọng hơn) còn mang lại sự an toàn cho người và phương tiện lưu thông.
Theo thống kê, bình quân mỗi ngày đêm có khoảng 6.500 lượt xe lưu thông qua hầm Hải Vân; những ngày lễ, Tết con số này có thời điểm tăng gấp đôi. Để vận hành an toàn hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á này, ngay từ khi khởi công, một ê-kíp kỹ sư Việt Nam đã lên đường sang Nhật Bản và các nước có hầm đường bộ để học cách khai thác quản lý.
Hầm được chiếu sáng bởi 3.140 bóng đèn cao áp có tổng công suất 65 MW, bình quân mỗi năm tiêu thụ một lượng điện năng trị giá 25 tỷ đồng. Cùng với đó, các hệ thống thông gió (23 quạt thông gió), báo cháy và chữa cháy, điện thoại khẩn cấp, phát thanh radio, camera quan sát (52 cái), hệ thống giám sát và điều khiển giao thông… hoạt động 24/24 giờ đã góp phần bảo đảm an toàn giao thông và ứng phó với các tình huống khẩn cấp trong đường hầm.
Hệ thống điều khiển giao thông, hệ thống mạch cảm biến đo tốc độ và đếm lưu lượng xe trải dài trong suốt đường hầm sẽ tự động đưa tín hiệu về Nhà điều khiển trung tâm phía Nam, trên địa phận Đà Nẵng, nơi tập trung các phương tiện chuyên dụng, từ xe chữa cháy, xe cứu hộ, xe chở nước cùng hàng trăm phương tiện khác trực chiến để sẵn sàng xử lý khi có bất kỳ sự cố nào xảy ra.
Nói chung, tại công trình hầm đường bộ lớn nhất Đông Nam Á này, nhiều kỹ thuật tiên tiến hiện đại của thế giới đã được áp dụng, như công nghệ hàn cadweld chẳng hạn. Đây là kỹ thuật hàn đồng hiện đại nhất, hàn các loại cáp tiếp địa và thu lôi chống sét liền một mạch như không có nối, dùng cho tất cả các công trình điện. Công nghệ hàn cadweld lần thứ hai được sử dụng tại Việt Nam qua công trình Hầm đường bộ Hải Vân, sau công trình Nhiệt điện Phả Lại 2.
Từ khi Hầm đường bộ Hải Vân được đưa vào khai thác đến nay, Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (HAMADECO) đã phối hợp tốt và toàn diện với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo vệ an toàn tuyệt đối công trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đoàn nguyên thủ quốc gia, quốc tế và các đoàn cán bộ cao cấp trong nước và quốc tế qua hầm an toàn.
Công ty đã đưa ra nhiều phương án dự phòng để khắc phục các sự cố về điện. Nếu mất điện, hệ thống máy phát điện tự động sẽ lập tức khởi động. Tuy nhiên, máy phát điện tự động vẫn chưa phải là phương án tối ưu, bởi chỉ cần mất điện trong nửa giây đồng hồ là toàn bộ hệ thống điện tử sẽ bị tê liệt. Để tối ưu hóa việc xử lý sự cố mất điện, 9.000 bình ắc-quy Niken sẽ cung ứng điện ngay tức khắc. Nguồn điện dự trữ này cung cấp đủ năng lượng cho toàn bộ hệ thống hoạt động trong 5 giờ, kể cả hệ thống “ngốn” điện năng nhiều nhất là chiếu sáng đường hầm.
Hầm Hải Vân đã đặt dấu chấm hết cho “nhiệm vụ lịch sử” trên đường thiên lý Bắc - Nam của đèo Hải Vân, đồng thời mở ra “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” này một vận hội mới: Điểm đến thu hút nhiều tour tham quan, đặc biệt là ở đoạn đèo thuộc địa phận thành phố Đà Nẵng. Để đánh thức tiềm năng du lịch vốn đã “ngủ quên” tại đây, đầu năm 2013, UBND thành phố Đà Nẵng đã có quyết định công nhận Đỉnh đèo Hải Vân là điểm du lịch địa phương của Đà Nẵng và lên phương án xây dựng đèo Hải Vân thành điểm du lịch quốc gia.
LÊ GIA LỘC